Phát huy vai trò của Hiệp hội, đưa du lịch phát triển bền vững

Du lịch Thái Nguyên gần đây đã có những bước phát triển mạnh, góp phần quan trọng vào quá trình tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống của người dân. Để có được kết quả này, vai trò của Hiệp hội Du lịch tỉnh với 110 hội viên, doanh nghiệp (DN) là không nhỏ. Với mục tiêu thúc đẩy du lịch ngày càng phát triển bền vững, thời gian tới, các DN trong Hiệp hội tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, không ngừng đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch Thái Nguyên đến với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế.

Hiệp hội Du lịch tỉnh luôn chủ động tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại với các hiệp hội du lịch trong toàn quốc. Trong ảnh: Hoạt động giao lưu, hợp tác phát triển du lịch giữa Đồng Tháp và Thái Nguyên.

Hiệp hội Du lịch tỉnh luôn chủ động tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại với các hiệp hội du lịch trong toàn quốc. Trong ảnh: Hoạt động giao lưu, hợp tác phát triển du lịch giữa Đồng Tháp và Thái Nguyên.

Phát triển du lịch theo hướng bền vững

Hiệp hội Du lịch tỉnh là một tổ chức xã hội, nghề nghiệp tự nguyện, là mái nhà chung của các DN, đơn vị và cá nhân hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh. Trải qua 2 nhiệm kỳ đại hội, mặc dù gặp không ít khó khăn do bối cảnh kinh tế và các DN, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch còn chưa mạnh, nhưng với sự đồng lòng của Ban Chấp hành cùng toàn thể các DN hội viên, Hiệp hội Du lịch tỉnh đã từng bước phát triển cả về chất và lượng. Từ 70 thành viên đầu nhiệm kỳ, đến nay Hiệp hội đã có 110 hội viên tham gia sinh hoạt tại 6 chi hội, gồm: Chi hội Dịch vụ lưu trú; Chi hội Dịch vụ lữ hành; Chi hội Dịch vụ nhà hàng ẩm thực; Chi hội Phổ Yên - Sông Công; Chi hội Dịch vụ - Thương mại và Chi hội Hướng dẫn viên du lịch. Hiệp hội hiện có trên 400 cơ sở lưu trú, trong đó có trên 50 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 2 sao trở lên, về lữ hành du lịch có 25 DN, trong đó có 3 DN lữ hành quốc tế. Các cơ sở nhà hàng trên địa bàn tỉnh phát triển rất mạnh, đáp ứng đủ nhu cầu của người dân bản địa và khách du lịch. Mặt khác, ẩm thực của Thái Nguyên khá phong phú, đa dạng, đáp ứng được nhu cầu của thực khách. Với số lượng trên 2.000 phòng, buồng, ngành du lịch đã đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, giải quyết việc làm cho 3.500 lao động. Năm 2018, du lịch đóng góp vào ngân sách địa phương khoảng hơn 400 tỷ đồng.

Bên cạnh việc thu hút hội viên, Hiệp hội còn tích cực triển khai và tham gia nhiều hoạt động, sự kiện du lịch lớn trong khu vực và quốc tế. Có thể kể đến các chương trình, như: Du lịch qua những miền di sản Việt Bắc; Festival Trà Thái Nguyên; Chợ quê và giao lưu ẩm thực các vùng miền... Cùng với đó, nắm bắt được sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp không khói trong tương lai gần, bản thân các DN, hội viên đã chủ động đầu tư, nâng cấp hạ tầng cơ sở, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, sản phẩm du lịch; chủ động tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại với các hiệp hội du lịch trong toàn quốc, đẩy mạnh liên kết giữa các hội viên, tạo thành chuỗi sản phẩm chất lượng, thu hút khách du lịch đến với Thái Nguyên ngày một đông: Từ 2,1 triệu lượt khách năm 2012 tăng lên 2,6 triệu lượt năm 2016 và dự kiến năm 2019 là 2,9 triệu lượt khách.

