Phát huy vai trò của MTTQ trong xây dựng Đảng, chính quyền (kỳ cuối)

KỲ CUỐI: Phải xem giám sát, phản biện xã hội là nhiệm vụ chính trị quan trọng

Đồng chí Cao Thị Hòa An phát biểu chỉ đạo tại hội thảo chuyên đề Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội theo Quyết định 217 của Bộ Chính trị do Ban Dân vận và Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức. Ảnh: THÚY HẰNG

Đồng chí Cao Thị Hòa An phát biểu chỉ đạo tại hội thảo chuyên đề Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội theo Quyết định 217 của Bộ Chính trị do Ban Dân vận và Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức. Ảnh: THÚY HẰNG

Đó là chỉ đạo của đồng chí Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh về thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI).

Quyết sách ngăn ngừa suy thoái trong Đảng

Hiện nay, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong việc phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) ngày càng cao hơn, nhất là trong bối cảnh có nhiều văn bản quy định về GS, PBXH trong tình hình mới được ban hành. Đây là một nhiệm vụ khó, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cấp, ngành và cần có sự phối hợp đồng bộ, trách nhiệm cao của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị.

Đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Công tác GS, PBXH là hoạt động đặc thù, mang tính nhân dân, tính xã hội rộng rãi, là phương thức để nhân dân góp sức, hiến kế với Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách, quyết sách, là một trong những hoạt động quan trọng nhằm ngăn ngừa nguy cơ suy thoái trong Đảng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Tuy nhiên, GS, PBXH của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và quần chúng nhân dân mang tính chất xã hội, nghĩa là tính bắt buộc không cao. Nếu không có sự quyết tâm lâu dài, sự vào cuộc quyết liệt, sự nhiệt tình vì sự nghiệp chung của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp thì GS, PBXH khó có thể có kết quả như mong muốn.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định và nhấn mạnh rất rõ yêu cầu phát huy vai trò GS, PBXH của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, của Nhân dân trong mọi lĩnh vực, từ xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng và hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách đến các vấn đề về KT-XH liên quan đến đời sống nhân dân. Trước những yêu cầu của nhiệm vụ mới, vai trò, trách nhiệm của MTTQ ngày càng cao, đồng chí Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh đề nghị cần nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về chức năng GS, PBXH; cần có sự chỉ đạo, phối hợp, tạo điều kiện để MTTQ thực hiện tốt chức năng này. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, làm cho Nhân dân biết và thấy được vị trí, vai trò của mặt trận, để từ đó Nhân dân quan tâm, tích cực tham gia vào hoạt động GS, PBXH.

Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ tỉnh giám sát tác động môi trường của một mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn TX Sông Cầu. Ảnh: THÚY HẰNG

Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ tỉnh giám sát tác động môi trường của một mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn TX Sông Cầu. Ảnh: THÚY HẰNG

Tối ưu hóa hiệu quả giám sát, phản biện xã hội

Đại hội XIII của Đảng đánh dấu sự phát triển sang một thời kỳ mới trong đường lối lãnh đạo đất nước của Đảng, đòi hỏi tăng cường phát huy sức mạnh nội lực của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thông qua con đường hữu hiệu nhất là thực hiện tốt hơn, mạnh mẽ hơn quyền làm chủ của mỗi người dân. Để góp phần thực hiện định hướng đó, cần tối ưu hóa hiệu quả GS, PBXH.

“Muốn vậy, trước hết cần lựa chọn đúng vấn đề để tiến hành GS, PBXH là những vấn đề bức thiết của người dân, đòi hỏi phải được can thiệp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Xác định đúng chủ thể GS, PBXH; lựa chọn phương thức GS, PBXH phù hợp với khách thể giám sát, phản biện; hoạt động GS, PBXH phải bảo đảm tăng cường đồng thuận và đoàn kết xã hội được Nhân dân đồng tình, ủng hộ. Kết luận của giám sát, phản biện phải có tính thuyết phục cao”, bà Trần Thị Vân Anh, Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ tỉnh chia sẻ.

Theo Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Đinh Thị Thu Thanh, Quyết định 217 đã làm phong phú hơn hình thức thực hiện dân chủ trực tiếp, khi phát huy quyền GS, PBXH của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân. Có thể nói, đây là cơ sở chính trị quan trọng để MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện quyền, trách nhiệm GS, PBXH, qua đó góp phần phản ánh tâm tư, thái độ, nguyện vọng của quần chúng nhân dân đối với những chủ trương, đường lối của Đảng; về kết quả hành động, thái độ ứng xử của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ chính trị. Việc các địa phương thực hiện tốt quyết định trên sẽ góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, nâng cao đời sống người dân.

Khẳng định GS, PBXH là một công cụ hiệu quả để thực hiện vai trò làm chủ của Nhân dân, thể hiện quan điểm “dân là gốc”, đồng chí Cao Thị Hòa An nhấn mạnh: Quyết định 217-QĐ/TW ban hành Quy chế GS, PBXH của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và Quyết định 218-QĐ/TW, ban hành Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đã thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước, với quan điểm và định hướng đúng đắn cho hoạt động GS, PBXH nhằm khơi dậy và thúc đẩy động lực dân chủ từ trong Nhân dân, để từng bước hình thành môi trường thuận lợi cho hoạt động GS, PBXH.

Qua đó góp phần nâng cao chất lượng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường trách nhiệm của Đảng, Nhà nước; gắn bó hơn nữa quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân; giúp Đảng, Nhà nước hiểu rõ hơn tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân...

Trên cơ sở những kết quả đạt được trong thời gian qua, đồng chí Cao Thị Hòa An lưu ý MTTQ và các tổ chức thành viên nhân rộng mô hình hay, cách làm tốt về hoạt động GS, PBXH, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để Nhân dân thấy được vị trí, vai trò quan trọng của mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, từ đó huy động được sự tham gia, hưởng ứng tích cực của Nhân dân. Xem GS, PBXH, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền là quyền của dân, là trách nhiệm của mặt trận với dân, với Đảng và chính quyền…

Tại Đại hội đại biểu MTTQ tỉnh nhiệm kỳ 2024-2029, đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh khẳng định, những thành tích đạt được của MTTQ các cấp trong tỉnh đã góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị và thành tích chung của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà, qua đó củng cố và nâng cao niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền, tạo nên một ý chí thống nhất giữa Đảng với Nhân dân.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị trong thời gian tới, MTTQ tiếp tục vận động Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, nâng cao chất lượng GS, PBXH theo Quyết định 217 của Bộ Chính trị; trong đó chú trọng giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, việc nêu gương của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ đảng viên theo Quy định 124-QĐ/TW của Ban Bí thư khóa XII. Thực hiện PBXH có hiệu quả các chương trình, dự án, đề án phát triển KT-XH của tỉnh có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân.

Quyết định 217-QĐ/TW ban hành Quy chế GS, PBXH của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và Quyết định 218-QĐ/TW, ban hành Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đã thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước, với quan điểm và định hướng đúng đắn cho hoạt động GS, PBXH nhằm khơi dậy và thúc đẩy động lực dân chủ từ trong Nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đồng chí Cao Thị Hòa An,

Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh

THÚY HẰNG

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/436/320216/phat-huy-vai-tro-cua-mttq-trong-xay-dung-dang-chinh-quyen-ky-cuoi.html