Phát huy vai trò của Công đoàn tại doanh nghiệp

Tại nhiều doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở đã hoạt động năng nổ, nhiệt huyết; tích cực triển khai các hoạt động chăm lo đời sống, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động, đồng thời tích cực góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định tại doanh nghiệp.

Thời gian qua, mặc dù hoạt động trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng các Công đoàn cơ sở tại các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã năng động, sáng tạo, phát huy tinh thần đoàn kết thống nhất, khắc phục khó khăn, chủ động đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để ngày càng thực chất, có chiều sâu, bám sát vào nhiệm vụ chính trị, tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn.

Đơn cử như tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn TOTO Việt Nam, bà Phạm Thị Bích Hải – Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết, xác định chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn là đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, xây dựng quan hệ hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp, thời gian qua, Ban Chấp hành Công đoàn công ty đã nỗ lực triển khai các hoạt động thiết thực, hiệu quả để khẳng định vai trò của tổ chức Công đoàn tại doanh nghiệp.

Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn TOTO Việt Nam triển khai nhiều hoạt đồng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. (Ảnh: Mai Quý)

Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn TOTO Việt Nam triển khai nhiều hoạt đồng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. (Ảnh: Mai Quý)

Cụ thể, Ban Chấp hành Công đoàn công ty đã xây dựng Quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, xây dựng Quy chế phối hợp giữa Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở và doanh nghiệp, thể hiện bằng việc hàng tháng thực hiện đối thoại định kỳ và hàng năm tổ chức Hội nghị người lao động. Hàng tháng, Ban Chấp hành Công đoàn đều tổ chức họp để lấy ý kiến của người lao động, lắng nghe chia sẻ của người lao động về những khó khăn, nguyện vọng. Từ đó, tiến hành thương lượng và ký kết Thỏa ước lao động tập thể với người sử dụng lao động.

Hiện tại, trong Thỏa ước lao động tập thể của công ty đã có nhiều quyền lợi mà người lao động được hưởng cao hơn so với quy định của Luật như: Chế độ tiền lương nhiều hơn so với lương tối thiểu vùng; số ngày nghỉ trong năm nhiều hơn so với Luật quy định, hiện tại tổng số ngày nghỉ được hưởng lương trong năm là 94 ngày, số ngày nghỉ phép trong năm là 15 ngày; công nhân lao động được hưởng nhiều trợ cấp như: Trợ cấp chuyên cần, trợ cấp đời sống (400.000 đồng/người), trợ cấp nhà ở (400.000 đồng/người)…

Ngoài ra, Ban Chấp hành Công đoàn công ty cũng tích cực triển khai các hoạt động để giúp công nhân lao động rèn luyện sức khỏe, cải thiện đời sống tinh thần như: Đại hội thể dục thể thao, hội diễn văn nghệ, giải chạy, giải bóng đá, hội thi nấu ăn, hội thi cắm hoa... Đồng thời, tổ chức các hoạt động: Tuyên dương đoàn viên ưu tú hàng tháng, tuyên truyền “Đã uống rượu bia thì không lái xe”, hiển thị các poster về phòng chống dịch bệnh, không sử dụng ma túy... nhằm tuyên truyền, hướng dẫn người lao động trở thành người lao động tốt, tuân thủ pháp luật, nội quy của công ty.

Đặc biệt, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ Công đoàn, Ban Chấp hành Công đoàn công ty đã thường xuyên tổ chức các buổi hướng dẫn, chia sẻ về hoạt động Công đoàn cho cán bộ Công đoàn trong công ty; tích cực tham gia các buổi tập huấn do Công đoàn cấp trên tổ chức; duy trì họp Tổ Công đoàn hàng tháng để chia sẻ về hoạt, cùng nhau giải quyết các vấn đề cũng như học hỏi lẫn nhau các hoạt động, các kinh nghiệm tốt.

Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Đinh Quốc Toản cho biết, nhằm tiếp tục phát huy vai trò của Công đoàn cơ sở trong việc tập hợp, thu hút, đại diện bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân lao động trong các khu công nghiệp, thời gian tới, Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho công nhân lao động và người sử dụng lao động về những quy định của pháp luật lao động và pháp luật công đoàn.

Cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, sự cần thiết của tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp, chăm lo bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công nhân lao động, tổ chức các phong trào hoạt động trong doanh nghiệp, đem lại lợi ích thiết thực cho người lao động, góp phần phát triển doanh nghiệp bền vững.

Tập trung đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở đảm bảo chất lượng có trình độ, bản lĩnh, tâm huyết, nhiệt tình thông qua đàm phán thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể, đổi mới nội dung và hình thức hoạt động theo hướng hiệu quả và thiết thực.

Mai Quý

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/phat-huy-vai-tro-cua-cong-doan-tai-doanh-nghiep-115717.html