Phát huy vai trò của Tổ công nghệ số cộng đồng

Tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn, xóm, phố đang đóng vai trò quan trọng trong việc phổ cập công nghệ, kỹ năng số tới từng người dân, góp phần xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng thôn Lạc Hiền, xã Yên Hòa (Yên Mô) tuyên truyền, hỗ trợ Nhân dân thực hiện cài đặt, sử dụng các ứng dụng số.

Thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng thôn Lạc Hiền, xã Yên Hòa (Yên Mô) tuyên truyền, hỗ trợ Nhân dân thực hiện cài đặt, sử dụng các ứng dụng số.

Tại Ninh Bình, Tổ công nghệ số cộng đồng là lực lượng góp phần huy động sức mạnh toàn dân, ở gần dân, sát dân, là "cánh tay nối dài" của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số từ tỉnh, huyện đến xã, phường, thị trấn, tổ dân phố, thôn, xóm.

Các tổ công nghệ số cộng đồng có từ 5-7 người, với nòng cốt là lực lượng đoàn viên thanh niên thực hiện hoạt động thông tin, tuyên truyền sâu rộng những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số đến các hộ gia đình, người dân.

Chị Nguyễn Thị Kiều Oanh, thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng phố Thượng Kiệm, thị trấn Phát Diệm (Kim Sơn) cho biết: Nhiệm vụ của chúng tôi là trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công; tham gia thực hiện chuyển đổi số trong từng lĩnh vực của đời sống. Các thành viên trong tổ hoạt động, trao đổi thông tin thông qua nhóm chung bằng ứng dụng Zalo. Hiện phố có trên 1.000 nhân khẩu, trong đó có khoảng 91% người dân sử dụng thiết bị thông minh.

Để phát huy hiệu quả trong công việc, các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng được bồi dưỡng, tập huấn, cung cấp thông tin và các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến chuyển đổi số; hướng dẫn cài đặt, sử dụng nền tảng, công nghệ số, kỹ thuật số; hướng dẫn cách tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng công nghệ số...

Từ đó lan tỏa, đưa công nghệ số hiện diện nhiều hơn trong các hoạt động và đời sống xã hội, giúp người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, tiếp cận với các nền tảng số trong kinh doanh, mang lại nhiều lợi ích thiết thực.

Đồng chí Nguyễn Văn Liêm, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hòa (Yên Khánh) cho biết: Xã Khánh Hòa đã thành lập 10 Tổ công nghệ số cộng đồng tại các xóm. Xã đã phối hợp, mời các cán bộ chuyên môn của Sở Thông tin và Truyền thông về tập huấn cho các thành viên trong Ban chỉ đạo chuyển đổi số xã, đội ngũ cán bộ, công chức xã, các thành viên trong Tổ công nghệ số cộng đồng xóm.

Sau khi tập huấn, các học viên đã tiếp cận được công nghệ trong thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng tiếp tục triển khai những kiến thức đã được tập huấn tới từng hộ dân, hướng dẫn nhân dân tiếp cận, nắm bắt được công tác chuyển đổi số.

Tổ công nghệ số cộng đồng phố Thượng Kiệm, thị trấn Phát Diệm (Kim Sơn) hướng dẫn người dân cài đặt các ứng dụng số.

Tổ công nghệ số cộng đồng phố Thượng Kiệm, thị trấn Phát Diệm (Kim Sơn) hướng dẫn người dân cài đặt các ứng dụng số.

Thúc đẩy chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06, tỉnh đã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tiến hành kiện toàn lại, nâng cao chất lượng hoạt động của 1.679 Tổ công nghệ số cộng đồng với 8.529 thành viên. Với phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà" cùng sự nhiệt tình, trách nhiệm, các Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã và đang phát huy khá tốt vai trò trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân ứng dụng công nghệ số vào vào mọi mặt của đời sống xã hội.

Bà Phạm Thị Hoa, 62 tuổi, ở xóm Chùa, xã Khánh Hòa (huyện Yên Khánh) cho biết: Tổ công nghệ số cộng đồng đã tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân cài đặt, nắm bắt kỹ năng sử dụng thành thạo các nền tảng số, ứng dụng số cơ bản như: Định danh điện tử cá nhân, bảo hiểm xã hội, sổ sức khỏe điện tử, tài khoản mobile money, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công tỉnh, quốc gia, để tương tác với chính quyền và tạo nhóm mạng xã hội Việt Nam gồm tất cả các hộ gia đình, người dân trong xóm để hỗ trợ, tương tác, hướng dẫn thường xuyên. Giờ đây, với người dân nông thôn chúng tôi, công nghệ số đã trở thành công cụ quan trọng trong đời sống hàng ngày.

Với hiệu quả mang lại, các Tổ công nghệ số cộng đồng thực sự đã trở thành "cánh tay nối dài" của Ban chỉ đạo chuyển đổi số các cấp, góp phần phát huy sức mạnh của toàn dân tham gia vào quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và nhất là công dân số ngay tại cơ sở.

Đến ngày 15/8/2024, toàn tỉnh đã cấp 808.810 tài khoản định danh điện tử, Bộ Công an phê duyệt 679.296 tài khoản, kích hoạt 633.435 tài khoản; cung cấp trên 25.000 chữ ký số công cộng cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ người dân trưởng thành có điện thoại thông minh đạt khoảng 91%. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến của Dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 83,95%.

Người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang từng bước tham gia cài đặt và sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho nhu cầu thiết yếu ở các lĩnh vực như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng chống dịch, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, tham gia sàn thương mại điện tử...

Số tài khoản được mở (active) trên các sàn thương mại điện tử (postmart.vn và voso.vn) là 110.162 tài khoản với 1.840 sản phẩm đưa lên sàn và 24.699 lượt giao dịch, đạt giá trị trên 5,2 tỷ đồng.

Tỷ lệ người dân trên địa bàn tỉnh có Hồ sơ sức khỏe điện tử, được sử dụng trong hoạt động khám, chữa bệnh và theo dõi sức khỏe người dân, từng bước thay thế y bạ giấy đạt 90%. Tỷ lệ dân số trưởng thành dùng dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa đạt 40%. Tỷ lệ thanh toán học phí, viện phí không dùng tiền mặt đạt khoảng 50%.

Bài, ảnh: Phương Anh

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/phat-huy-vai-tro-cua-to-cong-nghe-so-cong-dong/d202409081223616.htm