Phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa trong tình hình mới

Ngày 20-6, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia 'Vai trò của báo chí, xuất bản trên lĩnh vực tư tưởng-văn hóa ở Việt Nam hiện nay'.

Hội thảo được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 / 21-6-2019) đã thực sự là một diễn đàn khoa học cởi mở để các nhà khoa học, các chuyên gia hoạt động thực tiễn chia sẻ những ý kiến trao đổi các kết quả nghiên cứu, những nhận xét, đánh giá khách quan về vai trò của báo chí, xuất bản trên lĩnh vực tư tưởng-văn hóa ở nước ta hiện nay.

Những vấn đề đặt ra trong tình hình mới

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, ông Phạm Chí Thành, Quyền Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật khẳng định, trong bất kỳ giai đoạn cách mạng nào, báo chí, xuất bản luôn là vũ khí sắc bén, là công cụ đắc lực của Đảng trên lĩnh vực tư tưởng-văn hóa. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, báo chí, xuất bản nước ta đã phát huy vai trò to lớn trên lĩnh vực tư tưởng-văn hóa; kịp thời phát hiện và giải quyết nhiều vấn đề tư tưởng phát sinh; tích cực đấu tranh phòng, chống những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, phản động; đấu tranh loại bỏ nhiều thông tin sai trái, xấu, độc, bịa đặt; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc;… góp phần tích cực vào những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới.

 Quang cảnh hội thảo khoa học quốc gia “Vai trò của báo chí, xuất bản trên lĩnh vực tư tưởng – văn hóa ở Việt Nam hiện nay”.

Quang cảnh hội thảo khoa học quốc gia “Vai trò của báo chí, xuất bản trên lĩnh vực tư tưởng – văn hóa ở Việt Nam hiện nay”.

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tại Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019, cả nước có 844 cơ quan báo chí với 184 báo in, 660 tạp chí in và 24 cơ quan báo chí điện tử độc lập. Tính đến tháng 11-2018, cả nước có hơn 19.000 nhà báo được cấp thẻ nhà báo; số hội viên Hội Nhà báo Việt Nam là 23.893 người, đang sinh hoạt tại 297 đơn vị cấp hội, trong đó có 63 hội nhà báo tỉnh, 19 liên chi hội và 215 chi hội trực thuộc Trung ương hội. Số liệu này cho thấy hệ thống báo chí, xuất bản của Việt Nam hiện nay khá hùng hậu và hoạt động sôi động. Tuy nhiên, tại hội thảo, bên cạnh những thành tựu to lớn, các đại biểu, nhà khoa học đã chỉ ra những mặt còn hạn chế của báo chí, xuất bản như: Đội ngũ cán bộ làm công tác báo chí, xuất bản và đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng-văn hóa chưa thực sự “phối hợp tác chiến”, một số người có trình độ, năng lực, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức còn yếu kém; thông tin công tác tư tưởng-văn hóa đến với người dân còn chậm, thiếu tính định hướng…

PGS, TS Hà Huy Phượng, Trưởng khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền thẳng thắn nhìn nhận: “Báo chí vẫn còn những hạn chế, yếu kém như: Thông tin giật gân, câu khách, sai sự thật, gây tác động xấu đến dư luận xã hội, ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của đất nước, tổ chức, nhân dân. Thông tin định hướng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái còn chậm. Tình trạng một số cá nhân lợi dụng danh nghĩa nhà báo, cơ quan báo chí dọa dẫm, sách nhiễu, tống tiền cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để trục lợi vẫn chưa được ngăn chặn triệt để”. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa có sự chủ động phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, địa phương và thiếu thẩm định, kiểm chứng nguồn tin của một số cơ quan báo chí, nhà báo.

