Phát huy vai trò của công tác khuyến nông ở Hải Lăng

Thời gian qua, công tác khuyến nông tại huyện Hải Lăng đã phát huy vai trò quan trọng trong việc làm 'cầu nối' tiếp nhận và chuyển giao thành công các tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT), các kiến thức vào thực tiễn sản xuất. Đồng thời thông tin, truyền bá kiến thức về kỹ thuật; tổ chức tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ người dân trong xây dựng các mô hình nông nghiệp hiệu quả tại địa phương; góp phần xây dựng ngành nông nghiệp Hải Lăng phát triển đúng hướng, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

 Mô hình nuôi tôm đem lại hiệu quả kinh tế cao tại huyện Hải Lăng - Ảnh: T.L

Mô hình nuôi tôm đem lại hiệu quả kinh tế cao tại huyện Hải Lăng - Ảnh: T.L

Là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của tỉnh, diện tích gieo trồng cây lúa hằng năm của huyện Hải Lăng đạt 13.526 ha; năng suất bình quân đạt trên 60 tạ/ ha; sản lượng lương thực có hạt đạt 8,3 vạn tấn/năm; tốc độ tăng trưởng lĩnh vực nông-lâm- ngư đạt 5,06%/năm; bình quân trên 1 ha đất canh tác đạt 88,7 triệu đồng/năm. Để đạt được những kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của công tác khuyến nông. Đội ngũ khuyến nông từ huyện đến cơ sở đã chủ động bám sát kế hoạch sản xuất nông nghiệp của huyện để tham mưu, hướng dẫn chính quyền cơ sở, các đơn vị HTX, tổ hợp tác trên địa bàn sản xuất nông nghiệp đảm bảo tiến độ và kế hoạch được giao. Cùng với đó, lực lượng khuyến nông viên cơ sở đã khẳng định vai trò của mình trong quá trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Nhiệt tình, chủ động trong công việc và gần gũi với nông dân; phối hợp chặt chẽ với khuyến nông cấp trên để xây dựng và nhân rộng các mô hình trình diễn, ứng dụng kỹ thuật mới.

Thường xuyên nắm bắt tình hình, tiến độ sản xuất và nguyện vọng của nông dân để tham mưu, đề xuất chính quyền cơ sở các chương trình, nội dung khuyến nông phù hợp với thực tiễn sản xuất. Đồng thời, đội ngũ khuyến nông cơ sở cũng tích cực tham gia hướng dẫn nông dân xây dựng các mô hình kinh tế nhằm nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, góp phần hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Tổ chức xây dựng các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bền vững trong nông nghiệp như gạo hữu cơ, gà Tứ Hải, nuôi tôm 2,3 giai đoạn…Hỗ trợ người dân phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của huyện gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm hướng đến xây dựng chương trình OCOP.

Để góp phần đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ KHKT mới đến với nông dân, làm thay đổi tập quán sản xuất truyền thống sang thâm canh tăng năng suất, huyện đã phối hợp tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng khuyến nông viên cơ sở. Trong 5 năm qua, địa phương đã tổ chức được 242 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng, dịch bệnh trên con nuôi với 14.934 lượt người tham gia. Thực hiện lồng ghép với chương trình mục tiêu quốc gia về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn để tổ chức 14 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho nông dân. Nhiều mô hình khuyến nông đem lại hiệu quả cao, đem lại nhiều lợi ích cho nông dân trên địa bàn. Tiêu biểu như mô hình sản xuất lúa bằng phương pháp sạ hàng, tưới tiêu khoa học và sử dụng giống lúa mới năng suất, chất lượng cao kết hợp quy trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” đã giúp nông dân giảm đáng kể chi phí sản xuất, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Hay mô hình sản xuất lúa hữu cơ xây dựng thương hiệu gạo Hải Lăng được triển khai thực hiện tại 8 HTX với diện tích 35,4 ha/năm, đến nay đã mở rộng lên 43,4 ha, lợi nhuận thu được đạt 21,21 triệu đồng/ ha…

Bên cạnh cây lúa, mô hình thâm canh cây lạc tại 2 xã Hải Tân và Hải Dương với mật độ 45 cây/m2 đã giúp luống phủ nhanh, hạn chế cỏ dại, tăng độ ẩm cho đất…, mô hình mang lại lợi nhuận cao hơn so với đối chứng 17,1 triệu đồng/ha. Hay mô hình thâm canh cây ném trên vùng cát tại xã Hải An đã giúp người dân chuyển đổi sản xuất, phát triển sinh kế và ổn định cuộc sống sau ảnh hưởng của sự cố môi trường biển. So với các loại cây trồng khác thì cây ném dễ trồng, ít bị sâu bệnh, có thể bán ném lá hoặc củ, mức đầu tư thấp nhưng lợi nhuận mang lại khá cao, đạt 31,2 triệu đồng/ha, đến nay, xã Hải An đã mở rộng diện tích trồng ném lên 12 ha trên toàn xã. Cùng với đó, nhiều mô hình khác cũng đem lại hiệu quả kinh tế cao và được nhân rộng trên địa bàn như chương trình cải tạo đàn bò theo hướng chuyên thịt; mô hình chăn nuôi lợn kết hợp hầm khí bioga; chăn nuôi vịt biển an toàn sinh học; trồng keo lưỡi liềm trên cát; mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống keo lai nuôi cấy mô…

Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đan xen như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, giá cả thị trường… song công tác khuyến nông tại Hải Lăng đã đạt được kết quả quan trọng, đánh dấu sự thay đổi tích cực trong sản xuất nông nghiệp của huyện, nhân rộng thành công nhiều mô hình nông nghiệp với tổng kinh phí hàng chục tỉ đồng. Kinh nghiệm huyện Hải Lăng rút ra trong thực hiện công tác khuyến nông thời gian qua đó là chú trọng việc xây dựng kế hoạch hoạt động khuyến nông ngay từ đầu năm.

Đồng thời lựa chọn các mô hình mang tính cấp thiết, có tiềm năng thị trường và khả năng nhân rộng để ưu tiên thực hiện. Tổ chức kiện toàn đội ngũ khuyến nông cơ sở đảm bảo đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, năng lực công tác, dân vận và tham mưu cấp ủy đảng, chính quyền thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp của địa phương. Bên cạnh đó, tăng cường tư vấn, cập nhật, cung ứng thông tin về thị trường tiêu thụ nông sản hàng hóa cho nông dân, từng bước tháo gỡ nút thắt trong sản xuất nông nghiệp, hạn chế tình trạng “được mùa mất giá” diễn ra.

Từ những kết quả đạt được trong công tác khuyến nông, trong thời gian tới, huyện Hải Lăng sẽ tập trung xây dựng các chiến lược, đề án phát triển khuyến nông gắn với chiến lược phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, nhằm nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho người dân. Đồng thời đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ KHKT thông qua các “mô hình điểm”, “mô hình trình diễn” về phát triển nông nghiệp nông thôn. Trong đó đặc biệt chú trọng nông nghiệp hữu cơ, sinh học, ứng dụng công nghệ cao và công nghệ 4.0 thích ứng với biến đổi khí hậu để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững.

Thanh Lê

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=154388