Phát huy vai trò của cảng cá trong phát triển hậu cần nghề cá

Cảng cá không chỉ là nơi tàu thuyền đánh bắt của ngư dân neo đậu, bốc dỡ hàng hóa và cung cấp nhu yếu phẩm cho tàu thuyền khai thác hải sản, tránh trú bão… mà còn có vai trò chiến lược trong phát triển kinh tế biển. Theo Luật Thủy sản 2017, cảng cá có vai trò quan trọng trong việc chống hoạt động khai thác bất hợp pháp (IUU). Tuy nhiên, hiện nay các cảng cá trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ nhiều bất cập.

 Cảng cá Cửa Việt chưa đáp ứng nhu cầu cập cảng cho các tàu cá công suất lớn - Ảnh: T.T

Cảng cá Cửa Việt chưa đáp ứng nhu cầu cập cảng cho các tàu cá công suất lớn - Ảnh: T.T

Trên địa bàn tỉnh hiện có Cảng cá Cửa Việt và Cảng cá Cửa Tùng do Ban Quản lý (BQL) cảng cá Quảng Trị trực tiếp quản lý. Cảng cá kết hợp khu neo đậu tránh trú bão Cồn Cỏ thuộc sự quản lý của UBND huyện đảo Cồn Cỏ, Bến cá bắc Cửa Việt thuộc sự quản lý của UBND huyện Triệu Phong.

Với thiết kế cho tàu cá lớn nhất 250 CV, dài 44 m, công suất tối đa cho bến cảng là 7- 8 tàu và đưa vào sử dụng từ năm 2001, đến nay Cảng cá Cửa Việt không còn đáp ứng được nhu cầu neo đậu, cập bến của các loại tàu thuyền ngày càng có công suất lớn và thiết kế hiện đại. Có thời điểm gần 50 tàu có nhu cầu cập cảng để bốc dỡ sản phẩm và tiếp ứng nhiên liệu, trong khi chỗ neo đậu hạn chế nên xảy ra tình trạng tranh chấp vị trí cập bến…

Đối với Cảng cá Cửa Tùng có công suất thiết kế cho tàu cá lớn nhất đến 500 CV, dài 80m, trong những năm qua luồng vào cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão ngày càng bị bồi lấp khiến tàu thuyền không thể vào cảng cá. Các tàu cá xa bờ của khu vực Cửa Tùng phải vào neo đậu tại Cửa Việt. Các hạng mục cầu cảng, phân khu chức năng đều xuống cấp, cầu cảng không có mái che… Đối với Cảng cá đảo Cồn Cỏ, ngoài công năng chính là cảng cá loại II còn cho phép mở rộng công năng được tiếp nhận phương tiện vận tải hành khách và hàng hóa ra, vào cảng.

Năm 2019, Bộ Nông nghiệp và PTNT có quyết định công nhận Cảng cá Cửa Tùng và Cảng cá Cửa Việt là cảng cá chỉ định để xác nhận nguồn gốc thủy sản, cho tàu cá hoạt động từ vùng khơi trở ra cập cảng và cho tàu nước ngoài cập cảng. Về cơ bản, số lượng cơ sở dịch vụ hậu cần tương ứng với quy mô các cảng cá hiện tại. Tại Cảng cá Cửa Tùng có 10 cơ sở hấp sấy cá khô, 8 cơ sở sản xuất nước đá, 3 cơ sở xăng dầu, 14 cơ sở dịch vụ và 8 cơ sở thu mua, 1 nhà máy chế biến bột cá, 1 nhà máy chế biến chả cá. Cảng cá Cửa Việt có 4 cơ sở hấp sấy cá khô, 2 cơ sở sản xuất nước đá, 1 cơ sở xăng dầu, 4 cơ sở dịch vụ và 4 cơ sở thu mua.

