Phát huy vai trò của công tác quản lý báo chí trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Những năm qua, công tác quản lý nhà nước về báo chí đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần định hướng, tăng tính chủ động cho cơ quan báo chí, thúc đẩy 'phủ xanh' thông tin tích cực, chống 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa' và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, đóng góp tích cực vào những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

 Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ những kết quả, giải pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống thông tin xấu độc trên không gian mạng tại Hội nghị bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên cơ quan thông tấn, báo chí năm 2024.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ những kết quả, giải pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống thông tin xấu độc trên không gian mạng tại Hội nghị bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên cơ quan thông tấn, báo chí năm 2024.

Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình quốc tế và khu vực, Đảng ta đã nhận định một trong những nhiệm vụ cốt lõi là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Nghị quyết số 35-NQ/TW về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù định trong tình hình mới được Bộ Chính trị ban hành ngày 22-1-2018 với quyết tâm bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, không để thế lực thù định chống phá thành quả cách mạng chúng ta dày công xây dựng và vun đắp. “Phát huy vai trò của báo chí truyền thông”; “phản bác, vạch trần các luận điệu chống phá quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước” là một trong những nhiệm vụ, nội dung mà Nghị quyết số 35-NQ/TW đặt ra cho công tác quản lý nhà nước về báo chí.

Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW, cơ quan quản lý báo chí đã chỉ đạo các cơ quan báo chí và người làm báo tích cực tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng: xây dựng các tuyến bài, chuyên mục, chuyên trang, kênh chương trình phát thanh, truyền hình tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ động phát hiện những luận điệu chống phá của các thế lực thù địch để đưa ra những luận điểm, luận cứ bóc trần những thông tin xuyên tạc, sai sự thật; “phủ xanh” thông tin tích cực trên diễn đàn báo chí truyền thông trong nước và quốc tế. Với vai trò và sứ mệnh như vậy, lực lượng báo chí Việt Nam được gọi là “người chiến sỹ cách mạng”, lực lực tiên phong chiến đấu trên mặt trận tư tưởng tham gia bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ.

Những kết quả nổi bật

Thời gian qua, công tác định hướng thông tin được tổ chức định kỳ cho lãnh đạo cơ quan chủ quản báo chí và lãnh đạo cơ quan báo chí, nội dung tập trung vào tuyên truyền, xử lý các thông tin nóng phát sinh; phản bác thông tin xuyên tạc, bôi nhọ Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhất là trước mỗi kỳ đại hội đảng các cấp, trong phòng, chống tham nhũng, xử lý các vi phạm pháp luật; chuẩn bị ban hành Luật, chính sách hoặc phương án sửa đổi Luật, chính sách; thời điểm thị trường tiêu dùng biến động (từ giá cả sinh hoạt đến giá xăng dầu, điện, nhà đất, vàng, ngoại tệ)… Ngoài tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, chú trọng xử lý khủng hoảng truyền thông, “phủ xanh” những thông tin tích cực, xây dựng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Nhằm giúp các cơ quan báo chí có tính chủ động ứng phó với khủng hoảng truyền thông, hằng năm, cơ quan quản lý phối hợp với các cơ sở đào tạo, các bộ, ban, ngành tổ chức nhiều khóa tập huấn, đào tạo đội ngũ lãnh đạo cơ quan chủ quản báo chí, lãnh đạo các cơ quan báo chí, phóng viên, biên tập viên ở trung ương và địa phương cập nhật chủ trương, quan điểm và những quy định mới của Đảng về báo chí, các văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động báo chí, kỹ năng xử lý thông tin nóng, những vấn đề khó đang gây tranh cãi theo nhiều hướng khác nhau. Quán triệt tinh thần Nghị quyết 35-NQ/TW và định hướng của cơ quan quản lý, nhiều cơ quan báo chí đã mở các chuyên trang, chuyên mục riêng về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, gương người tốt việc tốt, sự kiện và bình luận để tuyên truyền các thông tin tích cực, biến nghị quyết 35/NQ-TW của Đảng thành những thông điệp gần gũi với cuộc sống của nhân dân, với bạn bè quốc tế, là kênh nghiên cứu chuyên khảo tin cậy về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam. Điển hình như các chuyên mục: “Đưa nghị quyết vào cuộc sống”, “Đảng với sự nghiệp đổi mới”, “Việc cần làm ngay”, “Bình luận phê phán” (Báo Nhân Dân); “Chính trị - Xây dựng Đảng” (Tạp chí Cộng sản); “Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”, “Tiếp lửa truyền thống”, “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” (Báo Quân đội nhân dân); "Nghị quyết và cuộc sồng", "Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng", “Lý luận - Thực tiễn - Kinh nghiệm", "Nghiên cứu - Trao đổi", "Sinh hoạt đảng” (Tạp chí Xây dựng Đảng); “Chống diễn biến hòa bình”, “Vấn đề hôm nay”, “Công an trong lòng dân”, “Gương sáng” (Báo Công an nhân dân); “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”; “Gương sáng đảng viên”, “Tiêu điểm”, “Cùng bàn luận”, “Tiếng nói đảng viên trẻ”, “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng những việc cần làm ngay” (Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam); “Phản bác luận điệu xuyên tạc đối ngoại Việt Nam”, “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”, “Đối diện”, “Tiêu điểm” (Đài Truyền hình Việt Nam); “Nhận diện sự thật” (Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam); Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam mở các kênh tuyên truyền đối ngoại đến với người Việt ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế, góp phần đưa thông tin khách quan, đúng đắn về tình hình đất nước.

