Phát huy vai trò của Mặt trận trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc

Nhiệm kỳ 2019 -2024, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam các cấp thành phố Hà Nội đã đồng hành với chính quyền các cấp, thường xuyên, kịp thời phản ánh tình hình nhân dân, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, góp phần xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

Tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh

Trong công tác tuyên truyền phố biến giáo dục pháp luật, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp thành phố Hà Nội đã phối hợp với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp tổ chức 41.244 hội nghị tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân với hơn 4 triệu lượt người tham dự.

Màn múa “Vũ điệu kết đoàn” tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc thành phố Hà Nội năm 2023.

Màn múa “Vũ điệu kết đoàn” tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc thành phố Hà Nội năm 2023.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp thành phố Hà Nội đã thành lập 6.350 đoàn giám sát, tham gia 12.486 đoàn giám sát do HĐND, UBND các cấp chủ trì, ngoài ra các Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã giám sát 39.165 cuộc, kiến nghị 4.786 vụ việc và đã được các cơ quan có thầm quyền giải quyết 4.478 vụ việc; tô chức 3.185 cuộc phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản của HĐND, UBND có liên quan trực tiếp tới quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.

Trong hoạt động góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp thành phố Hà Nội đã góp ý đối với 7.853 dự thảo văn bản của Đảng, 6.922 dự thảo văn bản của chính quyền; phối hợp tổ chức 2.531 hội nghị đối thoại giữa người đứng đấu cấp ủy, chính quyền với MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân, tại các hội nghị đã có hơn 160.000 lượt người tham dự với hơn 15.000 ý kiến phát biểu, hầu hết các ý kiến đếu được cấp ủy, chính quyền các cấp trả lời trực tiếp tại hội nghị, các ý kiến chưa được trả lời tại hội nghị đều có văn bản trả lời sau hội nghị.

Thực hiện việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp thành phố Hà Nội đã làm tốt công tác công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp thành phố Hà Nội đã tiếp 31.288 lượt công dân, tiếp nhận 18.788 đơn tố cáo, khiếu nại, kiến nghị phản ánh và chuyển 12.915 đơn tới cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Đánh giá về vai trò của công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ các cấp Thành phố, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường cho rằng, dưới sự hướng dẫn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cấp, sự phối hợp nhiệt tình của chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội, công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ các cấp Thành phố nhiệm kỳ qua đã thực hiện đúng quy định và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của MTTQ.

“Với những quả đã đạt được trong tham gia góp ý xây dựng - Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, Mặt trận các cấp đã tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của mình trong hệ thống chính trị, là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. MTTQ Việt Nam các cấp đã đồng hành với chính quyền các cấp, thường xuyên, kịp thời phản ánh tình hình nhân dân, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, góp phần xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, phòng, chống tham nhũng, tạo động lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh của Thủ đô”, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường khẳng định.

Nhân rộng những kinh nghiệm hay

Mặc dù đã đạt nhiều hiệu quả tích cực, tuy nhiên trong nhiệm kỳ 2019 - 2024, công tác giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vẫn còn một số tồn tại hạn chế như: Công tác giám sát, phản biện xã hội ở cấp xã còn nhiều khó khăn, một số nơi chưa chủ động lựa chọn nội dung, xây dựng kế hoạch thực hiện, còn tư tưởng ngại va chạm trong công tác giám sát, phản biện và góp ý.

Cán bộ, nhân dân quận Tây Hồ tham gia biểu diễn màn múa "Vũ điệu kết đoàn" tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc thành phố Hà Nội năm 2023.

Cán bộ, nhân dân quận Tây Hồ tham gia biểu diễn màn múa "Vũ điệu kết đoàn" tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc thành phố Hà Nội năm 2023.

Đội ngũ cán bộ Mặt trận ở một số địa phương, do thay đổi chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ kịp thời nên quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội còn hạn chế. Công tác theo dõi, thông tin kết quả tiếp thu góp ý của cấp ủy, tổ chức Đảng với tổ chức, cá nhân góp ý có nhiều hạn chế, hầu hết việc theo dõi chưa được chú trọng.

Một số Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng chưa chủ động xây dựng kế hoạch giám sát cụ thể, công tác giám sát còn mang tính hình thức; chế độ sinh hoạt chưa được duy trì thường xuyên; công tác phát hiện, nắm bắt những vụ việc phát sinh trong nhân dân có lúc, có nơi còn chưa kịp thời dẫn đến chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát còn hạn chế...

Chia sẻ tại Diễn đàn “Phát huy dân chủ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tăng cường giám sát phản biện xã hội, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh” trong khuôn khổ Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2024 - 2029 về những kinh nghiệm trong công tác phối hợp, tổ chức tiếp xúc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn huyện nhằm củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Gia Lâm Đinh Tất Thắng cho biết, 5 năm qua, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội từ huyện đến cơ sở phối hợp tổ chức 119 hội nghị đối thoại định kỳ, 177 hội nghị đối thoại đột xuất giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân, đã có trên 20 nghìn lượt người tham dự với 3.297 ý kiến đối thoại trực tiếp và bằng văn bản được phản ánh.

Sau mỗi kỳ tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phân công các cơ quan, đơn vị chức năng có trách nhiệm tham mưu, xử lý, giải quyết theo thẩm quyền, đảm bảo đúng tiến độ, cách làm đó đã góp phần ổn định tình hình chính trị tại địa phương.

Đúc rút những kinh nghiệm hay trong thực tiễn, ông Đinh Tất Thắng đề xuất 5 giải pháp, đó là: Cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ cần quán triệt sâu rộng ý nghĩa của hoạt động tiếp xúc đối thoại, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực thi công vụ; UBND các cấp cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, coi trọng công tác đối thoại với nhân dân; Các cấp ủy Đảng, chính quyền tạo mọi điều kiện để MTTQ, các đoàn thể tham gia giám sát, phản biện, đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền; MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phân công trách nhiệm, tổ chức tốt hoạt động đối thoại; tăng cường hội nghị tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ mặt trận.

Tại huyện Thanh Trì, công tác phản biện xã hội được MTTQ các cấp chú trọng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thanh Trì Phạm Văn Thành cho rằng phản biện xã hội của MTTQ là hoạt động mang tính nhân văn, tính xã hội rộng rãi, là phương thức để nhân dân đóng góp trí tuệ, hiến kế với Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng và ban hành các chủ trương, chính sách pháp luật.

Trong nhiệm kỳ 2029 - 2024, MTTQ các cấp huyện Thanh Trì đã đã tổ chức 154 hội nghị phản biện, tập trung vào các chương tình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đề án có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

N.Hoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/phat-huy-vai-tro-cua-mat-tran-trong-xay-dung-khoi-dai-doan-ket-dan-toc-175838.html