Phát huy vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Thực tế đã cho thấy, báo chí (BC) tạo ra diễn đàn rộng rãi để các chuyên gia, giới học thuật và các tầng lớp nhân dân trình bày ý kiến, bày tỏ quan điểm, tâm tư, nguyện vọng, tác động trực tiếp đến những người hoạch định và thực thi pháp luật phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC).
Hiện nay, có nhiều cách để BC tham gia PCTNTC. Ngoài cách trực tiếp tuyên chiến với “giặc tham nhũng” bằng cách phát hiện, điều tra, đưa vụ việc TNTC ra ánh sáng, thì phương thức gián tiếp là BC tham gia kiến nghị, góp ý để cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung những bất cập, “lỗ hổng” chính sách, pháp luật về PCTNTC để có được công cụ pháp lý sắc bén giúp PCTNTC hiệu quả hơn, cũng là một biểu hiện vai trò quan trọng của BC trong công tác PCTNTC. Thực chất của vấn đề, chính là BC đã và đang phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, qua đó, tác động trực tiếp đến những người hoạch định và thực thi pháp luật PCTNTC.
BC tạo ra một diễn đàn rộng rãi và hết sức dân chủ, cởi mở để các chuyên gia, giới học thuật ở mọi lĩnh vực có thể tham gia đóng góp ý kiến. Đặc biệt, trước mỗi dịp trình dự thảo một nội dung luật, pháp lệnh liên quan đến công tác PCTNTC, vai trò của BC trong việc lấy ý kiến công luận lại càng trở nên quan trọng, cần thiết hơn. Nhiều tờ báo đã mở những chuyên trang, chuyên mục để các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp ý kiến, bàn luận về công tác PCTNTC, lãng phí, chống các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” như Báo Nhân Dân có chuyên mục Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng; Báo Công An Nhân Dân có chuyên mục Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Báo Đại Đoàn Kết có chuyên mục Giám sát, phản biện;... Đặc biệt, chuyên mục Đảng trong cuộc sống hôm nay của Đài Truyền hình Việt Nam được nhân dân đặc biệt quan tâm theo dõi.
Ngoài ra, nhiều tạp chí cũng thường xuyên đăng tải các bài viết có chất lượng, nêu lên nhiều ý kiến xác đáng liên quan đến công tác PCTNTC. Đơn cử như Tạp chí Pháp Lý - Cơ quan ngôn luận của Hội Luật gia Việt Nam, chỉ trong năm 2018 và 2019 đã đăng tải trên 50 bài viết phân tích, bình luận, ghi chép, đối thoại nhằm thông tin phản ánh những ý kiến của các đại biểu Quốc hội, luật gia, chuyên gia,... về những bất cập của hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến công tác PCTNTC, từ đó, đề xuất, kiến nghị các giải pháp sửa đổi, bổ sung nhiều luật liên quan như Luật Đất đai, Luật PCTN, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Thanh tra, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công,...
Ở góc độ chung nhất, BC phản ánh thường xuyên, trung thực, kịp thời tâm tư, nguyện vọng, ý chí của nhân dân trước các sự kiện, sự việc cũng như các vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia, dân tộc; là phương tiện để nhân dân tham gia xây dựng các chính sách, quyết định chiến lược phát triển quan trọng của quốc gia; phản ánh thái độ, yêu cầu của nhân dân về chất lượng hoạt động của các cơ quan quyền lực, về trách nhiệm thực thi công vụ. Xét ở mặt công tác PCTNTC, BC không chỉ là diễn đàn cho các nhà khoa học, giới chuyên gia đóng góp mà còn là phương tiện quan trọng để người dân thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội; là nơi các tầng lớp nhân dân trình bày ý kiến, quan điểm của mình, qua đó để các cơ quan xây dựng và thực thi pháp luật về PCTNTC có điều chỉnh và hoạt động ngày càng hiệu quả.
Nhân dân là đối tượng để tất cả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước hướng tới. Đồng thời, Đảng, Nhà nước luôn nhận thức sâu sắc về vai trò to lớn của quần chúng nhân dân trong cách mạng. Khi thực hiện tối đa quyền giám sát của mình, nhân dân sẽ trở thành “tai mắt” của Đảng, Nhà nước, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Công tác gì muốn làm tốt đều phải coi trọng ý kiến của nhân dân”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ rõ: “Sức mạnh và động lực to lớn của cuộc đấu tranh PCTNTC là sự đồng tình, ủng hộ, hưởng ứng, tham gia tích cực của nhân dân... Nếu không dựa vào dân thì cuộc đấu tranh PCTNTC khó có thể thành công. Dựa vào dân, lắng nghe dân, lắng nghe dư luận để chọn lọc tiếp thu cái đúng...”. Và một trong những kênh hết sức quan trọng để người dân có thể phát huy vai trò giám sát, bày tỏ ý kiến, quan điểm, tâm tư, nguyện vọng của mình chính là hệ thống BC./.