Phát huy vai trò của văn học nghệ thuật trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người, khơi dậy khát vọng sáng tạo

Trên cơ sở củng cố và phát huy những giá trị, thành quả đã đạt được, tận dụng các yếu tố thuận lợi, vượt qua những khó khăn, thử thách, đội ngũ văn nghệ sĩ Quảng Trị đã nỗ lực phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị lần thứ V (nhiệm kì 2014 - 2019) và đạt được những kết quả quan trọng.

 Văn nghệ sĩ tỉnh Quảng Trị thăm Khu lưu niệm Bác Hồ tại tỉnh Savannakhet, Lào. Ảnh: PV

Văn nghệ sĩ tỉnh Quảng Trị thăm Khu lưu niệm Bác Hồ tại tỉnh Savannakhet, Lào. Ảnh: PV

5 năm qua, đất nước, quê hương diễn ra những cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, các sự kiện chính trị có ý nghĩa. Văn học nghệ thuật (VHNT) Quảng Trị đã có những đóng góp quan trọng vào sự thành công của các sự kiện đó. Trước hết, phải kể đến việc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hưởng ứng, tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đội ngũ văn nghệ sĩ Quảng Trị không chỉ tự giác thường xuyên học tập, làm theo mà còn bằng việc sáng tạo VHNT cho ra đời những tác phẩm có giá trị về đề tài này. Từ năm 2015 đến nay, Hội VHNT tỉnh đã tổ chức 3 cuộc thi sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, thu về hàng trăm tác phẩm có chất lượng. Ban Tổ chức đã trao 94 giải thưởng cho các tác phẩm có chất lượng. Đặc biệt, Ban Chỉ đạo cuộc thi Trung ương xét tặng 3 giải B, 4 giải C và 2 giải Khuyến khích cho các tác phẩm xuất sắc.

Để tỏ lòng biết ơn và kính trọng đối với Tổng Bí thư Lê Duẩn, nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Quảng Trị, nhân kỉ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư 7/4 (1907 - 2017), Tỉnh ủy Quảng Trị chỉ đạo tổ chức cuộc thi sáng tác các tác phẩm VHNT về chủ đề “Đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn với cách mạng Việt Nam và quê hương Quảng Trị”, thu về 60 tác phẩm. Ban Tổ chức đã xét trao 28 giải thưởng cho các tác phẩm có chất lượng cao. Nhân các sự kiện quan trọng của đất nước và của tỉnh, Hội VHNT tỉnh đã phát động sáng tác VHNT, các hội thi, hội diễn, triển lãm mĩ thuật, ảnh nghệ thuật góp phần vào sự thành công của các sự kiện trên. Đáng chú ý, thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh về kỉ niệm 30 năm lập lại tỉnh Quảng Trị, Hội VHNT tỉnh có nhiều hoạt động sôi nổi như: Phối hợp xuất bản sách ảnh “Quảng Trị - 30 năm đổi mới và phát triển”; tổ chức đêm nhạc “Quảng Trị yêu thương”…

Công tác phát triển hội viên, nhất là phát triển, bồi dưỡng, kết nạp các cây bút trẻ tài năng và có triển vọng được quan tâm đúng mức. Trong 5 năm qua, hội đã phát hiện, bồi dưỡng kết nạp 58 hội viên, tích cực đề nghị các hội chuyên ngành trung ương kết nạp 11 hội viên.

Với sự nỗ lực cao, tâm huyết và sáng tạo, văn nghệ sĩ Quảng Trị có những thành công đáng tự hào, tạo nên diện mạo mới cho VHNT Quảng Trị.

Trên lĩnh vực văn học, các chuyên ngành đã tổ chức nhiều trại sáng tác, nhiều chuyến đi thực tế, chú trọng đi thực tế tại tuyến biên giới núi và biển đảo (đảo Lý Sơn, đảo Cồn Cỏ). Các chuyên ngành đã xuất bản 4 đầu sách về văn học, 3 đầu sách về văn nghệ dân gian và 1 đầu sách về văn hóa đặc sắc của người dân tộc Vân Kiều, Pa Kô Quảng Trị. Hội viên Văn học tích cực sáng tác và xuất bản 55 đầu sách bao gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, kí, lí luận văn học, thơ, trường ca. Đội ngũ các nhà văn, nhà thơ Quảng Trị đã thật sự tạo ra được một “cốt cách”, sắc thái riêng cho văn học Quảng Trị. Trong trào lưu đổi mới VHNT đang diễn sôi nổi trên cả nước, các nhà văn Quảng Trị cũng có những đổi mới, cách tân đáng ghi nhận.

