Phát huy vai trò của thanh niên trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay

Trước yêu cầu mới của sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, đòi hỏi cần phát huy hơn nữa vai trò, sứ mệnh của thanh niên trên các mặt trận xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là một nhiệm vụ quan trọng có ý nghĩa chiến lược đòi hỏi các cấp, các ngành cần quan tâm giáo dục, bồi dưỡng để thế hệ trẻ tiếp tục được phát huy vai trò, trách nhiệm của mình đóng góp cho sự nghiệp lớn lao của đất nước hiện nay.

Cán bộ BĐBP Hà Giang tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Hữu Lanh

Cán bộ BĐBP Hà Giang tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Hữu Lanh

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, 92 năm qua các thế hệ thanh niên Việt Nam đã trưởng thành và phát triển không ngừng. Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thanh niên cả nước đã phát huy truyền thống cha anh kế tiếp nhau lên đường trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, lập nên những chiến công oanh liệt, làm rạng rỡ non sông, đất nước.

Trong sự nghiệp đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay Đảng ta xác định: "Xây dựng lớp thanh niên giàu lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, có bản lĩnh chính trị, ý thức chấp hành pháp luật, có đạo đức cách mạng và lối sống đẹp, có ước mơ, hoài bão, khát vọng đưa đất nước vươn lên, có tri thức, sức khỏe, kỹ năng xã hội, năng lực chuyên môn, làm chủ khoa học công nghệ hiện đại, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới".

Thực tiễn đã khẳng định, thanh niên ngày nay đang giữ vị trí quan trọng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Họ luôn là lực lượng tiên phong trên các mặt trận khó khăn, phức tạp và có những đóng góp to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Tuy nhiên, sự biến đổi về cơ cấu xã hội, địa vị kinh tế, ý thức, tư tưởng, tâm lý, lối sống và những tác động từ mặt trái của xã hội làm cho một bộ phận thanh niên dễ bị sa ngã, dao động, mất phương hướng, vướng vào những tệ nạn xã hội, ảnh hưởng đến truyền thống của thanh niên.

Do vậy, tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức cách mạng, bồi đắp lý tưởng, ước mơ, hoài bão cho thanh niên hiện nay là việc làm cần thiết và có ý nghĩa chiến lược lâu dài, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và các tổ chức trong hệ thống chính trị. Để phát huy vai trò của thanh niên trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, các chủ thể cần quan tâm một số biện pháp sau đây.

Trước hết, Tăng cường công tác giáo dục chính trị, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, phẩm chất đạo đức, lối sống cho thanh niên.

Đây là biện pháp quan trọng hàng đầu nhằm xây dựng cho thanh niên có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, để họ vượt qua mọi khó khăn, thử thách vươn lên, xứng đáng là lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng của thế hệ đi trước. Luôn có bản lĩnh vững vàng, kiên quyết đấu tranh để bảo vệ lẽ phải, không bị sa ngã bởi cám dỗ lợi ích vật chất tầm thường, xứng đáng với vị trí, vai trò lịch sử của mình là "người chủ tương lai của đất nước, là lực lượng quan trọng, góp phần to lớn vào sự thành công của sự nghiệp đổi mới đất nước".

Muốn vậy, thanh niên phải có lý tưởng cách mạng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có nghị lực để phấn đấu vươn lên trước thử thách mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phải thường xuyên “rèn đức, luyện tài”, tiến công vào lĩnh vực khoa học, công nghệ, tiếp cận tri thức mới của thời đại, xung kích trên mặt trận quốc phòng, an ninh; không ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần.

Hai là, Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, mặt trận Tổ quốc các cấp cần hướng cho thanh niên tham gia các phong trào thi đua yêu nước, tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;

Thông qua các hoạt động xã hội, các phong trào thi đua giúp thanh niên có tinh thần thi đua học tập, nghiên cứu khoa học; "thi đua lập thân, lập nghiệp, lao động sáng tạo, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội", với phương châm tổ chức phong trào thanh niên từ cơ sở, lôi cuốn đông đảo thanh niên tham gia, nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào thi đua "giành ba đỉnh cao quyết thắng", ''xung kích, sáng tạo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", tham gia các hoạt động xã hội như "Hiến máu tình nguyện"; phong trào "chung sức xây dựng nông thôn mới", với tinh thần tình nguyện, dấn thân, khát khao công hiến, không ngại khó khăn, gian khổ đến với các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, đảm nhận thực hiện những việc mới, việc khó.

Thông qua đó, thanh niên có điều kiện phát huy trí tuệ, tài năng của tuổi trẻ, tỏa sáng ngay trong các hoạt động cách mạng mà họ trực tiếp tham gia, từ đó thanh niên sẽ trưởng thành về mọi mặt. Cũng cần thấy rằng, trong quá trình tham gia các hoạt động thanh niên sẽ bộc lộ những hạn chế, sai lầm, khuyết điểm do đặc điểm tâm lý tuổi trẻ, chưa qua rèn luyện thử thách lại chịu tác động mặt trái của xã hội, do vậy trong giáo dục thanh niên cần thống nhất phương châm kết hợp giữa “xây” và “chống”, trong đó lấy “xây” là chính, giúp thanh niên có điều kiện tích lũy kinh nghiệm, rèn luyện và trưởng thành.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phú Hữu (BĐBP An Giang) tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới. Ảnh: Chiến Khu

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phú Hữu (BĐBP An Giang) tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới. Ảnh: Chiến Khu

Ba là, Kết hợp chặt chẽ giữa phát huy vai trò của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với quan tâm đến lợi ích chính đáng của thanh niên. Trước mắt giáo dục, định hướng cho thanh niên thấy được vị trí, vai trò lớn lao của mình đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, giúp cho họ có tình cảm, niềm tin vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi Tổ quốc và nhân dân giao phó với tinh thần “đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”.

Cần tiếp tục đề ra những cơ chế, chính sách phù hợp, quan tâm đến sự phát triển, trưởng thành, nhu cầu chính đáng, thiết thực của thanh niên như: Phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo trong xu thế hội nhập, đào tạo một thế hệ thanh niên vừa hồng, vừa chuyên, phát triển toàn diện cả đạo đức, tài năng, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, quan tâm đến sắp xếp việc làm cho thanh niên, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, động viên, khuyến khích thanh niên tự giác học tập, rèn luyện, tham gia tích cực vào các hoạt động xây dựng môi trường văn hóa, lành mạnh; chống tệ nạn xã hội; hưởng ứng các hoạt động tình nghĩa, xã hội, từ thiện để qua đó thanh niên có điều kiện rèn luyện và trưởng thành.

Giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, xây dựng chuẩn mực sống và làm việc theo pháp luật, có văn hóa, trước hết là văn hóa trong giao tiếp, trong học tập, trong lao động, trong sản xuất cho thanh niên; khuyến khích thanh niên đi sâu vào lĩnh vực nghiên cứu, tìm tòi phát hiện nhiều ý tưởng mới có tính sáng tạo và tính thực tiễn cao. Trong lãnh đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ, các cấp cần chú ý đến đặc điểm tư tưởng, tâm lý và nhu cầu của tuổi trẻ như học tập, vui chơi, thể thao, văn hóa, văn nghệ, tình cảm gia đình, quan hệ tình bạn, tình yêu và các nhu cầu chính đáng khác về vật chất, tinh thần của thanh niên. Giúp cho thanh niên biết xử lý hài hòa giữa lợi ích giữa cá nhân, gia đình, tập thể và xã hội.

Bốn là, tạo lập môi trường xã hội lành mạnh để thanh niên học tập, rèn luyện, cống hiến và trưởng thành.

Đây là biện pháp rất quan trọng trong tình hình hiện nay. Bởi lẽ, người thanh niên sinh ra, lớn lên và trưởng thành đều được sống trong những môi trường nhất định, đó là gia đình, nhà trường và xã hội. Tất cả các môi trường đó đều có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển nhân cách của thanh niên. Một môi trường lành mạnh sẽ góp phần giúp thanh niên khắc phục khó khăn, thử thách trong cuộc sống, hạn chế, ảnh hưởng mặt trái của xã hội và sự lôi kéo của các thế lực thù địch. Mặt khác, được sống và hoạt động ở môi trường đó thì sức mạnh của thanh niên sẽ được phát huy, họ sẽ được tôi luyện và trưởng thành cả về nhận thức, phẩm chất và năng lực nghề nghiệp. Môi trường xã hội bao gồm cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp, từ tổng thể xã hội đến gia đình, cơ quan, đơn vị đều phải xây dựng lành mạnh, tiến bộ, dân chủ, văn minh; đặc biệt là phải xây dựng các tổ chức Đoàn vững mạnh, đủ sức tập hợp, đoàn kết, giáo dục, rèn luyện thanh niên.

Đa dạng hóa các hình thức tập hợp thanh niên và tăng cường các hoạt động xã hội; đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động cho phù hợp với nhiệm vụ của từng địa phương, đơn vị, với từng đối tượng thanh niên. cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội để quản lý, giáo dục và rèn luyện thanh niên, hướng cho thanh niên có những hoài bão lớn, xây dựng niềm tin và khát vọng chiếm lĩnh những đỉnh cao trên mọi lĩnh vực, tiến công vào khoa học, kỹ thuật trên con đường hội nhập quốc tế, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay.

Thượng tá Hoàng Thành Hậu, Học viện Chính trị

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phat-huy-vai-tro-cua-thanh-nien-trong-su-nghiep-doi-moi-hoi-nhap-xay-dung-va-bao-ve-to-quoc-hien-nay-post459904.html