Phát huy vai trò của hội viên nông dân trong xây dựng nông thôn mới nâng cao

Xác định công tác dân vận là một trong những yếu tố quyết định sự thành công trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên tích cực hưởng ứng tham gia với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Xác định công tác dân vận là một trong những yếu tố quyết định sự thành công trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên tích cực hưởng ứng tham gia với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo.

Nông dân xã Nam Phong (thành phố Nam Định) chăm sóc quất cảnh.

Theo đó, các cấp Hội đã nhân rộng các mô hình nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới như: “Hàng cây nông dân” của Hội Nông dân huyện Trực Ninh; “Xây dựng tuyến phố, ngõ xóm không có rác thải” của Hội Nông dân thành phố Nam Định; “Chỉnh trang khuôn viên gia đình xanh - sạch - đẹp, xây dựng gia đình nông thôn mới, xóm nông thôn mới” của Hội Nông dân huyện Hải Hậu; “Vệ sinh môi trường và trồng hoa ven đường tạo cảnh quan môi trường” của Hội Nông dân Trực Ninh, Hải Hậu; “Thu gom bao bì, thuốc bảo vệ thực vật” của Hội Nông dân Nam Trực, Ý Yên; “Xây dựng cánh đồng lớn” của Hội Nông dân huyện Nghĩa Hưng, Xuân Trường... Trên cơ sở các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh, các cơ sở Hội lựa chọn một số công việc phù hợp để đăng ký triển khai, tổ chức phát động cán bộ, hội viên thực hiện cam kết bảo đảm vệ sinh môi trường và các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao; vận động các chi hội thành lập tổ thu gom rác thải, mô hình Hội Nông dân cơ sở tham gia bảo vệ môi trường nông thôn. Đến nay có 212/212 cơ sở Hội đăng ký các việc làm cụ thể, tiêu biểu như các mô hình: “Vườn kiểu mẫu” tại huyện Hải Hậu; “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình” tại các xã Hải Lý (Hải Hậu), Nam Hùng (Nam Trực), Giao Hà (Giao Thủy), Nghĩa Bình, Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng); mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh SUMITRI để xử lý rơm rạ sau thu hoạch, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường ở nông thôn… Các cấp Hội Nông dân còn phát động hội viên tích cực tham gia phong trào “Ngày chủ nhật xanh” bằng những việc làm cụ thể như: vệ sinh đường làng, ngõ xóm; nạo vét khơi thông dòng chảy kênh mương thủy lợi nội đồng. Tại huyện Vụ Bản, Hội Nông dân huyện đã đẩy mạnh việc thực hiện mô hình tổ tự quản vệ sinh môi trường trên địa bàn dân cư và nhân rộng tuyến đường do Hội Nông dân tự quản; xây dựng kế hoạch chỉ đạo mỗi cơ sở Hội chọn ít nhất 1 tuyến đường để trồng cây xanh làm công trình chào mừng Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025. Thực hiện sự chỉ đạo của Hội Nông dân tỉnh và Thường trực Huyện ủy về tiếp tục đẩy mạnh các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, Hội Nông dân huyện xây dựng kế hoạch “Phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại hộ”, tổ chức làm điểm cho 90 hộ tại thôn Vụ Nữ, xã Hợp Hưng; đồng thời chỉ đạo mỗi xã, thị trấn chọn một chi Hội đăng ký ít nhất một tuyến đường thực hiện công tác vệ sinh môi trường theo tiêu chí nông thôn mới nâng cao và tuyên truyền, vận động chi hội đó phân loại rác thải tại nguồn. Đến nay các xã, thị trấn đã lựa chọn và đăng ký 18 tuyến đường với chiều dài 18.120m. Hội Nông dân các xã, thị trấn phối hợp với Hợp tác xã nông nghiệp tuyên truyền, vận động nông dân thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật ngoài cánh đồng bỏ đúng nơi quy định. Hội Nông dân các cấp trong huyện còn tích cực tuyên truyền vận động nhân dân giải phóng mặt bằng, tháo dỡ các công trình trên đất, điển hình như hộ chị Hương, chi hội thôn Vàng, xã Hợp Hưng hiến 150m2 đất thổ cư để mở rộng tuyến đường Quốc lộ 38B; hộ bà Chìu, chi hội Phú Thôn, xã Tân Khánh hiến 214m2 đất, trong đó có 35m2 đất thổ cư. Ngoài ra các xã, thị trấn trong huyện vận động nông dân đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn với số tiền là 83,9 triệu đồng; 16.058 ngày công; 980m2 đất các loại; làm mới 12km và sửa chữa 21km đường giao thông; sửa chữa kiên cố hóa 8km kênh mương. Ngoài ra, Hội Nông dân huyện đã chỉ đạo Hội Nông dân các xã Hiển Khánh, Trung Thành, Kim Thái duy trì mô hình trồng và chăm sóc tuyến đường cây; Hội Nông dân xã Trung Thành duy trì mô hình câu lạc bộ “Nông dân vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe cộng đồng”; chọn Hội Nông dân xã Đại An làm điểm về mô hình “An toàn giao thông” với tuyến đường do Hội Nông dân tự quản “Sáng - xanh - sạch - đẹp”. Tại huyện Ý Yên, Hội Nông dân huyện chỉ đạo Hội cơ sở đăng ký phần việc, công trình cụ thể để tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao như: “Đoạn đường do Hội Nông dân tự quản” ở các xã Yên Khang, Yên Phú, Yên Thọ; “Nhận thu gom rác thải vệ sinh môi trường” ở các xã Yên Phong, Yên Mỹ, Yên Lương; “Thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật” ở các xã Yên Thành, Yên Phương, Yên Ninh, Yên Nghĩa; “Hàng cây nông dân” ở thị trấn Lâm...

Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; vận động hội viên mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo vùng sản xuất chuyên canh, cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết; thành lập các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã; vận động nông dân sản xuất an toàn và liên kết theo chuỗi giúp nông dân tiêu thụ nông sản gắn với thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Nam Định giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 93 tổ hợp tác, 23 mô hình chi, tổ Hội nghề nghiệp gắn kết nông dân sản xuất. Ngoài ra, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh còn tích cực tuyên truyền, vận động hội viên nâng cấp, bảo dưỡng các công trình đã đầu tư xây dựng, nâng cao chất lượng các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là những đơn vị làm điểm về xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; tham gia mua thẻ bảo hiểm y tế kết hợp hỗ trợ tặng thẻ cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn; tham gia xây dựng hương ước, quy ước, thôn xóm, xã văn hóa và đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Đến nay, các cấp Hội đã vận động được trên 7.000 người mua bảo hiểm y tế, 645 hội viên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thông qua tổ chức Hội. Năm 2019 có 319.687 hộ gia đình nông dân đăng ký thực hiện đạt tiêu chuẩn văn hóa.

Thông qua các mô hình “Dân vận khéo” của các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã vận động, phát huy được nguồn lực to lớn trong cán bộ, hội viên nông dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tại địa phương./.

Bài và ảnh: Lam Hồng

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5086/202001/phat-huy-vai-tro-cua-hoi-vien-nong-dan-trong-xay-dung-nong-thon-moi-nang-cao-2535049/