Phát huy vai trò của nhân dân trong giám sát
Thời gian gần đây, qua hoạt động giám sát, các ban Thanh tra nhân dân (TTND), ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ) đã phát hiện nhiều tiêu cực, góp phần chống thất thoát, lãng phí tại nhiều địa phương trên địa bàn TP Hà Nội. Từ đó, góp phần phát huy vai trò làm chủ của nhân dân. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả công tác giám sát, thành viên các Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ cần được bồi dưỡng thêm về kỹ năng, nghiệp vụ.
Thời gian gần đây, qua hoạt động giám sát, các ban Thanh tra nhân dân (TTND), ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ) đã phát hiện nhiều tiêu cực, góp phần chống thất thoát, lãng phí tại nhiều địa phương trên địa bàn TP Hà Nội. Từ đó, góp phần phát huy vai trò làm chủ của nhân dân. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả công tác giám sát, thành viên các Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ cần được bồi dưỡng thêm về kỹ năng, nghiệp vụ.
Phường Phạm Đình Hổ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) là địa bàn mới được thi công hạ ngầm nhiều công trình, đường dây trên các tuyến phố. Việc hạ ngầm giúp cho bộ mặt các tuyến phố phong quang, sạch đẹp hơn. Tuy nhiên, quá trình thi công cũng phát sinh những phức tạp. Sau khi thi công, các đơn vị hoàn trả mặt đường, vỉa hè với chất lượng kém. Vật liệu thi công không thu dọn, gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng cuộc sống người dân. Nắm bắt phản ánh của nhân dân, Ban TTND phường Phạm Đình Hổ đã vào cuộc, ghi nhận những thiếu sót trong quá trình thi công, ban đề nghị phường kiến nghị với UBND quận Hai Bà Trưng. UBND quận đã tiếp thu kiến nghị, yêu cầu đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm thực hiện đúng kế hoạch và hoàn trả vỉa hè theo quy định.
Đây chỉ là một trong rất nhiều vụ việc vi phạm đã được các ban TTND hoặc ban GSĐTCCĐ trên địa bàn thành phố phát hiện và được xử lý kịp thời. Theo đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ thành phố, sáu tháng đầu năm 2019, các ban TTND đã giám sát 3.886 cuộc, phát hiện 785 vụ việc vi phạm; kiến nghị với chính quyền các cấp, các cơ quan có thẩm quyền 750 vụ việc, trong đó 691 vụ việc được các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết. Ban GSĐTCCĐ cũng đã phát hiện 143 vụ vi phạm, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời 136 vụ.
Thời gian gần đây, có nhiều công trình hạ tầng ở cả khu vực đô thị lẫn nông thôn được đầu tư xây dựng. Bởi vậy, hoạt động của ban TTND, ban GSĐTCCĐ càng trở nên sôi động hơn. Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị xã Sơn Tây Hà Việt Phong cho biết: “Những năm gần đây, ban TTND tại các xã, phường thuộc thị xã Sơn Tây hoạt động rất tích cực, hiệu quả. Tại nhiều phường, xã, các sai phạm được phát hiện kịp thời. Tại xã Cổ Đông, sáu tháng đầu năm 2019, qua giám sát đã phát hiện một hộ dân xây nhà trái phép, các đoàn thể vào cuộc và vận động tháo dỡ thành công; một hộ dân lấn chiếm đất công, đã bị xử lý, trả lại 20 m2 đất. Ban TTND phường Phú Thịnh phát hiện một công trình xây dựng vi phạm, đã đề nghị chủ đầu tư khắc phục trả lại hiện trạng ban đầu… Do sớm phát hiện, kiến nghị xử lý, cho nên các vụ việc không để lại hậu quả nghiêm trọng, không gây lãng phí tiền, của của người dân”.
Huyện Thạch Thất đang khẩn trương xây dựng hạ tầng nông thôn mới, vai trò của nhân dân trong giám sát thông qua hoạt động của ban TTND và ban GSĐTCCĐ cũng hết sức quan trọng. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Thạch Thất Lê Vĩnh Thịnh cho biết, hoạt động giám sát của nhân dân đã góp phần phát hiện, ngăn chặn kịp thời sai phạm trong thi công, nạo vét rãnh thoát nước trên địa bàn xã Canh Nậu. Tại xã Thạch Xá, ban GSĐTCCĐ xã cũng đã phát hiện công trình xây dựng từ trung tâm xã nối đường 419 chậm tiến độ, công tác giải ngân vốn và giải phóng mặt bằng chưa kịp thời.
Hoạt động giám sát của nhân dân là sự thể hiện cụ thể của việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, của chủ trương “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” và đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, để giám sát hiệu quả chất lượng các công trình đòi hỏi các thành viên ban TTND và ban GSĐTCCĐ phải có kiến thức chuyên sâu về xây dựng. Đây là vấn đề mà hầu hết các ban TTND và ban GSĐTCCĐ còn gặp khó khăn. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Thắm cho rằng, hầu hết các thành viên ban TTND, ban GSĐTCCĐ không có kiến thức chuyên môn về các lĩnh vực liên quan hoạt động giám sát như: Kế toán, tài chính, địa chính, pháp luật… Do đó, khi giám sát chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và nhận thức chủ quan của cá nhân, cho nên hiệu quả chưa như mong muốn. Mặt khác, hoạt động này liên quan nhiều đến các lĩnh vực nhạy cảm như đầu tư xây dựng, quản lý kinh tế, tài chính, quản lý, sử dụng đất đai…; nếu không có sự tạo điều kiện phối hợp của các cơ quan liên quan thì khó thu được kết quả.
Để khắc phục những nhược điểm này, nhiều cán bộ Mặt trận đã tự tìm tòi, học hỏi thêm kinh nghiệm để phục vụ tốt hơn công việc giám sát của mình. Ông Kiều Văn Thạch, Trưởng ban TTND xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây nhận định: Giám sát công trình mất rất nhiều thời gian và tính chất công việc cũng khá phức tạp. Tuy nhiên, để công trình bảo đảm chất lượng, ông Thạch đã không quản ngại khó khăn, dành nhiều thời gian nghiên cứu hồ sơ, bản vẽ. Chỗ nào chưa rõ thì tìm kỹ sư hoặc người có kinh nghiệm để hỏi thêm. Nhờ đó, những dự án, những công trình trọng điểm trong xã được ông giám sát bài bản. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện như ông Thạch. Bởi vậy, nhiều cán bộ Mặt trận cho rằng, thành phố cần mở thêm các lớp bồi dưỡng kiến thức cho các ban TTND, ban GSĐTCCĐ để nâng cao chất lượng giám sát.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội Bùi Anh Tuấn cho biết: “Hiệu quả của giám sát đã góp phần tạo lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng và chính quyền địa phương. Trong thời gian tới, MTTQ thành phố tập trung rà soát và cụ thể hóa những nội dung trọng tâm giám sát, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Trong đó, tập trung giám sát việc thực hiện “Năm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”; chấp hành pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm; giám sát việc phòng, chống tham nhũng; giám sát các công trình, dự án đầu tư xây dựng phục vụ đời sống dân sinh tại cơ sở, các công trình có vốn do nhân dân đóng góp…”.