Đối chiếu với quy định các cảng cá loại I, loại II theo luật định, Cảng cá Cửa Việt và Cảng cá Cửa Tùng chưa đáp ứng được các yêu cầu về diện đất cảng và vùng nước cảng, tiêu chí sản lượng hàng thủy sản qua cảng. Các trang thiết bị bốc dỡ hàng hóa, hệ thống xử lý nước thải, điện, nước, phòng chống cháy nổ... chưa bảo đảm, khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn, đồng thời không phù hợp để các tàu có công suất và chiều dài lớn cập cảng. Công nghiệp phụ trợ phục vụ khai thác hải sản còn nhỏ lẻ, manh mún. Hoạt động hậu cần phục vụ khai thác hải sản trong thu mua, kinh doanh nguyên liệu hải sản chưa mang tính hệ thống. Mặt khác, công tác quản lý tàu cá ra vào và giám sát sản lượng tại các cảng cá chưa thực sự hiệu quả, còn mang nặng tính báo cáo, đối phó.

Toàn tỉnh hiện có 2.273 chiếc tàu cá, với tổng công suất 127.504 CV, trong đó có 366 chiếc tàu có chiều dài trên 15m (tàu khai thác vùng khơi), chiếm 16,1% trong tổng số tàu cá của tỉnh. Trong 9 tháng đầu năm 2020, lượng tàu thuyền cập cảng là 1.914 lượt, trong đó cập Cảng cá Cửa Tùng 367 lượt, Cảng cá Cửa Việt là 1.547 lượt. Số tàu cá ngoại tỉnh cập các cảng ở Quảng Trị là 1.126 lượt, chiếm 58,8%. Hàng hóa thủy sản qua các cảng đạt 4.389 tấn, còn lại có khoảng 128 tấn hàng hóa khác, trong đó hàng hóa của tàu cá có chiều dài dưới 24 m chiếm 661 tấn, của tàu cá ngoại tỉnh là 960 tấn. Ông Lê Văn Sơn, Giám đốc BQL Cảng cá tỉnh Quảng Trị cho biết, với lượng tàu thuyền cũng như hàng hóa cập Cảng Cửa Việt nhiều hơn so với Cảng Cửa Tùng, trong khi tại Cửa Việt chưa có cơ sở chế biến nên người dân phải vận chuyển số lượng lớn thủy sản ra Cửa Tùng để thực hiện việc chế biến sản phẩm.

Tháng 5/2019, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá tỉnh Quảng Trị với tổng kinh phí 400 tỉ đồng từ nguồn bồi thường sự cố môi trường biển. Hiện cả hai cảng cá đang trong thời gian triển khai thực hiện dự án sửa chữa, nâng cấp, mở rộng cảng cá với mục tiêu đặt ra là tàu cá 1.000 CV có thể cập cảng. Vừa qua, UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định phê duyệt phương án khai thác Cảng cá Cửa Việt và Cảng cá Cửa Tùng nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả các công trình nhà nước, làm cơ sở cho việc hình thành và quản lý nghề cá theo hướng hiện đại. Riêng với Cảng cá Cửa Tùng, đồng ý chủ trương mở rộng công năng Cảng cá Cửa Tùng để tiếp nhận phương tiện vận tải hàng hóa ra vào cảng.

Để hiện thực hóa mục tiêu đặt ra trong thời gian tới là phát triển thủy sản thành ngành kinh tế mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa và ổn định vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Nâng cao năng lực quản lý, khai thác hiệu quả các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, dịch vụ hậu cần nghề cá thì trước hết cần phải bố trí đủ nguồn lực để đầu tư, nâng cấp mở rộng các cảng cá theo đúng quy hoạch, hoàn thành việc công bố mở cảng cá đối với Cảng cá Cửa Việt và Cảng cá Cửa Tùng. Kêu gọi xã hội hóa để đầu tư xây dựng các cơ cở dịch vụ hậu cần quy mô tại các cảng cá nhằm đáp ứng yêu cầu chế biến sau khai thác, đánh bắt thủy sản. Tăng cường công tác quản lý tàu cá ra, vào và giám sát sản lượng cũng như kiểm tra hoạt động khai thác thủy hải sản tại các cảng cá…

Bảo Bình

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=152401