Phát huy vai trò của BĐBP trong đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề tôn giáo của các thế lực thù địch ở khu vực biên giới
Khu vực biên giới nước ta là 'phên dậu' của Tổ quốc, có vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Đồng thời, là địa bàn trọng điểm mà các thế lực thù địch, phản động thực hiện chiến lược 'diễn biến hòa bình', lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc để chống phá cách mạng nước ta với âm mưu, phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi, thâm độc. Cụ thể là:
Một là, chúng tìm mọi cách tách tôn giáo ra khỏi sự quản lý của Nhà nước, tích cực thúc đẩy liên kết hoạt động giữa các tôn giáo hòng từng bước biến tôn giáo thành lực lượng chính trị đối trọng với Đảng và Nhà nước ta; đẩy mạnh phát triển các hội đoàn tôn giáo, khuếch trương thanh thế, kết hợp với tăng cường truyền đạo trái pháp luật, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nhằm kích động, lôi kéo, tập hợp quần chúng, gây áp lực với chính quyền địa phương.
Đáng chú ý, chúng tập trung kích động người dân đòi hỏi yêu sách phi lý, lấn chiếm, chuyển nhượng đất đai trái pháp luật…Nổi lên ở khu vực biên giới (KVBG) các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An, Điện Biên, Lai Châu và một số tỉnh Tây Nguyên. Thông qua đó, đòi tư hữu hóa đất đai, gây mâu thuẫn với chính quyền, kích động chức sắc, tín đồ tôn giáo cản trở việc thực hiện chính sách, pháp luật, chống người thi hành công vụ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình chính trị, an ninh, trật tự.
Hai là, chúng triệt để lợi dụng chiêu bài “tôn giáo hóa dân tộc” để thâm nhập, lôi kéo, tập hợp lực lượng là người DTTS, nhằm hình thành tổ chức phản động trên địa bàn. Chúng thông qua các tôn giáo đã phát triển ở vùng DTTS hoặc lập ra một số hình thức “tôn giáo riêng” cho người DTTS, như “Tin lành của người Mông” để thành lập “Nhà nước Mông” ở Tây Bắc; “Phật giáo Nam Tông Khmer” để thành lập “Vương quốc Chăm Pa” ở vùng DTTS Nam Trung Bộ, “Nhà nước Khmer Kampuchea Krom” ở Tây Nam Bộ... Thực chất là hình thành các tổ chức phản động chống phá cách mạng nước ta.
Điển hình như vụ kích động, lôi kéo đồng bào Mông tham gia tụ tập đông người đòi thành lập cái gọi “Nhà nước Mông” tại KVBG tỉnh Điện năm 2011.Gần đây, một số tổ chức phản động ở nước ngoài đã câu kết với các đối tượng trong nước tuyên truyền, lôi kéo chức sắc, tín đồ và người dân tập hợp lực lượng, từng bước công khai hóa hoạt động chống phá.
Ba là, lợi dụng thần quyền, giáo lý, giáo luật để kích động, ép buộc đồng bào tôn giáo chống lại chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; lôi kéo, kích động tín đồ và người dân biểu tình, phá rối an ninh, trật tự, tạo cớ can thiệp từ bên ngoài. Chúng còn tổ chức đào tạo, dụ dỗ, mua chuộc các chức sắc tôn giáo có tư tưởng cực đoan để kích động, lôi kéo giáo dân tham gia các hoạt động chống đối chính quyền trong giải quyết các vấn đề phức tạp tại địa phương; coi thường pháp luật, kích động bạo lực, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Điển hình là vụ gây rối do các Linh mục phản động kích động giáo dân tại Nghệ An, Hà Tĩnh và một số địa phương khác tham gia.
Bốn là, triệt để lợi dụng các chính khách cực đoan trong chính trường một số nước phương Tây để tác động quốc hội, nghị viện sở tại thông qua các báo cáo, nghị quyết, thông cáo… xuyên tạc tình hình tôn giáo, dân tộc ở Việt Nam nói chung, ở KVBG nói riêng; vu cáo Nhà nước ta vi phạm nhân quyền, đàn áp và phân biệt đối xử với tôn giáo. Bên cạnh đó, các tổ chức phản động lưu vong ráo riết vận động Việt kiều, người nước ngoài ủng hộ kinh phí, vật chất, phương tiện rồi tìm cách đưa về Việt Nam để “nuôi dưỡng, hậu thuẫn” các đối tượng trong nước hoạt động chống phá. Chúng còn móc nối với số đối tượng cơ hội chính trị trong nước thu thập tin tức, tình hình dân tộc, tôn giáo, việc xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật, những hạn chế, thiếu sót trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo ở các địa phương để tuyên truyền xuyên tạc, bóp méo sự thật trên các diễn đàn, mạng xã hội, phương tiện truyền thông nhằm hạ thấp uy tín của Đảng, Nhà nước ta trên trường quốc tế. Mượn danh các tổ chức từ thiện, nghiên cứu văn hóa, dân tộc học, môi trường, đầu tư kinh doanh…, các đối tượng đi đến từng bản, làng, buôn, ấp, nhà dân, tiếp cận những già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín trong các dân tộc, tôn giáo để lôi kéo, kích động, truyền bá tư tưởng phản động, gây mâu thuẫn, chia rẽ đoàn kết dân tộc, tôn giáo, đoàn kết với cấp ủy, chính quyền địa phương, gây mất ổn định địa bàn.
