Phát huy vai trò của hội phụ nữ trong bảo vệ môi trường
Thời gian qua, hội LHPN các cấp trên địa bàn tỉnh đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường, qua đó không chỉ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, mà còn khẳng định vai trò, trách nhiệm của hội phụ nữ trong các hoạt động vì cộng đồng.
Nhiệt tình, tâm huyết
Tại xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa, Câu lạc bộ (CLB) Tự nguyện bảo vệ môi trường đã được Hội LHPN xã thành lập từ 14 năm trước. Từ sự nhiệt tình, tâm huyết của cán bộ hội phụ nữ cơ sở, đến nay, 4 CLB vẫn duy trì hoạt động tại 4 thôn Liên Trì 1, Liên Trì 2, Phú Vang và Thượng Phú, thu hút được nhiều thành viên tham gia. Nhờ các CLB hoạt động hiệu quả, xã Bình Kiến đã xóa được nhiều điểm đen rác thải.
Tiếp tục các hoạt động bảo vệ môi trường, gần đây, Hội LHPN xã Bình Kiến đã phối hợp với hội nông dân, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên xã thành lập CLB Biển xanh - Làm sạch bờ biển xã Bình Kiến. Ban đầu có 60 thành viên, qua 2 tháng hoạt động, CLB phát triển thêm 10 thành viên mới.
Chia sẻ về hoạt động của CLB, chị Nguyễn Thị Bích Thuận, Chủ tịch Hội LHPN xã, Chủ nhiệm CLB Biển xanh - Làm sạch bờ biển xã Bình Kiến, cho biết: Những năm trước, đoạn bờ biển thuộc thôn Liên Trì 2 thường xuyên ô nhiễm do hoạt động buôn bán của người dân và do sóng đánh dạt rác vào bờ. Nhận thấy rác thải làm mất mỹ quan bờ biển, ô nhiễm môi trường, các tổ chức hội, đoàn thể của xã thành lập CLB Biển xanh - Làm sạch bờ biển. “CLB hoạt động định kỳ vào mỗi cuối tuần. Từ sự nhiệt tình của các thành viên CLB, đến nay, đoạn bờ biển qua thôn Liên Trì 2 đã sạch sẽ. Phần lớn người dân buôn bán, thấy nhóm chúng tôi tuần nào cũng nhặt rác nên ý thức của họ cũng được nâng cao lên, buôn bán đến đâu đều dọn dẹp đến đó, không xả rác bừa bãi. Nhiều người dân đi tắm biển, thấy hoạt động của CLB vui và hữu ích nên cũng tham gia”, chị Thuận nói.
Tham gia nhiệt tình các hoạt động bảo vệ môi trường tại địa phương, chị Dương Thị Nở, thành viên CLB Biển xanh - Làm sạch bờ biển xã Bình Kiến, cho biết: CLB có 70 thành viên nhưng tuần nào cũng có trên 50 người có mặt ở bờ biển. Cứ đến ngày hẹn, mọi người tập trung xuống biển, chia ra các khu vực khác nhau để dọn dẹp. Thông thường, thời gian vệ sinh khoảng 2-3 tiếng đồng hồ. Dù vất vả, mệt nhọc nhưng ai nấy đều vui vẻ, tích cực, tiếng cười nói rộn ràng khắp bãi biển.
Không chỉ TP Tuy Hòa, mà ở các địa phương khác, nhiều mô hình bảo vệ môi trường cũng đã triển khai về cơ sở, góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của cộng đồng. Bà Trần Thị Hồng Nga, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Hòa cho biết, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện đã chỉ đạo hội cơ sở xây dựng mô hình Chi hội Phụ nữ tự quản tuyến đường xanh, sạch, đẹp và đã xây dựng 10 mô hình ở 9 xã, thị trấn… Tại huyện Tây Hòa, Hội LHPN huyện chỉ đạo 100% cơ sở hội có ít nhất 1 mô hình, công trình, hoạt động bảo vệ môi trường hiệu quả gắn với phong trào trồng cây Vì một Phú Yên xanh, Đề án 15 triệu cây xanh của UBND tỉnh và 20 triệu cây xanh do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động.
Đưa hoạt động bảo vệ môi trường đi vào chiều sâu
Với trách nhiệm của mình, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành; các tổ chức quốc tế tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm vận động hội viên, phụ nữ chủ động tham gia bảo vệ môi trường hiệu quả, đưa hoạt động này đi vào chiều sâu.
Theo đó, các cấp hội đã triển khai sâu rộng công tác bảo vệ môi trường, gắn với cuộc vận động Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phong trào Chống rác thải nhựa; tham gia hưởng ứng Chương trình trồng 20 triệu cây xanh do Trung ương hội phát động; triển khai dự án Thúc đẩy giao thông xanh góp phần xây dựng TP Tuy Hòa xanh, thông minh, phát triển bền vững do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF SGP) - Chương trình phát triển LHQ tài trợ...
Trong khuôn khổ dự án Phụ nữ giảm rác thải nhựa, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Trung tâm Phát triển xanh (GreenHub) tổ chức các hoạt động tuyên truyền về vai trò của phụ nữ thu gom phi chính thức trong chiến lược quản lý chất thải; phối hợp với Tổchức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam) thực hiện thí điểm các mô hình phân loại rác tại nguồn. Hội phụ nữ các cấp cũng tiếp tục duy trì những mô hình tham gia bảo vệ môi trường như: CLB Biển xanh - Làm sạch bờ biển, Phụ nữ hướng về biển đảo, Môi trường xanh - sạch - đẹp, Tuyến đường xanh - sạch - đẹp, Phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lông đi chợ bằng giỏ...
Đồng hành cùng các hoạt động của Hội LHPN tỉnh, Sở TN-MT đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động, mô hình phân loại, xử lý rác tại nguồn dựa vào cộng đồng được nhiều tổ chức, cá nhân hưởng ứng; đồng thời tổ chức nhiều đợt tuyên truyền về phân loại rác, cách ủ phân compost giúp đưa phương pháp ủ mới đến gần với người dân hơn.
Có thể thấy, việc từng người dân, đơn vị, tổ chức cùng chung sức phân loại rác, tái chế rác là việc làm cần thiết và đây cũng là tiền đề thực hiện hiệu quả Nghị định 45 vừa được Chính phủ ban hành. Khi có chế tài kết hợp với ý thức người dân được nâng lên thì việc xử lý rác thải tại nguồn cũng như tái chế rác thành sản phẩm hữu ích tại Phú Yên sẽ trở thành công việc thường xuyên của từng hộ dân. Từ đó góp phần đưa Phú Yên trở thành điểm đến xanh, sạch, đẹp, thân thiện với môi trường như Chương trình hành động số 08 Tỉnh ủy đặt ra.