Phát huy vai trò 'đại sứ' tư tưởng
Sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW của Ban Bí thư về 'Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới', công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ tuyên truyền viên trong tỉnh đã phát huy vai trò cầu nối giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền với các tầng lớp Nhân dân. Qua đó, góp phần đưa những đường lối của Đảng, chính sách, phát luật của Nhà nước, nghị quyết của các cấp ủy Đảng đi vào cuộc sống.
Cầu nối giữa Đảng với dân
Theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang Nguyễn Mạnh Hà, công tác tuyên truyền miệng là mảng công tác giữ vị trí, vai trò rất quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kết luận nhằm tăng cường sự lãnh, chỉ đạo đối với công tác tuyên truyền miệng. Điển hình, cách đây 15 năm, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 17-CT/TW về “Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng”; ngày 5/2/2024, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 30-CT/TW về công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới.
Quán triệt và triển khai nghiêm túc chỉ thị của Ban Bí thư, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, công tác tuyên truyền miệng, hoạt động đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trên địa bàn được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng. Trong bối cảnh thuận lợi, khó khăn đan xen, ngành tuyên giáo và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trong tỉnh đã vượt qua khó khăn, thử thách để triển khai có hiệu quả các mặt công tác, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
“Công tác tuyên truyền miệng ngày càng phát huy hiệu quả, đóng góp quan trọng trong việc triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Nội dung, phương thức công tác tuyên truyền miệng từng bước được đổi mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp được quan tâm kiện toàn thường xuyên (báo cáo viên cấp tỉnh, cấp huyện 550 người, tuyên truyền viên ở cơ sở trên 5.000 người)” - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang Nguyễn Mạnh Hà thông tin.
Việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền miệng có chuyển biến rõ rệt. Phương thức hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên tiếp tục được đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả. Nhận thức của cấp ủy Đảng và cán bộ, đảng viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Ban Tuyên giáo và đội ngũ báo cáo viên các cấp tích cực, kịp thời tham mưu cấp ủy Đảng lãnh, chỉ đạo tổ chức việc học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Bên cạnh đó, Ban Tuyên giáo các cấp đã bám sát các sự kiện thời sự chính trị quan trọng của đất nước, khu vực và quốc tế. Từ đó, tổ chức các hội nghị báo cáo viên để kịp thời cung cấp thông tin và định hướng tuyên truyền cho đội ngũ báo cáo viên các cấp, tuyên truyền viên cơ sở. Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức quán triệt, triển khai, tuyên truyền và thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả
Ông Nguyễn Văn Tuấn (TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Là tuyên truyền viên ở cơ sở - người trực tiếp tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tôi thường xuyên học tập, quán triệt và tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, tham gia các buổi sinh hoạt, tọa đàm để trao đổi, thảo luận về những vấn đề thời sự. Khi người dân có thắc mắc, tôi sẽ giải đáp những vấn đề trong khả năng hiểu biết của mình. Gần dân nên tôi nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của bà con để báo cáo với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương nắm, có giải pháp giải quyết kịp thời. Qua đó, góp phần tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, cùng nhau xây dựng, phát triển địa phương”.
Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và sự đa dạng của các kênh truyền thông, công tác tuyên truyền miệng cần đổi mới căn bản để đáp ứng yêu cầu đặt ra. Việc nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền miệng không chỉ đòi hỏi sự đổi mới về nội dung mà còn phải đổi mới về hình thức, phương pháp, nhằm tạo ra sự hấp dẫn, lôi cuốn đối với người dân, nhất là giới trẻ. Trong thời đại số, việc tận dụng các nền tảng mạng xã hội, ứng dụng di động là vô cùng quan trọng. Bằng cách tạo ra các nội dung hấp dẫn, tương tác, các tuyên truyền viên có thể tiếp cận được với đông đảo người dân, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, đi kèm với đó là những thách thức như tin giả, thông tin sai lệch. Vì vậy, việc nâng cao năng lực số cho đội ngũ tuyên truyền viên và xây dựng hệ thống kiểm duyệt thông tin là điều cần thiết.
Theo PGS.TS Lương Khắc Hiếu (nguyên Quyền Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền), để nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền miệng, người nói cần nắm vững đặc điểm đối tượng người nghe, thiết kế nội dung, lựa chọn, sử dụng phương tiện, công cụ và các phương pháp tác động phù hợp đối tượng. Vì vậy, các kỹ năng chủ yếu cần sử dụng, vận dụng để nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền miệng, gồm: Các kỹ năng trong thiết kế, trình bày nội dung, lựa chọn phương tiện lời nói, phương tiện kỹ thuật, công nghệ và các phương tiện, phương pháp cần thiết khác nhằm chuyển tải nội dung đến đối tượng. Việc kết hợp hài hòa giữa đổi mới nội dung, hình thức và nâng cao năng lực đội ngũ, công tác tuyên truyền miệng mới thực sự phát huy được hiệu quả trong tình hình mới.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/phat-huy-vai-tro-dai-su-tu-tuong-a411186.html