Phát huy vai trò của phụ nữ Tiền Giang tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội
Trong những năm qua, phong trào Phụ nữ Tiền Giang tiếp tục có sự chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển của tỉnh. Năm 2020 là năm kết thúc nhiệm kỳ đại hội đảng các cấp, cũng vào thời điểm diễn ra nhiều sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, trong đó có hai sự kiện quan trọng của phụ nữ, đó là kỷ niệm 110 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3-1910 - 8-3-2020), 1980 năm Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20-10-1930 - 20-10-2020). Đồng thời, đây cũng là năm Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh tập trung thi đua lao động sản xuất, công tác, học tập, với quyết tâm đạt và vượt các chỉ tiêu nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020, thiết thực lập thành tích chào mừng Đại hội Đại biểu lần thứ XI Đảng bộ tỉnh, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Đồng chí Nguyễn Văn Danh tặng hoa và quà cho các cán bộ nữ tiêu biểu qua các thời kỳ. Ảnh: PHI CÔNG
LUÔN THỂ HIỆN VAI TRÒ, BẢN LĨNH VÀ TRÍ TUỆ
Điều mà chúng ta luôn khẳng định trong suốt chiều dài lịch sử: Phụ nữ Việt Nam dù ở vị trí hay cương vị nào cũng luôn thể hiện vai trò, bản lĩnh và trí tuệ của mình, xứng đáng với mong muốn của Bác Hồ lúc sinh thời, đó là: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Từ Bà Trưng, Bà Triệu đến thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và trong thời kỳ hội nhập phát triển, có biết bao người mẹ, người chị hết lòng vì nước, vì dân, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng phụ nữ đã cống hiến sức lực và tuổi thanh xuân của mình, làm rạng rỡ thêm truyền thống anh hùng của dân tộc Việt Nam. Nhiều phụ nữ giữ vai trò quan trọng ở cấp quốc gia và có những đóng góp to lớn trong sự phát triển của đất nước.
Kỷ niệm 110 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, 1980 năm Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là một sự kiện chính trị quan trọng, nhưng cũng vào thời điểm này cả thế giới, trong đó có Việt Nam của chúng ta đã và đang nỗ lực phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đang lan nhanh trong cộng đồng. Với sự quan tâm, chia sẻ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà, các cấp Hội tuy không tổ chức các hoạt động kỷ niệm với quy mô lớn, nhưng chúng ta tin tưởng rằng, phong trào và hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ sẽ có nhiều khởi sắc, phát triển mạnh mẽ hơn, đóng góp xứng đáng hơn vào việc xây dựng tỉnh Tiền Giang ngày càng giàu đẹp, vững bước tiến lên trong đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, phụ nữ ngày càng có điều kiện phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trên các lĩnh vực, tích cực tham gia vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như giữ gìn truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Tự hào về phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Tiền Giang luôn có những đóng góp xứng đáng trong đấu tranh giành độc lập, tự do cho nước nhà, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; từng bước tỏ rõ năng lực của mình, tích cực tham gia các lĩnh vực của đời sống xã hội; phát huy vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ và sự nghiệp bình đẳng giới; hăng hái thi đua lao động sản xuất, công tác và học tập, góp phần tích cực, có hiệu quả vào việc ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi thì phụ nữ hiện nay cũng đang gặp không ít khó khăn và thử thách. Mặc dù trong những năm qua nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho người dân, trong đó có phụ nữ và trẻ em thông qua nhiều chương trình, chính sách và mô hình can thiệp, bảo vệ, đặc biệt là chính sách về bình đẳng giới, tuy nhiên vẫn chưa đủ, chưa hiệu quả so với các vụ việc và nguy cơ mất an toàn của phụ nữ và trẻ em đã và đang xảy ra. Theo đó, tình trạng phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình và trẻ em bị xâm hại được phát hiện ngày càng nhiều, trong đó số vụ bị xâm hại tình dục chiếm tỷ lệ cao, mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng, đối tượng và nạn nhân ngày càng trẻ hóa độ tuổi, sức khỏe sinh sản vị thành niên và mang thai ở tuổi vị thành niên, bạo lực học đường, buôn bán phụ nữ và trẻ em... đang là những vấn đề nhức nhối, bức xúc, cần phải được kịp thời khắc phục.
Trước thực trạng trên, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trên địa bàn tỉnh đã có sự chủ động, tham mưu và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ưu tiên hướng về cơ sở, đa dạng hóa các hình thức phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng, lợi ích của hội viên, phụ nữ. Nổi bật, các cấp Hội đã kịp thời can thiệp, phối hợp cùng các ngành có liên quan giải quyết nhiều vụ việc xâm hại đến phụ nữ và trẻ em; giúp đỡ cho hàng chục ngàn lượt phụ nữ nghèo kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ vốn vay và giải quyết việc làm. Từ đó, nhiều phụ nữ đã vươn lên làm kinh tế giỏi, bảo vệ và xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, khẳng định được vai trò, vị trí của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội; tổ chức Hội được kiện toàn, chất lượng được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu công tác và tập hợp phụ nữ trong tình hình mới.
