Phát huy vai trò của phụ nữ trong xã hội
Thời gian qua, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) trong toàn tỉnh đã có nhiều đổi mới về nội dung cũng như phương thức hoạt động đáp ứng yêu cầu, tâm tư, nguyện vọng của hội viên phụ nữ, huy động được đội ngũ cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ tích cực tham gia. Qua đó phát huy vai trò của phụ nữ trong tham gia các hoạt động xã hội.
Theo Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng, trong năm 2024, toàn tỉnh đã phát triển mới 2.001 hội viên tại địa bàn khu dân cư, nâng tổng số hội viên trong toàn tỉnh lên hơn 170.700 người; tỷ lệ tham gia sinh hoạt Hội đạt 80%. Các cấp Hội đã vận dụng đa dạng hóa các hình thức thu hút, tập hợp các tầng lớp phụ nữ tham gia tổ chức Hội như: Duy trì, nhân rộng, xây dựng mới các mô hình hoạt động trên các lĩnh vực; linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức các buổi sinh hoạt hội viên. Bên cạnh đó, các cấp Hội tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động tập hợp phụ nữ, phát triển hội viên; tiếp tục duy trì mô hình “1+1”, “3 có, 3 biết” và các mô hình thu hút hội viên đặc thù như: Mô hình 1 hội viên vận động 1 phụ nữ tham gia tổ chức Hội; câu lạc bộ liên thế hệ giúp nhau; phụ nữ cao tuổi tích cực tham gia phong trào Hội; nữ thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS) tham gia công tác Hội; phụ nữ DTTS vì một cộng đồng không có bạo lực; phụ nữ tạm trú không vi phạm pháp luật...
Các cấp Hội bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương tổ chức các hoạt động thực hiện phong trào thi đua gắn với chủ đề năm “Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội” và hai khâu đột phá “Đổi mới phương thức hoạt động Hội, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin”, “Tập trung xây dựng cơ sở Hội vững mạnh”. Ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh tổ chức Lễ phát động Phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Lâm Đồng thời đại mới” nhiệm kỳ 2022-2027 với chủ đề năm 2024 “Phụ nữ Lâm Đồng trách nhiệm, nêu gương, giảm nghèo bền vững” với các tiêu chí: “Có đạo đức”, “Có sức khỏe”, “Có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước”. Phong trào thi đua đã phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo trong tổ chức thực hiện và thu hút được sự tham gia của đông đảo cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ trong toàn tỉnh. Các hoạt động của phong trào mang lại hiệu quả thiết thực, khơi dậy niềm tự hào truyền thống tốt đẹp, phát huy mạnh mẽ tinh thần nỗ lực vươn lên khát vọng cống hiến tài năng, trí tuệ và công sức của người phụ nữ, từng bước xây dựng hình ảnh và phẩm chất người phụ nữ Lâm Đồng đáp ứng yêu cầu thời đại mới.
Triển khai Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và “Gia đình 5 có, 3 sạch” trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, 142/142 Hội Phụ nữ xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đăng ký với cấp ủy địa phương thực hiện các công trình, phần việc tham gia xây dựng nông thôn mới như: Xây dựng tuyến đường hoa, tuyến đường không rác, đoạn đường tự quản; vận động phụ nữ tham gia Bảo hiểm y tế; phân loại xử lý rác thải tại nguồn; tổ chức các hoạt động “Thứ Bảy xanh”, “Chủ nhật xanh”... Qua đó, hỗ trợ giúp thêm 1.170 hộ gia đình đạt “5 không, 3 sạch” và 285 hộ gia đình đạt tiêu chí “5 có, 3 sạch” tại 41 xã nông thôn mới nâng cao và 16 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Hội LHPN các huyện, thành phố tổ chức nhiều hoạt động hiệu quả và tiếp tục xây dựng 22 mô hình mới như: “Gia đình 5 có, 3 sạch” (huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Đạ Huoai, Đơn Dương, Di Linh), 18 chi hội kiểu mẫu (huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh), mô hình “Dịch vụ gia đình, tạo việc làm cho hội viên phụ nữ” (huyện Đức Trọng), “Phụ nữ sống xanh” (huyện Lâm Hà, Di Linh), công trình “Góc xanh của Hội - Mỗi phụ nữ 1 cây xanh” (TP Bảo Lộc), “Phòng, chống rác thải nhựa” (TP Đà Lạt)...
Hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, có tác động trực tiếp đến đời sống của hội viên, phụ nữ được các cấp Hội tập trung chỉ đạo có hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hội viên phụ nữ. Các cấp Hội triển khai phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình thông qua các hoạt động giúp nhau về tiền, ngày công, cây giống, con giống, hỗ trợ phương tiện sinh kế cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Vận động thành lập mới 1 hợp tác xã, nâng tổng số lên 12 hợp tác xã do phụ nữ làm chủ trong toàn tỉnh được Hội hỗ trợ thành lập với 177 thành viên; thành lập mới và duy trì 59 tổ hợp tác với 796 thành viên; xây dựng 111 mô hình phát triển kinh tế gia đình hiệu quả như: Mô hình Trồng nấm mèo, nuôi bò sữa, nuôi bò sinh sản, nuôi gà đẻ trứng, trồng rau sạch, trồng atiso, trồng bơ, sầu riêng...; phối hợp đào tạo, giới thiệu việc làm cho 2.243 lao động nữ… Qua đó, giúp 1.779 hộ gia đình hội viên phụ nữ nghèo, cận nghèo thoát nghèo.
Năm 2024, các cấp Hội hỗ trợ xây dựng mới 20 mái ấm tình thương, sửa chữa 5 mái ấm tình thương với tổng số tiền gần 1,5 tỷ đồng từ nguồn tài trợ của các doanh nghiệp, nhà tài trợ, qua đó đã giúp cho hội viên phụ nữ nghèo có cuộc sống ổn định, an toàn. Hoạt động hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ được các cấp Hội chú trọng. Trong đó, hoạt động ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội được đẩy mạnh; đến nay, tổng dư nợ đạt trên 2.200 tỷ đồng cho 37.238 hộ vay/872 tổ; số dư tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng trên 147 tỷ đồng với trên 36.894 hộ tham gia tiết kiệm. Đồng thời tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Lâm Đồng và Chi nhánh Lâm Đồng II với dư nợ gần 600 tỷ đồng cho trên 3.222 hộ vay.
Với sự nỗ lực, sáng tạo, đổi mới và ý chí tự lực phấn đấu vươn lên của chị em phụ nữ trong tỉnh, công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường được các cấp Hội vận dụng linh hoạt, sáng tạo đã góp phần cùng toàn tỉnh thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được nâng cao. Phụ nữ ngày càng thể hiện ý thức trách nhiệm công dân: Tự tin, chủ động tham gia các hoạt động xã hội, lan tỏa tinh thần nhân ái trong các hoạt động thiện nguyện...