Xác định phát triển tổ chức Hội phải gắn liền vai trò, trách nhiệm với xã hội nên nhiệm kỳ qua, hoạt động an sinh xã hội vì cộng đồng là nội dung luôn được Ban Chấp hành, các hội viên đặc biệt quan tâm và thực hiện hàng năm. Theo đó, trong nhiệm kỳ, Hiệp hội Du lịch tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình từ thiện như xây nhà tình thương, tặng quà cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, các nạn nhân chất độc da cam tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, các huyện, thành, thị trong và ngoài tỉnh với tổng trị giá gần 1 tỷ đồng, chưa kể đến các hoạt động riêng lẻ do các hội viên phối hợp thực hiện. Thông qua những hoạt động mang tính nhân văn này đã giúp Hiệp hội quảng bá hình ảnh đến với đông đảo nhân dân và các cấp chính quyền, nâng cao vị thế của tổ chức Hội. Với những nỗ lực của Hiệp hội và các DN hội viên, Hiệp hội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong thời gian qua. Tuy nhiên, hiện nay, theo đánh giá khách quan, các DN làm du lịch trên địa bàn tỉnh đều là các DN vừa và nhỏ, nguồn lực hạn chế. Các DN lưu trú mang tính gia đình chưa phát huy được thế mạnh…

Trên cơ sở xác định tiềm năng, tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2020 đón khoảng 3,6 triệu lư?t khách du lịch; giai đoạn 2021- 2030 tốc độ tăng trưởng du lịch bình quân đạt 10%/năm, đóng góp 6% GRDP, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. Hiệp hội Du lịch tỉnh xác định đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển ba loại hình du lịch, gồm: Du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng; về nguồn và du lịch trải nghiệm vùng chè - văn hóa trà Tân Cương. Trong đó, du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng với trọng tâm là Khu du lịch Hồ Núi Cốc; du lịch về nguồn với trọng tâm là ATK Định Hóa và du lịch trải nghiệm vùng chè - văn hóa trà với trọng tâm là vùng đặc sản chè Tân Cương, T.P Thái Nguyên, đồng thời gắn kết ba loại hình du lịch này để hỗ trợ, bổ sung cho nhau, tạo sự hấp dẫn cho khách du lịch.

Để tạo sản phẩm du lịch có chất lượng, những năm gần đây, nhất là từ năm 2018 đến nay, tỉnh chú trọng thu hút những nhà đầu tư lớn, với khoảng 20 nghìn tỷ đồng đầu tư vào lĩnh vực du lịch. DN Xây dựng Xuân Trường đang đầu tư vào Khu du lịch Hồ Núi Cốc với mục tiêu phát triển du lịch gắn với bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị cảnh quan thiên nhiên, môi trường, điều kiện tự nhiên, văn hóa và thế mạnh của khu vực trồng chè đặc sản có quy mô lớn. Hiện nay, đường Bắc Sơn kéo dài với vốn đầu tư hơn 2 nghìn tỷ đồng để rút ngắn thời gian, khoảng cách từ Hà Nội, T.P Thái Nguyên vào khu du lịch này đang được khẩn trương xây dựng. Một số tập đoàn lớn đã và đang dự định đầu tư những dự án quy mô về du lịch sinh thái, xây dựng khách sạn 5 sao, các khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, cáp treo từ Tây sang Đông Tam Đảo để kết nối khu du lịch Tam Đảo với hồ Núi Cốc. Một số dự án phát triển du lịch khác đang được nhà đầu tư nghiên cứu. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang triển khai Đề án Du lịch thông minh tỉnh Thái Nguyên nhằm kết nối thông tin, dữ liệu, tạo điều kiện cho DN, lấy người dân, du khách làm trọng tâm.

Tin rằng với tâm thế sẵn sàng đón nhận và tìm kiếm các cơ hội đầu tư, kinh doanh, Hiệp hội Du lịch tỉnh nhiệm kỳ 2019-2024 sẽ tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của mình trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh nhà, là ngôi nhà chung để các đơn vị, DN đã, đang và sẽ là hội viên của Hội có sân chơi, phát huy tính tập hợp, đoàn kết, sáng tạo, tăng khả năng kết nối, hợp tác cùng phát triển, tiến tới đưa du lịch tỉnh trở thành một trong những điểm sáng về du lịch phía Bắc Việt Nam.

Đỗ Trọng Hiệp (Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, Giám đốc Công ty TNHH Khách sạn du lịch Dạ Hương)

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/kinh-te/phat-huy-vai-tro-cua-hiep-hoi-dua-du-lich-phat-trien-ben-vung-266221-108.html