Phát huy vai trò của nghị sĩ trẻ trong giải quyết những thách thức toàn cầu
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại VŨ HẢI HÀ - Phó Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, với việc đăng cai tổ chức Hội nghị, Việt Nam tiếp tục thể hiện vai trò thành viên có trách nhiệm đối với cộng đồng thế giới, phát huy vai trò của các nghị sĩ trẻ, giới trẻ trong giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu, đóng góp vào việc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Tạo dấu ấn trong hoạt động đối ngoại đa phương
- Từ ngày 14-17.9, tại thủ đô Hà Nội, Quốc hội Việt Nam và Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) đồng chủ trì tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 của IPU - sự kiện đối ngoại đa phương trọng tâm của Quốc hội Việt Nam trong năm 2023. Ông đánh giá như thế nào về vai trò, vị thế của Quốc hội Việt Nam tại các diễn đàn nghị viện đa phương quốc tế?
- Đại hội XIII của Đảng đã xác định triển khai đường lối đối ngoại hiện đại và toàn diện dựa trên 3 trụ cột là: Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Ngoại giao nghị viện vừa là kênh ngoại giao nhà nước, vừa là đối ngoại nhân dân. Thời gian qua, công tác này đã được triển khai toàn diện, thể hiện hình ảnh một Quốc hội Việt Nam đổi mới, năng động và hành động; đóng góp hiệu quả vào việc thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ; bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc, đồng thời, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng học tập được kinh nghiệm của bạn bè quốc tế trong việc hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống pháp luật; đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, đoàn kết của bạn bè quốc tế trong xây dựng và phát triển đất nước.
Triển khai đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Quốc hội Việt Nam đã rất tích cực, chủ động tham gia các hoạt động đối ngoại song phương và đa phương. Chúng ta đã trở thành thành viên của IPU từ năm 1979, thành viên của AIPO/AIPA từ năm 1995; là thành viên sáng lập của Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF), Diễn đàn Nghị viện Á - Âu (ASEP) và nhiều tổ chức liên nghị viện khu vực, thế giới khác.
Triển khai Chỉ thị số Chỉ thị 25-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, Quốc hội đã rất chủ động, tích cực tham gia các diễn đàn hợp tác nghị viện khu vực và thế giới. Vị thế của Quốc hội Việt Nam tại các cơ chế hợp tác liên nghị viện đa phương cũng ngày càng được nâng tầm với việc không ngừng khẳng định vai trò thành viên có trách nhiệm, đóng góp tích cực vào quá trình hình thành “luật chơi” tại các diễn đàn này.
Đặc biệt, tại các diễn đàn quan trọng như IPU, AIPA, APPF, Quốc hội Việt Nam rất tích cực đóng góp về mặt nội dung trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của các tổ chức này. Thông qua đó, góp phần giữ vững hòa bình, ổn định trong khu vực, đồng thời, thúc đẩy hợp tác và tạo thuận lợi cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước.
- Quốc hội Việt Nam đã từng đăng cai tổ chức một số sự kiện ngoại giao nghị viện đa phương lớn, trong đó có Đại hội đồng IPU 132 với nhiều dấu ấn tốt đẹp. Những hoạt động này mang lại tác động lan tỏa và kinh nghiệm như thế nào trong triển khai đường lối đối ngoại chung của Đảng, Nhà nước ta, thưa ông?
- Trong khuôn khổ hoạt động của IPU, Quốc hội Việt Nam từng đảm trách vai trò chủ nhà tổ chức Đại hội đồng IPU 132 năm 2015, được bạn bè trên thế giới đánh giá rất cao. Thành công của Đại hội đồng IPU 132 là bước rất quan trọng đóng góp vào quá trình xây dựng Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Đến bây giờ, các nước vẫn nhắc đến Tuyên bố Hà Nội về “Các mục tiêu Phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động” được thông qua tại Đại hội đồng IPU 132 như "hình mẫu" để các nghị viện trên thế giới tiếp tục thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
Chúng ta cũng đã chủ động tham gia tất cả các hoạt động của IPU, tổ chức các hội nghị quan trọng, đóng góp vào các mục tiêu để nghị viện các nước cùng nhau phấn đấu thực hiện thông qua chức năng lập pháp, giám sát, quyết định về ngân sách. Năm 2017, Quốc hội Việt Nam đã chủ trì tổ chức Hội nghị chuyên đề IPU khu vực châu Á - Thái Bình Dương về ứng phó với biến đổi khí hậu, tiếp tục tạo dấu ấn đậm nét trong hoạt động của IPU.
Đối với AIPA, Quốc hội cũng rất tích cực đóng góp nội dung vào các chương trình nghị sự nhằm duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, thúc đẩy hợp tác và khai thác có hiệu quả nguồn nước sông Mekong... Về kinh tế, Việt Nam đã đóng góp những nội dung về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng công bằng; bảo đảm việc làm, công bằng, an sinh xã hội... Các đề xuất, sáng kiến của Việt Nam được đưa vào các nghị quyết thông qua tại các kỳ Đại hội đồng AIPA, nhằm thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu chung của Cộng đồng ASEAN.
Thông qua tham gia các diễn đàn hợp tác liên nghị viện trong khu vực và trên thế giới, Quốc hội đã đóng góp tích cực, chủ động vào các chương trình nghị sự mang tính toàn cầu. Thời gian qua, Quốc hội Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức các sự kiện ngoại giao liên nghị viện khu vực và quốc tế. Tiếp nối thành công trong vai trò chủ trì tổ chức các sự kiện quan trọng tầm cỡ quốc tế như Đại hội đồng IPU 132, Hội nghị APPF 26 (năm 2016) và Đại hội đồng AIPA 41 (năm 2020), việc Quốc hội nước ta chủ trì tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 sẽ tạo dấu ấn mới của Việt Nam tại IPU nói riêng; đồng thời, tiếp tục thể hiện vai trò, có trách nhiệm của mình đối với cộng đồng thế giới.
