Phát huy vai trò của công an xã trong đấu tranh, phòng, chống tội phạm
Sáng 25-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự phiên thảo luận.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung làm việc sáng 25-10.
Nguồn nhân lực của công an xã rất lớn
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu bày tỏ sự nhất trí cao đối với bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với công an xã (tương đương với trách nhiệm của công an phường, thị trấn, đồn công an) nhằm phát huy vai trò của lực lượng này trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tại địa phương.
Cho rằng việc sửa đổi là cần thiết để phù hợp với tổ chức bộ máy của lực lượng Công an nhân dân cũng như yêu cầu thực tiễn, đại biểu Nguyễn Tiến Nam (Đoàn Quảng Bình) nhấn mạnh, công an xã là lực lượng gần dân nhất để nắm, tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm tại cơ sở; kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, tiến hành các hoạt động theo thẩm quyền nhằm bảo vệ hiện trường, tài liệu vật chứng.
Đại biểu Nguyễn Tiến Nam (Đoàn Quảng Bình) phát biểu.
“Hiện nay, 100% xã đã được bố trí công an chính quy đảm nhiệm chức danh công an xã, trong đó trên 50% có trình độ đại học, gần 20% từng công tác tại các đội điều tra công an huyện… Như vậy, nguồn nhân lực của công an xã rất lớn, đủ khả năng đáp ứng nhiệm vụ của công an xã trong tiếp nhận giải quyết tố giác tin báo tội phạm tương đương như công an phường, thị trấn”, đại biểu Nguyễn Tiến Nam nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) cho rằng, lực lượng công an xã đã được tổ chức chính quy 100% trên nhiều địa bàn của tỉnh Lâm Đồng, thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn tại Điều 1 Luật Công an nhân dân, trong đó có các quy định chung về tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm. Do vậy, việc bổ sung trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm cho công an xã tương đương với công an phường, thị trấn, đồn công an không mâu thuẫn với Luật Công an nhân dân và Pháp lệnh Công an xã trước đây.
Các đại biểu thảo luận tại điểm cầu Hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội) sáng 25-10.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cũng nhất trí việc bổ sung, điều này giúp thể chế hóa đường lối của Đảng, chủ trương của Nhà nước trong việc bố trí công an chính quy đảm nhiệm chức danh công an xã. Đây là lực lượng nòng cốt trong việc bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm cũng như xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại các địa phương. Trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp thì công an xã càng có vai trò quan trọng trong giải quyết vấn đề an ninh trật tự tại cơ sở và việc bổ sung nhiệm vụ trên là cần thiết.
Dịch bệnh ảnh hưởng đến quá trình tố tụng
Nội dung thứ hai được các đại biểu quan tâm thảo luận trong phiên họp là: Tại các khoản 2, 5 và 6 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 148 theo hướng bổ sung căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà cơ quan có thẩm quyền giải quyết không thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh để quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) cho rằng: Tố tụng hình sự có 4 giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử, song thời gian qua đều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Do đó, các cơ quan đã trình Quốc hội các biện pháp tháo gỡ khó khăn như với giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố đề nghị Quốc hội sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng tạm đình chỉ; với giai đoạn xét xử, Tòa án nhân dân Tối cao đề nghị cho xét xử trực tuyến; tiếp cận ở hướng thuận lợi nhất cho tố tụng và cho người dân. Đại biểu cũng cho rằng, nếu ở giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố thì tạm đình chỉ phù hợp vì đây là giai đoạn đầu của tố tụng và với biện pháp thu thập chứng cứ thông thường phải trực tiếp, thực tiễn.
Đại biểu Phạm Thị Xuân (Đoàn Thanh Hóa) phát biểu.
Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Thị Xuân (Đoàn Thanh Hóa) phân tích, thời gian qua nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội với nhiều cấp độ khác nhau ảnh hưởng đến quá trình điều tra, xét xử vụ án của các cơ quan tiến hành tố tụng. Việc không giải quyết được nguồn tin tố giác tội phạm dẫn đến không xác định được có hay không có dấu hiệu phạm tội để ra quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án khi thời hạn giải quyết về nguồn tin đã hết. Trong khi đó, cơ quan có thẩm quyền không thể quyết định tạm đình chỉ giải quyết tin báo tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố vì không có căn cứ theo quy định...
Cuối phiên thảo luận, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí đã phát biểu tiếp thu, giải trình một số ý kiến của đại biểu Quốc hội quan tâm đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. Viện trưởng Lê Minh Trí cho rằng, dịch Covid-19 đã tác động đến các hoạt động xã hội nói chung và quá trình xử lý các tình huống liên quan đến tội phạm tại các cơ sở, địa phương nói riêng.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí phát biểu.
“Thời gian qua, Bộ Công an đã tăng cường lực lượng chính quy về công an xã. Về năng lực chuyên môn, công an xã đã đáp ứng được yêu cầu, cần bổ sung để nguồn nhân lực này được phát huy giải quyết tại chỗ các tình huống phát sinh, giảm tải áp lực cho công an huyện đang quá tải. Bên cạnh đó, qua dịch bệnh, thiên tai, đời sống xã hội phát sinh nhiều vấn đề nên nếu giải quyết tốt ngay từ cơ sở sẽ góp phần bảo đảm an ninh trật tự”, đồng chí Lê Minh Trí cho biết.
Về băn khoăn của một số đại biểu liên quan đến năng lực của đội ngũ công an xã hiện nay, Viện trưởng Lê Minh Trí khẳng định, thời gian tới sẽ tiếp tục tái đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất cho công an xã. Khi công an xã được bổ sung trách nhiệm, Viện Kiểm sát cấp huyện sẽ áp dụng các biện pháp nghiệp vụ kiểm sát chặt chẽ việc điều tra, xác minh sơ bộ của công an xã cũng như công an phường, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, qua thời gian thảo luận đã có 19 lượt đại biểu phát biểu ý kiến và tranh luận. Phó Chủ tịch Quốc hội nhận định: Các đại biểu thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, trí tuệ, trách nhiệm cao, thể hiện sự đồng tình với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự...