Phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong công tác đảm bảo an ninh biên giới

Cùng với việc nỗ lực thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh biên giới, những năm qua, ngành chức năng, các đơn vị liên quan trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động, tích cực thực hiện các giải nhằm pháp phát huy tối đa vai trò của đội ngũ già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín (NCUT) trong tuyên truyền , vận động Nhân dân thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực vận động Nhân dân tham gia phát triển kinh tế, xóa bỏ hủ tục, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia... Sau đây là ý kiến của Đại tá Hoàng Văn Hùng, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh; ông Cầm Bá Tường, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh; ông Hà Văn Nhiệt, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Quan Hóa... về nội dung trên.

Đại tá Hoàng Văn Hùng: Phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, NCUT

Thanh Hóa có 213,6km đường biên giới đất liền, trải dài trên 5 huyện, 16 xã, thị trấn 147 thôn, bản với 6 anh em cùng sinh sống. Đây là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và đối ngoại. Vì vậy, để thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ biên giới, BĐBP tỉnh Thanh Hóa luôn thực hiện đồng bộ 7 biện pháp công tác theo Luật Biên phòng Việt Nam. Đồng thời, tăng cường huy động và sử dụng sức mạnh của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia công tác bảo vệ an ninh trật tự, trong đó đặc biệt là phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ già làng, trưởng bản, NCUT trong đồng bào các dân tộc. Hiện nay, địa bàn khu vực biên giới tỉnh có 153 NCUT, 147 trưởng bản. Ngoài ra, BĐBP còn phát huy hiệu quả của 2 tập thể, 85 cá nhân tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc; 131 tổ an ninh trật tự khu vực biên giới đất liền với 404 thành viên. Họ là những người tham gia tích cực trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia phát triển sản xuất, kinh doanh, xóa đói, giảm nghèo, XDNTM; duy trì thực hiện hương ước, quy ước của thôn, bản, vận động Nhân dân xóa bỏ các phong tục lạc hậu. Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, BĐBP và các lực lượng có liên quan giải quyết kịp thời những vướng mắc từ cơ sở, không để xảy ra “điểm nóng”... góp phần cùng BĐBP củng cố an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc nơi biên giới.

Ông Cầm Bá Tường, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh: Những NCUT đã góp phần giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Những năm qua, đội ngũ NCUT đã thực hiện tốt vai trò là “cầu nối” giữa Đảng, chính quyền với đồng bào dân tộc thiểu số, tích cực tham gia tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Trong phát triển kinh tế, họ là những người mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh vươn lên làm kinh tế, là những tấm gương có ảnh hưởng tích cực đến công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương. Nhiều NCUT không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn tạo việc làm cho lao động của địa phương, hỗ trợ về vật chất, kỹ thuật, phương pháp làm ăn, phát triển kinh tế cho các hộ trên địa bàn. Tích cực tham gia tuyên truyền, vận động đồng bào chung tay XDNTM, nhiều tấm gương NCUT đã góp công, góp sức, ủng hộ về vật chất, đất đai, tạo điều kiện cho địa phương từng bước hoàn thành các tiêu chí XDNTM; vận động Nhân dân tích cực giữ gìn và phát huy các phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Điểm nổi bật là ở vùng đồng bào Mông, vai trò của NCUT đã được thể hiện một cách rõ rệt và hiệu quả, trong việc vận động bà con thay đổi tập tục lạc hậu hàng ngàn đời nay, thực hiện theo nếp sống văn hóa trong việc tổ chức tang lễ như đưa người chết vào quan tài ngay tại nhà, không tổ chức bắn súng, giết mổ trâu bò ăn uống linh đình, rút ngắn thời gian tổ chức đám tang, chôn cất người chết tại nghĩa địa tập trung... Qua đó, góp phần vào công cuộc giảm nghèo bền vững và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh.

Ông Hà Văn Nhiệt: Để đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới luôn bình yên

Xác định đảm bảo quốc phòng - an ninh là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, huyện Quan Hóa luôn chủ động phối hợp với các lực lượng đứng chân trên địa bàn vận động Nhân dân các dân tộc đoàn kết xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, giữ vững đường biên, cột mốc toàn vẹn lãnh thổ, giữ gìn an ninh trật tự. Đặc biệt, với việc phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, NCUT tham gia giữ gìn an ninh trật tự đã mang lại những hiệu quả thiết thực trên địa bàn. Bằng uy tín của mình, họ đã vận động Nhân dân các dân tộc trong huyện đoàn kết một lòng đi theo Đảng; đồng thời, trực tiếp cung cấp nhiều thông tin có giá trị phục vụ đấu tranh, tố giác tội phạm, phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép ở khu vực biên giới. Tham gia cùng ngành chức năng, BĐBP tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc, đảm bảo an ninh trật tự ở khu vực biên giới. Tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh... Đặc biệt có ông Hà Văn Cường, NCUT bản Ho, xã Hiền Kiệt, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về đường đi lại từ bản đến với các cột mốc đường biên, nhưng ông luôn kiên trì, nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt công việc. Những đóng góp của già làng, trưởng bản, NCUT trên địa bàn huyện trong giữ gìn an ninh trật tự luôn được các cấp, các ngành ghi nhận và đánh giá cao.

Khắc Công - Viết Trung (thực hiện)

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/phat-huy-vai-tro-cua-gia-lang-truong-ban-nguoi-co-uy-tin-nbsp-trong-cong-tac-dam-bao-an-ninh-bien-gioi-32544.htm