Trước tình hình đó, các đơn vị BĐBP đã tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng triển khai nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ, phù hợp phòng, chống hoạt động của các thế lực thù địch. Kịp thời giải quyết bức xúc trong cộng đồng các tôn giáo và nhân dân, ổn định tình hình an ninh, trật tự địa bàn KVBG; tích cực tham gia thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, bảo đảm quyền bình đẳng, tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân; tham mưu và trực tiếp xử lý nghiêm hành vi lợi dụng tôn giáo, vi phạm pháp luật của các đối tượng cầm đầu, cốt cán; tranh thủ sự ủng hộ đông đảo đồng bào các dân tộc, tôn giáo.
Các đơn vị BĐBP đã chủ động phối hợp với các ngành, lực lượng và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho các tầng lớp nhân dân ở KVBG, kết hợp chặt chẽ tuyên truyền đối ngoại, tuyên truyền đặc biệt, tấn công chính trị, góp phần thiết thực nâng cao nhận thức về âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản bác luận điệu, thông tin sai trái, xuyên tạc, vu cáo; hướng dẫn và tổ chức cho Nhân dân kỹ năng tự đề kháng, biết đấu tranh phản bác luận điệu sai trái, thù địch; củng cố và tăng cường đoàn kết dân tộc, tôn giáo, niềm tin vào Đảng, chính quyền, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ biên giới quốc gia.
Trong những năm tới, tình hình lợi dụng vấn đề tôn giáo chống phá cách mạng nước ta của các thế lực thù địch tiếp tục diễn biến phức tạp, với phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, thâm độc hơn. Địa bàn các tỉnh biên giới Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ vẫn là trọng điểm mà chúng tập trung chống phá. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa và đấu tranh,đòi hỏi các đơn vị BĐBP cần tập trung thực hiện hiệu quả một số biện pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, quán triệt sâu sắc, đầy đủ, cụ thể hóa và triển khai thực hiện đúng quan điểm, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước, chủ trương của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở KVBG nâng cao nhận thức, hiểu biết về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, nhất là chính sách dân tộc, tôn giáo, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; tuyên truyền, giáo dục cho quần chúng nhân dân ở KVBG hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá cách mạng Việt Nam, để đồng bào đề cao cảnh giác, không nghe theo kẻ xấu, không bị lợi dụng, kích động, lôi kéo.
Thứ hai, tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các ban, ngành, lực lượng và địa phương xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo phương châm chân thành, rộng rãi, lâu dài, giữ vững ổn định chính trị - xã hội địa bàn KVBG; mở rộng và da dạng hóa các hình thức tập hợp Nhân dân, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong thực hiện bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau giữa các dân tộc, tôn giáo. Giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào với kiên quyết đấu tranh chống âm mưu và hành động kì thị, chia rẽ dân tộc, tôn giáo, chống tư tưởng dân tộc lớn, dân tộc hẹp hòi, dân tộc cực đoan, tự ti hoặc mặc cảm dân tộc, tôn giáo. Giữ vững ổn định chính trị, an ninh, trật tự ở KVBG, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia.
Thứ ba, tích cực, chủ động làm tốt công tác tham mưu và tham gia cùng các địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc, tôn giáo ở KVBG. Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ làm công tác vận động quần chúng, cán bộ tăng cường xã, đảng viên đồn biên phòng tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, bản và phụ trách hộ gia đình ở KVBG; nhân rộng và nâng cao hiệu quả các mô hình: “Con nuôi đồn biên phòng”,“Nâng bước em tới trường”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản”…. Tham gia xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư; giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bản sắc, truyền thống của các dân tộc, tôn giáo ở KVBG; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền những giá trị văn hóa mới tiến bộ, phù hợp gắn với bài trừ hủ tục, tệ nạn xã hội, tạo thiết chế và không gian văn hóa phong phú, lành mạnh, không ngừng nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào các dân tộc, tôn giáo.