Lĩnh vực nghệ thuật có nhiều hoạt động khởi sắc. Các chuyên ngành Sân khấu, Mĩ thuật, Nhiếp ảnh, Âm nhạc, Văn nghệ dân gian đã phối hợp với các địa phương, đơn vị mở trại sáng tác thu về nhiều tác phẩm có chất lượng, trong đó có hàng chục tác phẩm đạt giải thưởng ở trung ương và cấp tỉnh. Nhiều tác phẩm đã được dàn dựng biểu diễn trong các cuộc liên hoan và chào mừng các sự kiện lớn của quê hương, đất nước. Chuyên ngành Văn nghệ dân gian phối hợp với Hội Di sản tỉnh tổ chức trình diễn một số tiết mục trong chương trình trình diễn Hội chơi Bài chòi nhằm tôn vinh những giá trị di sản văn hóa phi vật thể của vùng đất Quảng Trị; vận động để Nghệ thuật Bài chòi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Các làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc Pa Kô, Vân Kiều đã được sưu tầm, bảo tồn phát triển. Đội ngũ kiến trúc sư trẻ trưởng thành nhiều mặt, đóng góp nhiều tác phẩm, công trình có chất lượng, có bản sắc riêng.

Tạp chí Cửa Việt nỗ lực nâng cao chất lượng, cải tiến hình thức, phát hành rộng rãi. Tạp chí đã tổ chức các hoạt động thiết thực như: Đăng cai tổ chức hội thảo các tạp chí văn nghệ Bắc miền Trung; gặp mặt các cây bút trẻ; tổ chức cuộc thi truyện ngắn và bút kí… Tạp chí còn chú trọng ra số đặc biệt chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện quan trọng của quê hương, đất nước, các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn. Đã xuất bản bộ tuyển tập 4 tập tuyển chọn từ 250 số Tạp chí Cửa Việt.

Những thành quả quan trọng, những điểm nhấn đạt được trong nhiệm kì qua bắt nguồn từ sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp, các ngành trong tỉnh và sự nỗ lực sáng tạo của Hội VHNT tỉnh trong tham mưu tổng kết các chủ trương, cơ chế, chính sách về VHNT của Đảng và Nhà nước; tham mưu và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách mới về VHNT của tỉnh. Hội VHNT tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/ TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng, phát triển VHNT trong thời kì mới”, sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Để tạo động lực thúc đẩy sáng tạo VHNT, hội đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức tặng Giải thưởng VHNT Chế Lan Viên, tỉnh Quảng Trị lần thứ nhất thành công; tham mưu nâng Giải thưởng VHNT của hội hằng năm thành Giải thưởng VHNT tỉnh Quảng Trị; xin chủ trương xây dựng Nhà lưu niệm nhà thơ Chế Lan Viên; tham mưu với tỉnh về bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di sản văn nghệ truyền thống…

 Lễ khởi công xây dựng Nhà lưu niệm nhà thơ Chế Lan Viên. Ảnh: THT

Lễ khởi công xây dựng Nhà lưu niệm nhà thơ Chế Lan Viên. Ảnh: THT

Bên cạnh những thành công, nhiệm kì qua vẫn còn một số hạn chế. Ít có tác phẩm chất lượng thực sự nổi trội, có tầm ảnh hưởng lớn và tạo được tiếng vang trong toàn quốc. Số tác giả đạt giải cao ở trung ương không nhiều. Chất lượng của một số trại sáng tác chưa cao. Số lượng hội viên mới kết nạp luôn được bổ sung qua từng năm, nhưng lực lượng trẻ được kết nạp còn chiếm tỉ lệ nhỏ. Kinh phí hạn hẹp, đầu tư chiều sâu cho sáng tác còn hạn chế.

Từ việc đánh giá sát đúng tình hình nhiệm kì qua, thấy rõ những thành quả, những mặt mạnh để phát huy, những hạn chế, khuyết điểm phải khắc phục, Hội VHNT tỉnh có cơ sở để xác định những nhiệm vụ, giải pháp phát triển VHNT của tỉnh trong giai đoạn mới như sau:

Trước hết, tiếp tục thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng, phát triển VHNT trong thời kì mới”, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và các nghị quyết, chương trình hành động của Đảng bộ tỉnh; đẩy mạnh các hoạt động sáng tạo, nỗ lực tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tiếp tục chú trọng tổ chức có hiệu quả việc sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Thứ hai, trong các đột phá chiến lược, cần lưu ý các điểm mới về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, yếu tố văn hóa, con người và khát vọng vươn lên. VHNT phải trở thành thành tố tích cực của khâu đột phá chiến lược về nhân tố con người, góp phần kích thích, truyền cảm hứng sáng tạo, khơi dậy, nuôi dưỡng và cổ vũ khát vọng vươn lên của mỗi người, xây dựng con người phát triển toàn diện.

