Phát huy vai trò của HTX trong quản lý chỉ dẫn địa lý

Việc nâng cao vai trò của các tổ chức tập thể, trong đó có các HTX trong xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý sẽ giúp phát huy được hết những giá trị của chỉ dẫn địa lý trong phát triển nông sản thay vì cơ quan quản lý nhà nước đứng ra đảm nhận như hiện nay.

Thanh long của nhiều HTX ở Bình Thuận đã có chỉ dẫn địa lý, được coi là một trong những lợi thế giúp loại nông sản này phát triển mạnh mẽ và khẳng định được giá trị trên thị trường xuất khẩu. Thanh long Bình Thuận đang giúp khoảng 200 tổ hợp tác, HTX phát triển và 4.600 hộ nông dân trên địa bàn tỉnh có việc làm và thu nhập.

Chỉ 4% tổ chức tập thể quản lý chỉ dẫn địa lý

Tương tự, quả vải ở Bắc Giang đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong nước, cũng như đăng ký và được cấp văn bằng bảo hộ tại 8 quốc gia: Nhật Bản, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Singapore, Australia và Mỹ. Đây là một trong những yếu tố giúp nâng cao sức cạnh tranh của quả vải Việt Nam trên thị trường.

Khi sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý giúp khẳng định chất lượng sản phẩm của HTX và vùng, miền nơi HTX đang canh tác, sản xuất.

Tuy nhiên, trên thực tế, số chỉ dẫn địa lý do các HTX quản lý vẫn còn chưa nhiều. Theo thông tin từ Cục Sở hữu trí tuệ, tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ chỉ dẫn địa lý được quản lý bởi các tổ chức tập thể chỉ vào khoảng 4%, các sở và cơ quan trực thuộc: 44%, UBND cấp huyện: 47%, UBND cấp tỉnh: 5,5%.

Điều này cho thấy, phần lớn các chỉ dẫn địa lý hiện nay được quản lý bởi cơ quan quản lý nhà nước như UBND cấp tỉnh/huyện, Sở NN&PTNT, Sở KH&CN… Còn lại rất ít là do tổ chức tập thể như HTX, tổ hợp tác, HTX, hội nghề nghiệp… quản lý.

Nguyên nhân được cho là do các HTX, tổ hợp tác vẫn còn sản xuất thô, quy mô nhỏ nên chưa bảo đảm được các điều kiện trong đăng ký chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, nhiều HTX cũng đã sản xuất bài bản, quy mô lớn và thực hiện đăng ký chỉ dẫn địa lý hoặc gia hạn lại gặp không ít khó khăn.

Chôm chôm Long Khánh là một trong những nông sản được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, từ đó khẳng định được chất lượng, giá trị của sản phẩm trên thị trường.

Chôm chôm Long Khánh là một trong những nông sản được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, từ đó khẳng định được chất lượng, giá trị của sản phẩm trên thị trường.

Cụ thể là HTX phải nộp đơn 3 tháng mới được chấp nhận đơn, sau 6, 7 tháng rà soát mới được cấp chứng nhận bảo hộ thương hiệu. Chỉ dẫn địa lý sau 10 năm sẽ bị hết hạn và HTX phải làm thủ tục gia hạn. Tuy thủ tục hồ sơ không quá rườm rà phức tạp nhưng vấn đề thời gian kéo dài trong việc làm thủ tục hồ sơ khiến nhiều HTX băn khoăn, không hiểu có gặp vướng mắc gì không.

Bên cạnh đó, Luật Sở hữu trí tuệ quy định chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý Việt Nam là Nhà nước; quyền quản lý chỉ dẫn địa lý thuộc về UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có chỉ dẫn địa lý hoặc cơ quan, tổ chức được UBND tỉnh trao quyền với những điều kiện nhất định. Vấn đề này cũng được coi là rào cản, làm hạn chế việc tham gia quản lý của các tổ chức tập thể, trong đó có HTX.

Tránh “cha chung không ai khóc”

Thực tế cho thấy, chỉ dẫn địa lý không chỉ khẳng định chất lượng của sản phẩm trên thị trường mà còn là công cụ giúp người tiêu dùng tìm đúng được sản phẩm mà mình mong muốn. Chỉ dẫn địa lý cũng giúp người bán hàng khẳng định uy tín của mình trên thị trường.

Tính đến tháng 5/2023, đã có 129 chỉ dẫn địa lý được cấp văn bằng bảo hộ tại Việt Nam, bao gồm 13 của nước ngoài và 116 của Việt Nam. Mặc dù số lượng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Việt Nam đã tăng trong những năm gần đây, nhưng việc quản lý chủ yếu do các cơ quan nhà nước đảm nhiệm được cho là chưa phát huy hết giá trị của chỉ dẫn địa lý trên thị trường. Từ đó dẫn tới tình trạng, số lượng chỉ dẫn địa lý được sử dụng vào phục vụ quá trình xuất khẩu, thương mại sản phẩm còn rất hạn chế.

Theo các chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức tập thể đều có vai trò nhất định trong quản lý chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, cần nhìn nhận một cách khách quan rằng, cơ quan quản lý nhà nước nên quản lý ở mức độ vĩ mô như định hướng, ban hành chính sách, giám sát, kiểm tra quá trình triển khai, thực hiện chỉ dẫn địa lý. Còn vai trò của các tổ chức tập thể, trong đó có các HTX, cần được phát huy hơn nữa trong hoạt động quản lý chỉ dẫn địa lý. Vì đây là đơn vị trực tiếp sản xuất, triển khai, thực hiện đăng ký và cũng hiểu rõ về sản phẩm, tiếp xúc trực tiếp với người tiêu dùng và đại diện cho chính cộng đồng dân cư nơi có sản phẩm đặc trưng.

Trong khi chỉ dẫn địa lý vốn là tài sản cộng đồng, thuộc sở hữu toàn dân. Nếu Nhà nước vừa định hướng, ban hành chính sách, giám sát, kiểm tra quá trình triển khai, thực hiện, vừa quản lý thì có lẽ thời gian giải quyết thủ tục, hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý của HTX, các tổ chức, doanh nghiệp sẽ kéo dài thêm.

Chính vì vậy, trong quản lý chỉ dẫn địa lý, các quy định cần phù hợp với bản chất của chỉ dẫn địa lý là tài sản trí tuệ chung của cộng đồng - những người sản xuất sản phẩm gắn với khu vực địa lý tương ứng. Các quy định cũng cần phải xác định rõ vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước là điều hành chung nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích trong việc xây dựng, đăng ký, quản lý chỉ dẫn địa lý chứ không phải là chủ sở hữu.

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả trong việc xây dựng, đăng ký và quản lý chỉ dẫn địa lý, cần hỗ trợ cộng đồng cư dân, các nhà sản xuất thành lập các tổ chức tập thể như HTX, tổ hợp tác, liên hiệp HTX để quản lý chỉ dẫn địa lý nếu tổ chức này chưa được hình thành. Khu vực nào đã có mô hình kinh tế tập thể thì cần củng cố, nâng cao năng lực để các HTX có các điều kiện cần thiết để thực hiện vai trò của chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý.

Khi nhìn nhận đúng vai trò của các HTX, tổ hợp tác, liên hiệp HTX trong việc quản lý chỉ dẫn địa lý sẽ không chỉ đáp ứng đúng được nhu cầu thực tiễn của cộng đồng, mà còn tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”, từ đó nâng cao được giá trị và hiệu quả của của chỉ dẫn địa lý đối với các ngành hàng nông sản.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/phat-huy-vai-tro-cua-htx-trong-quan-ly-chi-dan-dia-ly-1094440.html