Thứ tư, tích cực tham gia xây dựng, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở ở KVBG. Tham mưu cho cấp uỷỷ, chính quyền địa phương thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, đoàn thể; chú trọng nâng cao phẩm chất đạo đức và năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ chuyên trách về công tác dân tộc, tôn giáo ở KVBG; thực hiện chính sách ưu tiên trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ người DTTS, cán bộ là người có đạo.
Tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa và triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của trên, nhất là Kết luận số 68-KL/TW ngày 05/02/2020 của Ban Bí Thư về chủ trương tăng thêm cán bộ đồn Biên phòng tham gia cấp ủy cấp huyện, xã biên giới, biển, đảo; phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ biên phòng tăng cường xã, đảng viên đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt tại chi bộ thôn, bản và phụ trách hộ gia đình ở KVBG nhằm tăng cường năng lực lãnh đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng, phát triển địa phương và quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.
Thứ năm, chủ động nắm, đánh giá, dự báo sát, đúng tình hình, kịp thời phát hiện từ sớm, từ xa những vấn đề phức tạp có thể nảy sinh để có chủ trương, biện pháp phòng ngừa tích cực, hiệu quả; kịp thời xử lý, giải quyết dứt điểm các tình huống, vụ việc bức xúc có liên quan đến vấn đề dân tộc, tôn giáo, không để bị động, bất ngờ, lan rộng, kéo dài, tạo thành các “điểm nóng” về dân tộc, tôn giáo ở KVBG. Xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật những kẻ cầm đầu, ngoan cố chống đối; kiên trì thuyết phục quần chúng nhẹ dạ, cả tin, bị dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo nghe theo kẻ xấu, giúp họ trở lại với cộng đồng, ổn định tư tưởng, cuộc sống; đối xử nhân văn, độ lượng, bình đẳng với những người lầm lỗi, có tinh thần ăn năn, hối cải, có thái độ thành thật sửa chữa.
Những năm tiếp theo, lợi dụng vấn đề tôn giáo chống phá cách mạng nước ta tiếp tục được các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước quyết liệt thực hiện với âm mưu, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc, trong đó KVBG vẫn là địa bàn trọng điểm. Thực tiễn đó đặt ra cho BĐBP yêu cầu nhiệm vụ mới, nhiều khó khăn, phức tạp hơn, đòi hỏi phải làm tốt công tác nắm, đánh giá, dự báo sát, đúng tình hình có liên quan; tăng cường chỉ huy, chỉ đạo; tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương; phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, lực lượng triển khai đồng bộ các biện pháp để phòng ngừa và đấu tranh thắng lợi.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp và thường xuyên là Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP; phát huy vai trò, trách nhiệm,những kinh nghiệm và biện pháp triển khai phù hợp trong thời gian qua, với tinh thần đổi mới, sáng tạo…, hoạt động của BĐBP tham gia thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước nói chung, đấu tranh chống âm mưu và thủ đoạn lợi dụng vấn đề tôn giáo của các thế lực thù địch ở KVBG nói riêng chắc chắn sẽ thu được những kết quả to lớn hơn.
TS. Nguyễn Đăng Khoa
-------------------------------------------
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, Nghị quyết về công tác tôn giáo (Số: 25-NQ/TW ngày 12.3), Hà Nội, 2003.
2. Ban Tổ chức Trung ương, Hướng dẫn thực hiện Kết luận số 68-KL/TW ngày 05/02/2020 của Ban Bí thư về chủ trương thí điểm tăng thêm cấp ủy viên là cán bộ đồn Biên phòng vào cấp ủy huyện, xã biên giới, biển, đảo (Số: 31-HD/BTCTW ngày 01.7), Hà Nội, 2020.
3. Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Chỉ thị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác tôn giáo trong tình hình mới (Số: 18-CT/TW ngày 10.01), Hà Nội, 2018.
4. Bộ Quốc phòng, Thông tư Hướng dẫn thực hiện biện pháp Vận động quần chúng trong công tác của Bộ đội Biên phòng (Số: 29/2023/TT-BQP ngày 31.3), Hà Nội, 2023.
5. Đảng ủy Bộ đội Biên phòng,Nghị quyết về Tăng cường và đổi mới công tác vận động quần chúng của Bộ đội Biên phòng trong tình hình mới(Số:702-NQ/ĐU ngày 29.6), Hà Nội, 2015.
6. Quân ủy Trung ương, Chỉ thị về tiếp tục đổi mới và tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo Quân đội thực hiện công tác tôn giáo trong tình hình mới (Số: 1006-CT/QUTW ngày 27.9), Hà Nội, 2019.
7. Quân ủy Trung ương,Chỉ thịvề công tác dân vận của Quân đội trên địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh trong tình hình mới(Số: 168-CT/QUTW ngày 08.02), Hà Nội, 2020.
8. Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (Số: 02/2016/QH16 ngày 18.11), Hà Nội, 2016.