Thứ ba, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho sự ra đời những tác phẩm có quy mô, chất lượng hơn, tương xứng với tầm vóc lịch sử cách mạng và công cuộc đổi mới, phát triển bền vững trên quê hương Quảng Trị anh hùng. Hội cần tăng cường đầu tư chiều sâu đúng mức cho những tác giả có tài năng, có đề cương tác phẩm tốt; chú trọng phát hiện, bồi dưỡng các tài năng trẻ… Văn nghệ sĩ cần nuôi dưỡng tình yêu nghề nghiệp, cảm hứng sáng tạo, gắn bó máu thịt với cuộc sống, với nhân dân, nêu cao nỗ lực tự thân, lựa chọn những chủ đề, vấn đề mới mẻ, có chiều sâu, có tầm tư tưởng để sáng tạo nên những tác phẩm gan ruột, lay động lòng người.

Thứ tư, phát huy bản lĩnh chính trị, nâng cao năng lực, trình độ nghiệp vụ, cảnh giác và kiên quyết đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, lệch lạc trong lĩnh vực VHNT, góp phần xây dựng, phát triển đời sống văn nghệ phong phú, vun bồi các giá trị chân - thiện - mĩ. Văn nghệ sĩ phải phát huy vai trò của mình trong việc khẳng định cái mới, nhân tố mới, thực tiễn đổi mới của quê hương, đất nước; đồng thời đấu tranh không khoan nhượng chống lại cái xấu, cái ác, cái tiêu cực. Tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn nghệ thế giới, chống các biểu hiện lai căng, hình thức chủ nghĩa, vọng ngoại…

Thứ năm, quan tâm hơn nữa việc khai thác, bảo tồn, phát triển VHNT các dân tộc thiểu số, văn nghệ dân gian. Chú trọng công tác sưu tầm, nghiên cứu, truyền dẫn giá trị VHNT các dân tộc thiểu số, văn nghệ dân gian; sử dụng, khai thác tính năng độc đáo của các nhạc cụ truyền thống; phối hợp với các câu lạc bộ dân ca trong hoạt động bảo tồn, truyền dẫn; tổ chức biểu diễn dân ca tại các điểm du lịch nhằm góp phần thu hút khách du lịch; sáng tác, quảng bá các tác phẩm VHNT có sử dụng các làn điệu dân ca…

Thứ sáu, tăng cường, nâng cao chất lượng lí luận phê bình VHNT. Nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc các trường phái lí luận phê bình VHNT nước ngoài, đồng thời từng bước tham gia xây dựng hệ thống lí luận phê bình VHNT Việt Nam. Tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, trao đổi về lí luận phê bình VHNT. Sớm hình thành đội ngũ lí luận phê bình VHNT của hội.

Thứ bảy, tổ chức các hoạt động kích thích, thúc đẩy sáng tạo VHNT như: Tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương mở các trại sáng tác VHNT; tổ chức các đợt đi thực tế sáng tác; mở các cuộc hội thảo, diễn đàn, tọa đàm nâng cao kĩ năng nghề nghiệp, chất lượng sáng tác; tích cực tham gia các cuộc thi sáng tác VHNT do trung ương và các địa phương tổ chức; tham gia xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong bối cảnh “lấn lướt” của truyền thông đa phương tiện.

Thứ tám, mở rộng mối quan hệ hợp tác với các cơ quan chức năng, cơ quan liên quan của tỉnh, trung ương, các hội chuyên ngành trung ương và Hội VHNT các tỉnh bạn. Thông qua mối quan hệ hợp tác, công tác quản lí VHNT được tăng cường; các hoạt động giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu, quảng bá các tác phẩm VHNT của Quảng Trị được mở ra, mang lại hiệu quả thiết thực.

Thứ chín, xây dựng hội vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển VHNT trong giai đoạn mới. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hội; hướng hoạt động hội về cơ sở. Nâng cao năng lực, trách nhiệm của Đảng đoàn, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội. Khuyến khích hội viên trau dồi chuyên môn, tìm tòi, thể nghiệm những phong cách sáng tác mới. Tăng cường hoạt động của Hội đồng Nghệ thuật Hội và các chuyên ngành; tăng cường công tác kiểm tra; làm tốt công tác thi đua khen thưởng để tạo động lực thúc đẩy hoạt động sáng tạo.

Tạo đà, tạo thế trên nền tảng đã tạo dựng được những năm qua, chắc chắn trong giai đoạn mới, giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giai đoạn phát triển tăng tốc của tỉnh, được nuôi dưỡng bởi mảnh đất và con người Quảng Trị giàu tiềm năng và khát vọng sáng tạo, VHNT Quảng Trị sẽ có bước phát triển mới, góp phần tạo nên động lực tinh thần cho tỉnh nhà vươn tới tương lai giàu đẹp, huy hoàng.

Nguyễn Hoàn

Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=145307