Xây dựng các chủ đề, bài viết, bài nghiên cứu khoa học, luận cứ lịch sử chuyên sâu tuyên truyền chủ quyền biển đảo của Việt Nam đối hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa; phản bác các luận điệu của các thế lực thù địch xuyên tạc hai cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”; “Cả nước đồng lòng, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng… Phân tích, nhận định, vạch rõ cho nhân dân nhận diện được các âm mưu chống phá của các phần tử chống đối sự phát triển của Việt Nam khi chúng ta tham gia ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc lần thứ 2, Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu (EVFTA). Thông tin tuyên truyền về xét xử vụ án “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” ở Đắk Lắk trên nhiều mặt báo, nhằm vạch trần các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch kích động đồng bào, xuyên tạc chính sách dân tộc của Việt Nam, đẩy vấn đề thành nhân quyền đòi quốc tế can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Thông tin, tuyên truyền “Nhóm Hỗ trợ người Thượng - MSGI" và "Người Thượng vì công lý - MSFJ" là 2 tổ chức khủng bố được Bộ Công an công bố trên cơ sở căn cứ pháp luật Việt Nam và quốc tế.

Ngoài định hướng thông tin, cơ quan quản lý nhà nước còn đảm nhiệm vai trò hướng dẫn, hỗ trợ phát triển nền tảng số cho hệ thống báo chí Việt Nam như: hướng dẫn, chia sẻ kiến thức về các công nghệ số, kỹ năng chuyển đổi số thông qua hội thảo, các khóa đào tạo ngắn hạn; kết nối với các chuyên gia, tổ chức có kinh nghiệm về chuyển đổi số; chọn một số cơ quan báo chí làm chuyển đổi số thí điểm, kết quả thành công sẽ nhân rộng; đồng hành cùng các cơ quan báo chí vượt qua các thách thức trong quá trình chuyển đổi số; đánh giá và đo lường định kỳ mức độ trưởng thành chuyển đổi số; hằng năm khen thưởng các điển hình tiên tiến về chuyển đổi số. Ngoài ra, công tác thanh, kiểm tra hoạt động báo chí luôn được cơ quan quản lý nhà nước duy trì, thực hiện nghiêm túc. Trong 3 năm gần đây, có 13 trường hợp là cơ quan báo chí bị xử phạt vi phạm hành chính vì thông tin sai sự thật, trong đó có 8 trường hợp thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng.

