Phát huy vai trò của Đảng trong công tác kiểm định chất lượng giáo dục
Công tác kiểm định và bảo đảm chất lượng giáo dục trong giai đoạn hiện nay, vai trò của Đảng hết sức quan trọng.

Bà Trần Bích Huệ - Bí thư Chi bộ, Trưởng Phòng Quản lý kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) phát biểu ý kiến. Ảnh: Đình Tuệ.
Gắn công tác Đảng với nhiệm vụ chuyên môn
Tại Đại hội lần thứ IV của Đảng bộ Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) tổ chức sáng 20/5, bà Trần Bích Huệ - Bí thư Chi bộ, Trưởng Phòng Quản lý kiểm định chất lượng giáo dục đã trao đổi một số ý kiến về chủ đề: “Phát huy vai trò của Đảng trong công tác kiểm định và bảo đảm chất lượng giáo dục giai đoạn 2025–2030”.
Trong bối cảnh đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW, kết luận 91-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29; Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, công tác kiểm định và bảo đảm chất lượng giáo dục được xác định là then chốt để nâng cao chất lượng đào tạo.

Đoàn Chủ tịch điều hành đại hội.
Vai trò lãnh đạo toàn diện, xuyên suốt của Đảng trong lĩnh vực này là yếu tố quyết định để đảm bảo sự phát triển thực chất và bền vững. Lãnh đạo công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, Chi bộ Phòng Quản lý kiểm định chất lượng giáo dục đã chỉ đạo tham mưu xây dựng và trình ban hành nhiều văn bản quan trọng.
Theo bà Trần Bích Huệ, Chi bộ cũng đã chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chuyên môn. Kết quả kiểm định cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông năm học 2023-2024 đạt 63,7%; trong đó có 59,5% trường đạt chuẩn quốc gia;
Hoàn thiện hệ thống bảo đảm chất lượng cấp cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo (CTĐT) thông qua kết quả kiểm định chất lượng: Cuối năm 2021 cả nước có 813 CTĐT kiểm định, đến 30/4/2025 có 2.451 CTĐT được kiểm định - tăng 201,47%. Tỷ lệ CTĐT theo tiêu chuẩn nước ngoài chiếm 37,61%.

Đại biểu nghiên cứu văn kiện của Đại hội.
Năm 2021 có 175 cơ sở giáo dục đại học đạt kiểm định, đến 30/4/2025 có 209 trường đạt kiểm định góp phần đạt chỉ tiêu đặt ra theo Quyết định 78 của Thủ tướng Chính phủ.
Có thể thấy rằng, các bộ tiêu chuẩn KDCLGD hiện hành là công cụ hữu hiệu và toàn diện để xem xét các phương diện hoạt động của cơ sở giáo dục đại học; trong đó có bộ tiêu chuẩn kiểm định cơ sở gồm 25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí theo Thông tư 12/2027/TT-BGDĐT và bộ tiêu chuẩn kiểm định CTĐT gồm 8 tiêu chuẩn và 52 tiêu chí.
"Kết quả kiểm định cơ sở và kiểm định CTĐT cho thấy bức tranh toàn cảnh của về bảo đảm chất lượng cấp cơ sở và CTĐT của cơ sở giáo dục đại học. Các khuyến nghị của đoàn đánh giá ngoài giúp cơ sở đào tạo tự soi chiếu và có các kế hoạch cải tiến chất lượng phù hợp vào nguồn lực của mình", bà Bích Huệ nhấn mạnh.
Duy trì nhiều hoạt động kết nối

Các đại biểu tham dự Đại hội Đảng bộ Cục Quản lý chất lượng.
Chi bộ cũng duy trì sinh hoạt định kỳ và chuyên đề, lồng ghép chủ đề về bảo đảm chất lượng, đổi mới thể thức sinh hoạt theo hướng thiết thực, hiệu quả. Đảng viên giữ vai trò nòng cốt trong tham mưu và tổ chức triển khai chính sách kiểm định.
Tham gia xây dựng chính sách bảo đảm chất lượng theo hướng tập trung vào hệ thống bảo đảm chất lượng nội bộ (IQA) ở cấp cơ sở và CTĐT; nâng cao năng lực cho đội ngũ kiểm định viên; phát huy vai trò quản lý chất lượng trong các cơ sở giáo dục; đồng thời tích cực tham mưu các chính sách hướng tới hội nhập quốc tế trong lĩnh vực kiểm định và đảm bảo chất lượng giáo dục.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu dự Đại hội.
Về công tác xây dựng Chi bộ gắn với đổi mới chất lượng, theo bà Bích Huệ cần tập trung vào các vấn đề sau: Đổi mới phương thức sinh hoạt chi bộ: Tổ chức sinh hoạt chuyên đề gắn với nhiệm vụ chính trị. Quán triệt nghị quyết của Trung ương và Đảng ủy Bộ theo hướng gắn kết giữa tư tưởng – tổ chức – chuyên môn.
Phát triển đội ngũ đảng viên gắn với nâng cao năng lực chuyên môn. Chi bộ chú trọng rèn luyện, bồi dưỡng đội ngũ đảng viên trẻ có phẩm chất, trình độ và khả năng triển khai công tác kiểm định theo thông lệ quốc tế.
Ngoài ra, cần xây dựng văn hóa Đảng trong hoạt động công vụ. Phát huy vai trò nêu gương, tinh thần trách nhiệm, giữ gìn nguyên tắc tập trung dân chủ và kỷ luật phát ngôn trong nội bộ. Văn hóa Đảng là nền tảng cho đạo đức hành chính và hiệu quả quản lý nhà nước. Đảng mạnh thì chuyên môn mới hiệu quả. Sự lãnh đạo chính trị đúng đắn, quyết tâm và trách nhiệm trong công việc là nền tảng cho mọi cải tiến chất lượng giáo dục.