Phát huy vai trò của hương ước, quy ước trong xây dựng đời sống văn hóa ở xã Trí Nang

Hương ước, quy ước được hình thành trong quá trình phát triển lâu dài của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Sức mạnh của hương ước, quy ước dựa vào thói quen, nếp sống của cộng đồng dân cư, là sức mạnh có tính chất tâm lý nằm sâu trong tiềm thức của mọi người dân. Hương ước, quy ước có ý nghĩa giáo dục và động viên nhân dân hành động, gắn bó dân làng thành một cộng đồng chặt chẽ; đồng thời, điều tiết trách nhiệm và các quyền lợi của mọi thành viên trong cộng đồng dân cư. Với ý nghĩa đó, trong những năm qua, công tác xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn xã Trí Nang (Lang Chánh) luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, sự ủng hộ của người dân và đạt nhiều kết quả tích cực.

Sinh hoạt văn nghệ cộng đồng của người dân bản Giàng Vìn, xã Trí Nang.

Ông Phạm Văn Đô, Phó Chủ tịch UBND xã Trí Nang cho biết: Việc xây dựng hương ước, quy ước ở các thôn, bản trên địa bàn xã được người dân tham gia đóng góp ý kiến một cách dân chủ và hoàn thiện đưa vào thực hiện từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, những năm gần đây, đặc biệt là trong xây dựng nông thôn mới, nhiều nội dung trong hương ước, quy ước ở các thôn đã lạc hậu, không còn phù hợp nên đã được rà soát, điều chỉnh. Trong đó, có những tiêu chí về vệ sinh môi trường, y tế, giáo dục, việc hiếu, việc hỉ... đã được quy định mới để phù hợp với tình hình thực tế. Đến nay, xã Trí Nang đã hoàn thành việc rà soát và sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước của 5/5 thôn, bản. Nội dung trong hương ước, quy ước quy định rõ những việc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” như, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; an ninh trật tự; khuyến học, khuyến tài; tránh nhiệm, nghĩa vụ của từng cá nhân, từng gia đình trong thực hiện các tiêu chí về xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội...

Khi hương ước, quy ước của mỗi thôn, bản trên địa bàn xã Trí Nang đi vào cuộc sống, ý thức của người dân trong việc xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới cũng được nâng lên rõ rệt. Ông Hà Đức Chung, Trưởng bản Giàng Vìn, xã Trí Nang chia sẻ: Trên cơ sở kế thừa và phát huy những thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa; đồng thời, bổ sung những nội dung mới tiến bộ phù hợp với tình hình thực tế địa phương, năm 2019 bản Giàng Vìn đã họp bàn, thống nhất xây dựng hương ước, quy ước của thôn gồm 6 chương, 26 điều. Ngoài quy định chung, hương ước mới của bản còn coi trọng việc phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng gia đình văn hóa, đoàn kết dân tộc... Hương ước, quy ước cũng nêu rõ việc khuyến khích tổ chức lễ cưới hỏi theo nếp sống mới, loại bỏ những hủ tục lạc hậu trong việc tang... Được biết, từ khi có hương ước, quy ước mới người dân bản Giàng Vìn không còn e ngại, né tránh nhắc nhở những ai vi phạm các điều đã được quy định; việc xây dựng gia đình văn hóa được người dân tích cực hưởng ứng. Hiện, tỷ lệ gia đình văn hóa của bản đã đạt trên 85%. Đặc biệt, thực hiện hương ước, quy ước mới bản Giàng Vìn đã vận động quyên góp được hàng chục triệu đồng để sửa sang, nâng cấp đường giao thông, đường điện chiếu sáng, trồng cây tạo cảnh quan môi trường, xây dựng giữ vững bản văn hóa cấp tỉnh.

Có thể thấy, việc cán bộ và nhân dân xã Trí Nang nêu cao ý thức thực hiện những nội dung được quy định trong hương ước, quy ước của thôn, bản không chỉ góp phần phát huy thuần phong mỹ tục, đề cao các chuẩn mực đạo đức truyền thống của dân tộc; mà còn mang lại hiệu quả trong việc thực hiện nếp sống văn minh và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Theo thống kê, hết năm 2019, toàn xã có 503/583 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 86,27%; 5/5 thôn đạt khu dân cư văn hóa; 100% đám cưới, đám tang trên địa bàn xã được tổ chức lành mạnh, tiết kiệm, phù hợp thuần phong mỹ tục, không có mê tín dị đoan. Đặc biệt, việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước đã phát huy được vai trò tự quản của cộng đồng dân cư; bảo vệ, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng.

Bài và ảnh: Phong Sắc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/phat-huy-vai-tro-cua-huong-uoc-quy-uoc-trong-xay-dung-doi-song-van-hoa-o-xa-tri-nang/116143.htm