Còn những thách thức, khó khăn

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý báo chí hiện cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức khi thường xuyên phải xử lý các luận điệu xuyên tạc của một số phần tử, đối tượng chống đối nhà nước, tạo những tin giả, tin sai sự thật, ghép hình, ghép tiếng tuyên truyền trên những kênh xuyên biên giới trên in-tơ-nét, tài trợ cho một số cơ quan báo chí nước ngoài (như VOA tiếng việt, RFA, RFI, BBC việt ngữ) nói xấu Việt Nam, lợi dụng sai sót trong quản lý để kích động biểu tình, xuyên tạc, lan truyền với số lượng hàng nghìn tin tức trong vài giây.

Vẫn còn “một bộ phận người làm báo”, như nhận định của Đảng tại Nghị quyết 35-NQ/TW có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, lợi dụng, lạm dụng nghề nghiệp, vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp. Họ dường như đang dần “chối bỏ” trách nhiệm của người cầm bút chân chính, “người chiến sỹ cách mạng” trên mặt trận tư tưởng tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ chính thể, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới. Họ là số ít những người đang làm báo và người không còn làm báo nhưng vẫn muốn định hướng, lèo lái dư luận, truyền thông; vẫn thường xuyên lên tiếng ở các diễn đàn truyền thông và trên mạng xã hội với cái nhìn tiêu cực. Điều này đòi hỏi các cơ quan báo chí phải đầu tư để có những bài phản biện, phân tích trên cơ sở khoa học có tính thuyết phục để thu hút sự quan tâm, ủng hộ của dư luận và nhân dân.

Nhiệm vụ, giải pháp

Một là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong nhân dân để phát huy vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về báo chí, tạo điều kiện cho báo chí phát triển và tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về báo chí.

Hai là, tăng cường công tác quản lý cơ quan báo chí bằng công nghệ, dùng kỹ thuật công nghệ theo dõi rà soát, quét, lưu các bài viết, đánh giá phân loại những bài viết thông tin sai sự thật, xa rời tôn chỉ, mục đích. Phối hợp với cơ quan chủ quản báo chí có biện pháp điều chỉnh hoạt động của các cơ quan báo chí hoạt động chưa phù hợp với quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Công bố các kết quả rà quét trong các cuộc họp giao ban định kỳ, trên các phương tiện thông tin truyền thông những cơ quan báo chí chưa quán triệt đầy đủ tinh thần của Nghị quyết 35-NQ/TW, thực hiện không đúng Luật Báo chí, hoạt động sai tôn chỉ, mục đích; tỉ lệ phần trăm tin bài tích cực dưới 50% để có những hình thức xử lý phù hợp.

Ba là, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý báo chí, ưu tiên tổ chức thi tuyển, tiếp nhận, bổ sung nguồn nhân lực trẻ kế cận được đào tạo bài bản, ngoài chuyên môn quản lý nhà nước về lĩnh vực báo chí còn có trình độ công nghệ thông tin nhằm đáp ứng yêu trong tình hình mới. Có hình thức ưu đãi, tuyển dụng nhân sự trẻ tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc trong nước và nước ngoài vào làm việc. Thường xuyên tổ chức các khóa bồi dưỡng nhận thức về Đảng, kiến thức pháp luật cho lực lượng nhà báo trẻ, qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm về lĩnh vực tuyên truyền phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay. Qua các khóa đào tạo, chọn lựa một số nhân tố tiêu biểu tham gia các tổ, nhóm, công tác đấu tranh phản bác những luận điệu xấu, xuyên tạc của các thế lực thù địch. Khuyến khích lực lượng nòng cốt này có ý thức tự cập nhật, trang bị kiến thức trong quá trình làm việc, chủ động phát hiện những vấn đề tự diễn biến, tự chuyển hóa của “một bộ phận người làm báo” để kịp thời chấn chỉnh, giúp họ nhận diện được bản chất thâm độc của các thế lực thù địch.

Hoàng Thị Anh ThưCục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông

Hoàng Thị Anh ThưCục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/ly-luan-thuc-tien/phat-huy-vai-tro-cua-cong-tac-quan-ly-bao-chi-trong-bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang-21229