Phát huy vai trò của tổ khuyến nông cộng đồng
Đề án thí điểm 'Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng' giai đoạn 1 (2022-2023) (gọi tắt là đề án) được triển khai tại 13 tỉnh thuộc 5 vùng nguyên liệu lớn, trong đó có Quảng Trị. Theo đó, các tỉnh đã thành lập 26 tổ khuyến nông cộng đồng (KNCĐ) với sự tham gia của 168 thành viên, thành lập 123 tổ KNCĐ với 689 thành viên phục vụ đề án vùng nguyên liệu. Bước đầu, việc triển khai hoạt động của các tổ KNCĐ đã mang lại những kết quả tích cực.
Là một trong hai tổ KNCĐ thí điểm được thành lập theo đề án, dù chỉ mới đi vào hoạt động thời gian chưa dài nhưng Tổ KNCĐ cụm Hải Lăng-Triệu Phong, đến nay đã triển khai chỉ đạo sản xuất tại các xã, hỗ trợ chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương, xác định nhu cầu tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới cho các hội viên đoàn thể, tư vấn kế hoạch sản xuất, kinh doanh và liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người dân, hợp tác xã (HTX).
Đồng thời hướng dẫn các tổ quản lý, vận hành máy bay không người lái ở Triệu Thượng và Triệu Thành (Triệu Phong), Hải Trường, Hải Phú, Hải Dương ... (huyện Hải Lăng) ban hành quy chế hoạt động của tổ, xây dựng kế hoạch bay dịch vụ, phun thuốc bảo vệ thực vật tại các HTX và hộ nông dân. Trưởng trạm Khuyến nông Hải Lăng kiêm Tổ trưởng Tổ KNCĐ cụm Hải Lăng - Triệu Phong Trần Lương cho biết, nhờ có sự hỗ trợ của đề án nên bước đầu tổ hoạt động khá thuận lợi, thực hiện được vai trò, nhiệm vụ của khuyến nông theo mô hình tổ KNCĐ.
Tổ KNCĐ cụm Vĩnh Linh - Gio Linh - Cam Lộ đã tổ chức 2 lớp tập huấn cho nông dân về tiến bộ khoa học kỹ thuật. Tiến hành thống kê diện tích rừng trồng để có định hướng, tư vấn, hỗ trợ nông dân, HTX phát triển sản xuất theo các tiêu chuẩn FSC, PEFC, VFSC... Hiện tổ đang triển khai hướng dẫn HTX Thủy Ba Tây, xã Vĩnh Thủy xây dựng, quy hoạch 32 ha rừng trồng theo tiêu chuẩn...
Thời gian qua, cùng với việc thành lập 2 tổ KNCĐ thí điểm theo đề án, Sở Nông nghiệp và PTNT đã hướng dẫn các địa phương thành lập thêm 8 tổ KNCĐ mở rộng để phục vụ đề án. Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cùng phối hợp với UBND các huyện triển khai đến các xã để thành lập 90 tổ KNCĐ ngoài đề án.
Với sự hỗ trợ về khoa học kỹ thuật cũng như kinh phí từ Trung tâm Khuyến nông quốc gia, các thành viên tổ KNCĐ thí điểm và tổ KNCĐ mở rộng đã tham gia nhiều lớp đào tạo huấn luyện, tham quan học tập kinh nghiệm cũng như hội thảo chuyên đề.
Đó là tham gia hội nghị trực tuyến triển khai Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông- lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025; Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ KNCĐ giai đoạn 2022 - 2025 do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức.
Tham gia lớp tập huấn nâng cao năng lực KNCĐ gắn với vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng chứng chỉ bền vững FSC vùng duyên hải miền Trung tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Tham dự Hội thảo Triển khai hoạt động tổ KNCĐ vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng chứng chỉ FSC, PEFC, VFSC... vùng duyên hải miền Trung do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức tại TP. Đông Hà. Tham gia 2 khóa đào tạo huấn luyện điều khiển máy bay không người lái...
Đối với các tổ KNCĐ cấp xã, do hầu hết các tổ vừa mới thành lập, các xã, tổ KNCĐ xã chưa sắp xếp, triệu tập thành viên để hội họp, nên thời gian qua các trạm khuyến nông mới thực hiện được 21 phiên họp với các tổ KNCĐ. Kết quả tại các phiên họp đều cho thấy việc thành lập các tổ KNCĐ là phù hợp với điều kiện và nhu cầu thực tế tại địa phương.
Tuy nhiên, một số tổ chưa xây dựng quy chế hoạt động hoặc mới hoạt động mang tính riêng lẻ, phạm vi công việc nhỏ... nên còn gặp nhiều khó khăn trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động. Các thành viên còn hạn chế về kiến thức để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của tổ KNCĐ. Mặt khác, đây là một tổ chức tự nguyện, tự giác, không có kinh phí hoạt động, chưa có trang thiết bị, dụng cụ và địa điểm làm việc nên gặp rất nhiều khó khăn.
Một số tổ chỉ mới thực hiện nhiệm vụ về mặt tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân sản xuất, nắm bắt thông tin, cập nhật, báo cáo, phản hồi và đề xuất các hoạt động can thiệp trong sản xuất nông nghiệp, chưa làm được nhiệm vụ của mảng dịch vụ và khó cạnh tranh với các tổ chức, doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn.
Trong thời gian tới, các tổ KNCĐ tiếp tục đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả. Xây dựng và nhân rộng mô hình hoạt động hiệu quả của các HTX, tổ hợp tác, tăng cường liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy các HTX tham gia chương trình OCOP.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trần Cẩn cho biết: “Đơn vị chức năng tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo các tổ KNCĐ đã thành lập hoạt động bám sát các nội dung: xây dựng mạng lưới thông tin truyền thông khuyến nông để tư vấn, chuyển giao công nghệ và tiếp nhận thông tin phản hồi từ thực tế sản xuất. Tuyên truyền, triển khai, đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp, kỹ năng khuyến nông, bồi dưỡng kiến thức về chính sách, pháp luật cho các tổ viên và người dân”.
Cùng với đó, tăng cường phổ biến quy trình kỹ thuật sản xuất, tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh nông nghiệp, bồi dưỡng kiến thức về chính sách, pháp luật, thị trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, dịch hại cho các đối tượng nhận chuyển giao công nghệ. Đồng thời chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ từ các mô hình trình diễn, điển hình sản xuất tiên tiến ra diện rộng. Tổ chức trao đổi kinh nghiệm khuyến nông và khoa học công nghệ với các tổ chức, chuyên gia theo quy định của pháp luật nhằm nâng cao năng lực, trình độ cho người làm công tác khuyến nông cơ sở.
Ngoài ra, hằng năm các địa phương cần quan tâm phân bổ nguồn kinh phí sự nghiệp để tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ và xây dựng các mô hình nông nghiệp, dự án sản xuất trên địa bàn các xã có tổ KNCĐ để nâng cao năng lực hoạt động. Phân bổ các nguồn từ chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất, chương trình, dự án liên quan do các xã làm chủ đầu tư để giao tổ KNCĐ xã triển khai thực hiện. Mặt khác, cần có cơ chế hỗ trợ kinh phí để thành viên tổ KNCĐ yên tâm công tác, cống hiến lâu dài.