Phát huy vai trò của MTTQ trong xây dựng Đảng, chính quyền (kỳ 2)

KỲ 2: Lắng nghe dân để giám sát, phản biện hiệu quả

Thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội, MTTQ các cấp đã có những cách làm chủ động, thiết thực để người dân giám sát, phản biện mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời cũng thực hiện quyền làm chủ của chính mình một cách trực tiếp và rộng rãi nhất.

Phát huy vai trò của Nhân dân

Tuyến đường bộ ven biển tỉnh Phú Yên, đoạn kết nối huyện Tuy An - TP Tuy Hòa (giai đoạn 1) có điểm đầu từ đường dẫn phía Bắc cầu An Hải (xã An Ninh Đông, huyện Tuy An) và điểm cuối tại Trung tâm An điều dưỡng tàu ngầm (xã An Phú, TP Tuy Hòa). Chiều dài tuyến hơn 14km. Dự kiến diện tích đất bị thu hồi phục vụ dự án hơn 82ha và khoảng 1.500 hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng từ dự án.

Để đảm bảo sự đồng thuận triển khai dự án, tháng 3/2024 vừa qua, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội (PBXH) đối với dưạ́n này tại các xã có tuyến đường đi qua, gồm An Chấn, An Mỹ, An Hòa Hải (huyện Tuy An) và xã An Phú (TP Tuy Hòa). Trên cơ sở khảo sát thực tế, lắng nghe ý kiến phản biện của chuyên gia và người dân tại các hội nghị PBXH, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đề nghị chủ đầu tư giải trình, làm rõ cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn về hướng tuyến của từng đoạn đi qua địa bàn từng xã thuộc huyện Tuy An và TP Tuy Hòa để đảm bảo tính khả thi cũng như hiệu quả của dự án.

Theo đó, về việc phạm vi hướng tuyến ảnh hưởng đến 11 hộ gia đình và 6 công trình nhà tạm tại thôn Hội Sơn, xã An Hòa Hải (huyện Tuy An), sau khi rà soát, nghiên cứu điều chỉnh phạm vi hướng tuyến theo ý kiến phản biện, các đơn vị thống nhất điều chỉnh cục bộ hướng tuyến tại vị trí này dịch về phía Tây nhằm hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến các hộ dân và công trình nhà tạm nêu trên; đồng thời khống chế phạm vi dịch chuyển không ảnh hưởng đến phần đất của các hộ dân tại khu dân cư Tân An (khu chợ Yến mới) và vẫn đảm bảo các yếu tố kỹ thuật của tuyến đường.

Về việc phạm vi hướng tuyến ảnh hưởng đến các hộ dân tại thôn Chính Nghĩa, xã An Phú (TP Tuy Hòa), ngày 29/5/2024, UBND TP Tuy Hòa đã có cuộc họp và thống nhất đưa ra phương án giải pháp thiết kế dịch chuyển cục bộ hướng tuyến về phía Đông so với hướng tuyến đã được thiết kế... hạn chế sự ảnh hưởng đến nhà cửa của các hộ dân nơi đây.

“Đây là hiệu quả của PBXH khi chủ đầu tư tiếp thu các ý kiến phản biện, đảm bảo được lợi ích chính đáng của người dân”, ông Nguyễn Khoa Khanh, Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh - đơn vị có nhiều công trình, dự án cần có sự tham gia PBXH của ủy ban MTTQ, cho hay.

Không chỉ có Tuyến đường bộ ven biển tỉnh, chỉ trong 5 năm (2019-2024), MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức giám sát 736 chuyên đề; 205 cuộc PBXH, nội dung tập trung liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: PBXH giúp phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp trong các văn bản dự thảo của các cơ quan Ðảng, Nhà nước. Kết quả của phản biện là kiến nghị những nội dung thiết thực, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính hiệu quả trong việc hoạch định chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân, phát huy dân chủ, tăng cường sự đồng thuận xã hội.