Đổi mới, nâng cao chất lượng của báo chí, xuất bản

Một trong những thách thức lớn đặt ra đối với lĩnh vực báo chí hiện nay, đó là sự phát triển mạnh mẽ của internet và mạng xã hội. Có mặt ở Việt Nam từ năm 1997, đến nay internet đã có khoảng 64 triệu người sử dụng, chiếm 62,7% dân số. Việt Nam xếp thứ 8 ở châu Á và thứ 18 trong số 20 quốc gia có tỷ lệ người dân sử dụng internet cao của thế giới. Hiện cả nước có hơn 300 mạng xã hội đã đăng ký hoạt động. Hơn 95% số người truy cập internet để đọc thông tin, chủ yếu thông qua các website tổng hợp và các mạng xã hội. Các website truyền thông xã hội chiếm đến 80% số lượng người sử dụng thường xuyên. Có 20 triệu người Việt Nam sử dụng Facebook mỗi ngày, trung bình mỗi người dành 2,5 giờ/ngày để vào mạng.

PGS, TS Ngô Đình Xây, nguyên Vụ trưởng Vụ lý luận chính trị (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho rằng, điểm nổi bật của mạng xã hội là tính kết nối và chia sẻ rất mạnh mẽ. Nó phá vỡ những ngăn cách về địa lý, ngôn ngữ, giới tính lẫn quốc gia. Những gì một người làm, một người nghĩ, cả thế giới có thể chia sẻ với người đó chỉ trong tích tắc. Về mặt bản chất, mạng xã hội chính là hình thức làm marketing truyền miệng trên môi trường internet. Việc sử dụng mạng xã hội cũng có cái tốt nhưng cũng có nhiều cái bất cập. “Với đặc điểm là một công cụ kết nối tất yếu, khách quan trong thời đại công nghệ số, báo chí cần phải chủ động và tích cực sử dụng mạng xã hội và xem đó là một trong những hình thức chính trong hoạt động hiện nay; song lại phải biết quản lý và sử dụng để hạn chế tối đa các rủi ro do mạng xã hội mang lại”, PGS, TS Ngô Đình Xây nói.

Trước thách thức của mạng xã hội trong bối cảnh hiện nay, PGS, TS Đỗ Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, báo chí càng trở nên quan trọng trong vai trò người lính xung kích trên mặt trận tư tưởng-văn hóa. Tuy nhiên, mức độ quan trọng của báo chí cũng tỷ lệ thuận với những thách thức, khó khăn mà báo chí đối diện khi thực hiện vai trò của mình. Trong bối cảnh hiện nay, các thế lực thù địch, phản động và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí đang tích cực sử dụng truyền thông, nhất là mạng xã hội làm công cụ truyền bá quan điểm sai trái, tiến công vào nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng, làm lung lạc và tác động đến tư tưởng, đạo đức, lối sống của xã hội… Vì vậy, việc phát huy vai trò của báo chí trên lĩnh vực tư tưởng-văn hóa càng trở nên quan trọng, cần thiết, trong đó cần đặc biệt nhấn mạnh vai trò các cơ quan báo chí và những người làm báo.

Để phát huy vai trò của báo chí trong thời gian tới, tại hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý báo chí, xuất bản đã đưa ra phương hướng, giải pháp nhằm phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa ở Việt Nam trong tình hình mới. Theo PGS, TS Mai Đức Ngọc, Phó giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, báo chí cần thực hiện tốt các yêu cầu đặt ra, trong đó chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan báo chí, đề cao trách nhiệm cán bộ, phóng viên, cộng tác viên, nhất là người đứng đầu trong các cơ quan báo chí. Làm tốt công tác định hướng thông tin, cung cấp kịp thời thông tin chính xác những vấn đề, sự kiện quan trọng, phức tạp, nhạy cảm cho công chúng. Ngoài ra, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển hệ thống báo chí đại chúng, tránh trùng lặp, chồng chéo, lấn sân về chức năng, nhiệm vụ, gây lãng phí nguồn lực của đất nước… Bên cạnh đó, bản thân những người làm báo phải không ngừng rèn luyện chuyên môn, nghiệp vụ, trau dồi phẩm chất, đạo đức, lối sống, xây dựng và rèn luyện bản lĩnh của người cầm bút để thực sự trở thành một chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng-văn hóa của Đảng, xứng đáng với sự tin yêu, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

NGUYỄN HOÀI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/phat-huy-vai-tro-cua-bao-chi-xuat-ban-tren-linh-vuc-tu-tuong-van-hoa-trong-tinh-hinh-moi-577124