Phát huy vai trò của phụ nữ trong việc vun đắp các giá trị tốt đẹp trong gia đình

Văn hóa Việt Nam được lưu truyền và giữ vững từ thế hệ này đến thế hệ khác bằng truyền thống gia đình. Tình cảm gia đình là điều thiêng liêng cao quý nhất đối với mỗi con người bởi gia đình là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người; là nơi bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: 'Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình'.

 Hội LHPN tỉnh phối hợp với Sở VHTT&DL tổ chức Liên hoan hát ru hát dân ca tỉnh Quảng Trị lần thứ IV năm 2017 - Ảnh: T.N

Hội LHPN tỉnh phối hợp với Sở VHTT&DL tổ chức Liên hoan hát ru hát dân ca tỉnh Quảng Trị lần thứ IV năm 2017 - Ảnh: T.N

Đối với Quảng Trị, trong nhiều năm qua, cùng với nhiệm vụ tập trung phát triển kinh tế, chăm lo các vấn đề xã hội, công tác gia đình đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều Chỉ thị, Kế hoạch về công tác gia đình để triển khai thực hiện nhằm đưa công tác quản lý nhà nước về gia đình ở Quảng Trị ngày càng đi vào chiều sâu. Chính nhờ vậy, công tác gia đình trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam được giữ gìn và phát huy, tỉ lệ hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa ngày càng tăng lên theo hướng bền vững.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 159.192/170.886 gia đình được công nhận gia đình văn hóa (đạt tỉ lệ 93,1%). Những gia đình văn hóa sống yên vui, hạnh phúc, gương mẫu đi đầu trong hưởng ứng các phong trào của địa phương phát động, là tấm gương sáng trong lao động sản xuất, kinh doanh, xây dựng gia đình hạnh phúc, no ấm, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Có được những kết quả trên, chính là nhờ sự phối hợp tích cực, chặt chẽ, có hiệu quả giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan về thực hiện công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, đặc biệt là Hội LHPN tỉnh.

Xác định tầm quan trọng của công tác gia đình trong tình hình mới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức nhiều hoạt động với các hình thức phù hợp nhằm đưa công tác gia đình đi vào chiều sâu, qua đó đã phát huy vai trò, vị trí của người phụ nữ trong giai đoạn mới. Đặc biệt, đã triển khai các chương trình, kế hoạch phối hợp tập trung vào việc đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua như “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”…; Tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; phối hợp triển khai thực hiện các dự án và chiến lược về gia đình của Chính phủ như: Dự án “Hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững”; “Phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững”; “Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045”…

Trên cơ sở các văn bản của Trung ương và nội dung của chương trình phối hợp, nhiều hoạt động ý nghĩa đã được tổ chức như: Hội thi: “Nét đẹp phụ nữ Quảng Trị”; “Phụ nữ Quảng Trị chung sức xây dựng NTM”; Giải bóng chuyền nữ trên địa bàn toàn tỉnh, Liên hoan hát ru, hát dân ca và nhiều chương trình hội thảo, diễn đàn chủ đề về vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội đã thu hút đông đảo chị em phụ nữ tham gia và sự quan tâm, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân. Thông qua các hoạt động, vị thế và vai trò của phụ nữ trong trong gia đình và ngoài xã hội được khẳng định và ghi nhận.

 Mái ấm gia đình -Ảnh: D.T

Mái ấm gia đình -Ảnh: D.T

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện công tác gia đình ở cả nước nói chung, tỉnh Quảng Trị nói riêng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, mặt trái của cơ chế thị trường và sự giao thoa văn hóa toàn cầu đã tác động mạnh mẽ đến lối sống, tâm tư, tình cảm của người Việt Nam; quan niệm về hôn nhân và gia đình cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam đang bị ảnh hưởng bởi lối sống thực dụng, ích kỷ trong một bộ phận giới trẻ. Các tệ nạn xã hội và tình trạng bạo hành trong gia đình, trẻ em bị xâm hại, trẻ em vi phạm pháp luật đang có chiều hướng phát triển, nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em vẫn còn diễn ra.

Để giữ gìn các giá trị tốt đẹp trong gia đình và phát huy vai trò của phụ nữ trong việc vun đắp các giá trị truyền thống trong gia đình Việt Nam, trong thời gian tới cần tập trung một số giải pháp sau:

Một là, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, tiếp tục xây dựng kế hoạch ký kết các chương trình phối hợp giữa hai bên trong thực hiện công tác gia đình các giai đoạn tiếp theo.

Hai là, tăng cường phối hợp với các sở, ngành trong việc lồng ghép tổ chức các hoạt động như hội thi, hội diễn, diễn đàn, các buổi giao lưu về chủ đề giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình; phối hợp tổ chức tốt “Ngày Gia đình Việt Nam”(28/6), Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình từ tỉnh đến cơ sở. Tiếp tục nhân rộng, tổ chức hoạt động có hiệu quả các phong trào, mô hình như phong trào “Gia đình 5 không, 3 sạch”, mô hình CLB phòng, chống bạo lực gia đình…Tạo môi trường thuận lợi để phụ nữ phát huy được vai trò của mình, đó là môi trường gia đình và xã hội. Cần xóa bỏ tư tưởng trọng nam khinh nữ trong gia đình, tích cực giúp đỡ phụ nữ hoàn thành tốt công việc gia đình và xã hội; xóa bỏ thái độ coi thường, phân biệt đối xử giữa nam và nữ.

Ba là, tăng cường đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động đến từng người dân, từng hộ gia đình, đặc biệt là tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Pháp lệnh Dân số, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới. Tích cực tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền quan tâm hơn nữa công tác gia đình, đặc biệt là tình trạng bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ và trẻ em.

Bốn là, tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động tập huấn cho đội ngũ cán bộ văn hóa và cán bộ hội, nhất là tuyến cơ sở trong việc tổ chức các hoạt động, thu thập xử lý thông tin về gia đình và phòng chống bạo lực gia đình, kỹ năng trong xây dựng và điều hành sinh hoạt câu lạc bộ/tổ/ nhóm, hoạt động của các tổ hòa giải.Phối hợp điều tra, khảo sát về các giá trị tốt đẹp của gia đình để có kế hoạch gìn giữ, phát huy và xây dựng các tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền ở cơ sở.

Năm là, phối hợp với Hội LHPN tỉnh trợ giúp phụ nữ trong gia đình phát triển kinh tế, tư vấn pháp luật để phụ nữ hiểu được vai trò, quyền lợi và trách nhiệm của mình.

Sáu là, thực hiện việc lồng ghép phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới trong chương trình kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các cấp, các ngành. Thực hiện tốt các chương trình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, ổn định đời sống gia đình, từ đó góp phần hạn chế bạo lực gia đình do nguyên nhân từ khó khăn về kinh tế; xử lý nghiêm đối với người có hành vi bạo lực gia đình.

Trong những năm tới, tin tưởng rằng với sự quan tâm đúng mức của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan, đoàn thể, đặc biệt là Hội Phụ nữ về thực hiện công tác gia đình và sự chăm lo giáo dục, sẻ chia của mỗi người, mỗi thành viên và cộng đồng, vị thế và vai trò của người phụ nữ sẽ luôn được khẳng định, xứng đáng với phẩm chất cao quý: “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”.

Nguyễn Huy Hùng

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=162588&title=phat-huy-vai-tro-cua-phu-nu-trong-viec-vun-dap-cac-gia-tri-tot-dep-trong-gia-dinh