Phụ nữ ngày càng nâng cao vai trò, vị thế trong xã hội.
TẬP TRUNG THỰC HIỆN 7 NHIỆM VỤ
Đất nước ta đang đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng đan xen nhiều thách thức, đòi hỏi phải có sự chung tay góp sức, cộng đồng trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò nòng cốt của tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Thứ nhất, các cấp ủy, chính quyền, tổ chức Hội phải tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt Chỉ thị 21 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới; Luật Bình đẳng giới; Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị khóa X về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức từ cấp ủy, chính quyền cho đến mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ và người dân thật sự thông suốt các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để không những tạo ra sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức, tăng cường trách nhiệm, mà còn phải có kế hoạch và hành động cụ thể, phù hợp hơn tại từng địa phương, đơn vị.
Thứ hai, thực hiện tốt công tác giáo dục tư tưởng, nâng cao nhận thức chính trị, đạo đức cách mạng, mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng. Phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần độc lập tự chủ, ý thức tự lực tự cường, nâng cao ý thức cảnh giác chống hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Đồng thời hướng dẫn, vận động phụ nữ rèn luyện 4 phẩm chất đạo đức “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu -Đảm đang” gắn với đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển, xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”; xây dựng hình ảnh người phụ nữ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân ái. Đẩy mạnh việc triển khai và thực hiện chủ đề công tác năm của Hội là “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”; các chương trình, đề án có liên quan đến phụ nữ và công tác phụ nữ. Trong đó, tập trung thực hiện 2 đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 30-6-2017, đó là Đề án “Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội giai đoạn 2017 - 2027” và Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”.
Thứ tư, tiếp tục các hoạt động giúp phụ nữ thoát nghèo thông qua triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ việc làm. Định kỳ rà soát, theo dõi phụ nữ nghèo, hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ để có kế hoạch và giải pháp hỗ trợ cho từng trường hợp cụ thể. Nâng cao chất lượng, khả năng quản lý, các hoạt động phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình; phối hợp thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Đồng thời, thực hiện các giải pháp giúp hộ gia đình duy trì thực hiện các tiêu chí “Gia đình 5 không, 3 sạch” (không đói nghèo; không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; không bạo lực gia đình; không sinh con thứ 3; không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học. Sạch nhà; sạch bếp; sạch ngõ), trong đó chú trọng cung cấp kiến thức, kỹ năng về xây dựng gia đình hạnh phúc; phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực giới; cách thức lên tiếng trước các hành vi bạo lực và sẵn sàng lên tiếng trước các hành vi bạo lực; kỹ năng sống, phòng, chống xâm hại trẻ em; an toàn giao thông; phòng, chống đuối nước... Tổ chức hoặc phối hợp tổ chức sự kiện truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của phụ nữ, cộng đồng và các cơ quan về các vấn đề ảnh hưởng đến sự an toàn của phụ nữ và trẻ em; vai trò của phụ nữ trong đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em.
Thứ năm, tăng cường mối quan hệ giữa tổ chức Hội với hội viên, phụ nữ để thu hút các tầng lớp phụ nữ tham gia tổ chức Hội, duy trì và phát triển đội ngũ hội viên nòng cốt. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tập trung vào các vấn đề tác động lớn đến đời sống của phụ nữ; tham mưu đề xuất các chính sách, chương trình, đề án liên quan đến phụ nữ, góp phần xây dựng nông thôn mới. Thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ nữ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu mới; giới thiệu cho Đảng, Nhà nước đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng cán bộ nữ tham gia cấp ủy, lãnh đạo chính quyền các cấp.
Thứ sáu, các cấp Hội chú trọng phát hiện, biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các tập thể, điển hình phụ nữ tiên tiến trên các lĩnh vực. Tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả từng nội dung hoạt động để kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể cùng cấp tổ chức thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả.
Thứ bảy, các hoạt động thi đua thiết thực lập thành tích chào mừng đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Đại hội Thi đua yêu nước cấp tỉnh lần thứ VI - năm 2020; kỷ niệm 110 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ, 1980 năm Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cần được tổ chức trang trọng và ý nghĩa, thu hút sự quan tâm, ủng hộ của các tầng lớp phụ nữ và người dân. Ngoài sự chủ động của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp, cần có sự hỗ trợ, phối hợp tốt của các ngành, đoàn thể và đặc biệt là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, trong đó có vấn đề về kinh phí.
* NGUYỄN VĂN DANH
(Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh)