Phát huy vai trò của tổ chức đoàn trong công tác hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp ở huyện Thạch Thành
Huyện đoàn Thạch Thành hiện có 45 cơ sở đoàn, với hơn 36.346 đoàn viên, thanh niên (ĐVTN). Với phương châm trao 'cần câu', những năm qua các cấp bộ đoàn trong huyện đã có nhiều giải pháp giúp ĐVTN có điều kiện phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Xưởng cơ khí của Hoàng Anh Sơn, bí thư chi đoàn thôn Hợp Thành, xã Thành Hưng tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Đến thăm xưởng cơ khí của ĐVTN Hoàng Anh Sơn, bí thư chi đoàn thôn Hợp Thành, xã Thành Hưng trong lúc mọi người đang tất bật gò hàn cánh cửa cổng, cầu thang... cho khách hàng. Qua câu chuyện, chúng tôi được biết: Sau khi tốt nghiệp THPT, Sơn thi đậu vào Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh. Trong thời gian học tập tại trường, Sơn xin phụ việc ở một cửa hàng cơ khí. Khi được tiếp xúc với nghề này, Sơn nhận thấy đây là nghề phù hợp có thể phát triển tại quê hương mình. Sau một năm vừa học, vừa làm, Sơn quyết định bảo lưu kết quả học đại học để tập trung học nghề cơ khí. Trở về quê, Sơn viết đơn xin đăng ký tham gia nghĩa vụ quân sự và đã trúng tuyển. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Sơn vào học lớp cơ khí tại tỉnh Ninh Bình. Sau thời gian trang bị đủ kiến thức về nghề cơ khí, Sơn về quê đầu tư mở xưởng cơ khí tại gia đình. Bước đầu lập nghiệp đầy những khó khăn, như vốn, đơn hàng ít khiến nhiều lần Sơn định bỏ nghề để làm công việc khác. Nhưng được sự hỗ trợ của gia đình, của tổ chức đoàn và sự cần cù, chịu khó, sáng tạo, dần dần sản phẩm do Sơn làm ra chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá thành hợp lý nên người dân tin tưởng, công việc từng bước thuận lợi, xưởng ngày càng nhận được nhiều đơn hàng. Đến nay, xưởng cơ khí của Sơn đã tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động với mức lương ổn định từ 4-6 triệu đồng/tháng. Từ thành công bước đầu, trong thời gian tới Sơn dự định tiếp tục mở rộng quy mô, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển sản xuất với quy mô lớn hơn.
Đồng chí Lưu Thị Dung, Bí thư Huyện đoàn Thạch Thành, cho biết: Xác định công tác hỗ trợ ĐVTN lập thân, lập nghiệp, giải quyết việc làm là nhiệm vụ trọng tâm của công tác đoàn, thời gian qua huyện đoàn đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm đồng hành và hỗ trợ ĐVTN lập thân, lập nghiệp; trong đó, chú trọng, quan tâm ĐVTN người dân tộc thiểu số, ĐVTN ở những xã đặc biệt khó khăn. Hằng năm, Huyện đoàn chỉ đạo các cơ sở đoàn chủ động khảo sát, nắm bắt nhu cầu học tập, nghề nghiệp và việc làm của thanh niên; tổ chức cho ĐVTN đi tham quan, học tập các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả ở trong và ngoài huyện. Ngoài ra, Ban Thường vụ Huyện đoàn thường xuyên tổ chức diễn đàn “Thanh niên khởi nghiệp” thu hút đông đảo ĐVTN; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ ĐVTN về vốn phát triển kinh tế. Đến nay, tổng dư nợ đạt 58 tỷ 588 triệu đồng, cho 1.621 hộ tham gia vay vốn phát triển kinh tế. Ngoài ra, phối hợp với các ban, ngành liên quan mở hàng chục lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho hàng nghìn lượt ĐVTN; phát động ĐVTN thi đua học tập, đi đầu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ trong việc phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Có vốn, có kiến thức sản xuất, kinh doanh, nhiều ĐVTN đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu, cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế đồi rừng, mở rộng sản xuất. Đến nay, trên địa bàn huyện có 28 câu lạc bộ, đội nhóm thanh niên phát triển kinh tế, với 280 thành viên; 157 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ hộ, nhiều mô hình cho thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng/năm; trong đó chủ yếu trên lĩnh vực xây dựng, cơ khí, nông nghiệp, chăn nuôi, trồng rừng, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động...