Việc Quốc hội chủ trì tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 cũng cho thấy sự chú trọng, quan tâm của Việt Nam đối với phát huy vai trò của các nghị sĩ trẻ, giới trẻ trong giải quyết những vấn đề mang tính thách thức toàn cầu, đóng góp vào việc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Đây là hoạt động thiết thực triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng về tăng cường đối ngoại đa phương, Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương nhằm góp phần bảo đảm môi trường quốc tế và khu vực về hòa bình, ổn định, phục vụ mục tiêu phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Chủ đề Hội nghị mang đậm tính thời sự và dấu ấn của Việt Nam
- Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu năm nay có chủ đề "Vai trò của giới trẻ trong thực hiện các SDGs của Liên Hợp Quốc thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo".Ông có thể chia sẻ thêm về ý nghĩa của chủ đề Hội nghị?
- Chủ đề của Hội nghị được chúng ta đưa ra trong bối cảnh các nước trên thế giới đang rất nỗ lực thực hiện Chương trình Nghị sự 2030. Mặc dù đến thời điểm này chúng ta đã đi được nửa chặng đường tới Chương trình Nghị sự 2030 và chỉ còn chưa đầy 7 năm để đạt được các SDGs, nhưng trước những diễn biến phức tạp và khó lường của tình hình thế giới, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cùng những thách thức đan xen khác, nên tiến độ thực hiện các SDGs đang rất chậm.
Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, hiện mới chỉ có 12% các SDGs đã đạt được hoặc đang được thực hiện đúng hướng, còn 50% SDGs đang bị chậm hoặc khó có khả năng đạt được. Thực trạng này đòi hỏi phải tận dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nỗ lực tăng tốc để tìm ra các cách tiếp cận và giải pháp mới. Các nước trên thế giới hiện nay có xu thế thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong nước và thực hiện các SDGs thông qua chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn.
Trong bối cảnh đó, việc Quốc hội Việt Nam chọn chủ đề của Hội nghị năm nay được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao vì mang đậm tính thời sự, nhấn mạnh vào thúc đẩy vai trò của giới trẻ trong thực hiện các SDGs của Liên Hợp Quốc thông qua các xu hướng chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Các nghị sĩ trẻ, với tư cách là những nhà chính trị gần nhất với thế hệ trẻ, am hiểu về kỹ thuật số và có nhiều đóng góp trong việc khai thác những giải pháp dựa trên tiếng nói và tài năng của thanh niên.
Hội nghị là cơ hội để các nghị sĩ trẻ khắp nơi trên thế giới thảo luận về các hành động của nghị viện nhằm đẩy nhanh việc thực hiện các SDGs thông qua thúc đẩy vai trò của thanh niên trong chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát huy các giá trị văn hóa.
- Ông có thể chia sẻ thêm về các chuyên đề thảo luận của Hội nghị này?
- Hội nghị Nghị sĩ trẻ Toàn cầu hàng năm của IPU là diễn đàn đặc biệt dành cho các nghị sĩ trẻ gặp gỡ, trao đổi, học hỏi, định hình các chiến lược chung và đổi mới nhằm thúc đẩy mục tiêu trao quyền cho nghị sĩ trẻ và thanh niên.
Hội nghị lần thứ 9 sẽ tập trung vào 3 chuyên đề thảo luận chính là: Chuyển đổi số; Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; Giá trị văn hóa và con người trong phát triển bền vững. Các chuyên đề thảo luận được lựa chọn tại Hội nghị lần này không chỉ phù hợp với mối quan tâm chung của các nghị sĩ trẻ trên thế giới mà còn mang dấu ấn của Việt Nam đóng góp vào những cuộc thảo luận có tính toàn cầu về định hướng thực hiện tốt nhất các SDGs trong thời gian tới.
Các phiên thảo luận chuyên đề của Hội nghị sẽ chủ yếu dựa trên việc chia sẻ luật, chính sách và thực hành sáng tạo trong thúc đẩy thực hiện các SDGs thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Với mục đích xác định vai trò lãnh đạo của các nghị sĩ trẻ về những chủ đề này tại quốc gia, các phiên thảo luận chuyên đề cũng sẽ kết hợp nghiên cứu điển hình, các diễn giả truyền cảm hứng... Khuyến khích các đoàn đại biểu tham dự chuẩn bị thông tin về thực tiễn triển khai của quốc gia để chia sẻ với các đại biểu dự Hội nghị.
- Ông kỳ vọng gìvề kết quả của hội nghị lần này?
- Với sự tham gia đông đảo của các nghị sĩ trẻ toàn cầu, chúng tôi hy vọng rằng, dưới góc nhìn của mình, các nghị sĩ trẻ sẽ có những đóng góp thông qua các hoạt động, chức năng của Quốc hội là lập pháp, xây dựng thể chế, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, cụ thể là phân bổ nguồn lực, ngân sách.
Thông qua các chủ đề thảo luận tại Hội nghị liên quan đến chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, giá trị văn hóa và con người trong phát triển bền vững, các nghị sĩ trẻ sẽ góp tiếng nói và những ý tưởng mới nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội ở mỗi nước, đồng thời đẩy nhanh việc thực hiện các SDGs của Liên Hợp Quốc.
- Xin cảm ơn ông!