Ban giám sát đầu tư của cộng đồng xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa) giám sát làm đường bê tông nông thôn tại thôn Phước Khánh của xã này. Ảnh: THÚY HẰNG

Ban giám sát đầu tư của cộng đồng xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa) giám sát làm đường bê tông nông thôn tại thôn Phước Khánh của xã này. Ảnh: THÚY HẰNG

Thể hiện rõ trách nhiệm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”

Thực hiện chức năng giám sát và PBXH thông qua MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, những ý kiến tâm huyết, thiết thực của người dân được các cấp ủy đảng, chính quyền ghi nhận, tiếp thu, phát huy mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Ðảng với Nhân dân, góp phần quan trọng xây dựng sự đồng thuận xã hội.

Cùng với MTTQ cấp tỉnh, huyện, các ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở xã, phường, thị trấn cũng đã giám sát 2.804 vụ việc và 2.628 công trình, dự án. Kết quả đã góp phần quan trọng trong việc phát huy vai trò trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; nâng cao hiệu quả đầu tư, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng công trình, tạo được niềm tin cho Nhân dân.

Riêng tại TX Sông Cầu, trong 5 năm, các ban thanh tra nhân dân, ban giám sát của cộng đồng đã giám sát hơn 1.000 vụ việc tại 13 xã, phường; phát hiện và kiến nghị 177 vụ việc, khắc phục những thiếu sót trong quản lý và hoạt động ở cơ sở; hàng ngàn công trình, nhất là các công trình có vốn người dân đóng góp được cộng đồng giám sát thể hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong đầu tư.

Ông Nguyễn Thanh Lợi, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TX Sông Cầu nói: Trong quátrình giám sát, các ban này đã phát hiện 2 cán bộ vi phạm về thái độ tiếp dân tại bộ phận một cửa; giám sát công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh đã phát hiện 32 trường hợp bất cập, kiến nghị Hội đồng tư vấn thuế kịp thời điều chỉnh, bổ sung; phát hiện 66 trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng, đất đai; 44 trường hợp vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ và 25 trường hợp khai thác khoáng sản trái phép với tổng số tiền xử phạt 606 triệu đồng.

Nhiều năm tham gia công tác giám sát, PBXH tại địa phương, ông Nguyễn Thành Đô, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Suối Bạc chia sẻ kinh nghiệm, rằng giám sát phải đi đến tận nơi, lắng nghe ý kiến nhiều chiều, đặc biệt là ý kiến người dân chứ không chỉ là thông qua các bản báo cáo. Vì chỉ khi đến tận nơi, mắt thấy tai nghe thì giám sát mới thực sự hiệu quả, có tác dụng thay đổi những bất cập, đồng thời tạo được niềm tin cho người dân.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Phát huy vai trò giám sát, PBXH của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng”. Cụ thể hóa nội dung này, mặt trận các cấp không chỉ đẩy mạnh công tác giám sát, phản biện, mà còn chú trọng đến vấn đề theo dõi việc tiếp thu, phản hồi các kiến nghị sau giám sát.

“Với cách làm này, công tác giám sát, phản biện của MTTQ ngày càng đi vào cuộc sống. Đặc biệt, người dân ngày càng quan tâm hơn đến hoạt động giám sát, thể hiện rõ trách nhiệm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong mọi lĩnh vực đời sống, từ KT-XH đến xây dựng Đảng, chính quyền…”, đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn nhấn mạnh.

Công tác giám sát, phản biện của MTTQ đã có tác động tích cực đến việc mở rộng dân chủ XHCN, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách, thi hành pháp luật, kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Đồng chí Nguyễn Hữu Dũng,

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

KỲ CUỐI: Phải xem giám sát, phản biện xã hội là nhiệm vụ chính trị quan trọng

THÚY HẰNG

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/436/320164/phat-huy-vai-tro-cua-mttq-trong-xay-dung-dang-chinh-quyen-ky-2.html