Phát huy vai trò đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của báo chí

Đồng hành với đất nước và dân tộc, báo chí cách mạng đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; kịp thời thông tin và định hướng dư luận; phát hiện và biểu dương những nhân tố mới, những mô hình mới cũng như phê phán, đấu tranh những biểu hiện sai trái, tiêu cực trên mọi lĩnh vực.

Đặc biệt, trong thời gian qua, các cơ quan báo chí đã thực hiện tốt vai trò xung kích, đi đầu trong công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ quyền lợi của đất nước, của nhân dân, qua đó góp phần hoàn thiện nhiều chủ trương và quyết sách lớn của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công cuộc này. Đồng thời, với hệ thống trải rộng khắp nơi cùng độ nhanh nhạy trên không gian mạng, báo chí cũng là lực lượng chủ lực ở mọi nơi, mọi lúc với mọi loại hình thông tin nhằm tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân một cách nhanh chóng nhất, sinh động nhất.

 Phóng viên tác nghiệp tại một sự kiện ở Trung tâm Báo chí TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Phóng viên tác nghiệp tại một sự kiện ở Trung tâm Báo chí TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Để tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp và thế mạnh của nền báo chí cách mạng Việt Nam, hơn lúc nào hết, các cơ quan báo chí nên duy trì tôn chỉ, mục đích của từng loại hình báo, bám sát thực tiễn hơn nữa, đi sâu nghiên cứu, phát hiện đúng tâm trạng của quần chúng nhân dân. Đây là một yêu cầu không mới nhưng rất quan trọng, bởi bên cạnh kết quả rất đáng trân trọng, nền báo chí của chúng ta cũng đã “hụt hơi” trước những khó khăn và thách thức mới hiện nay.

Chúng ta đã có các cơ sở pháp lý thuận lợi để những người làm báo tác nghiệp. Song thực tế cuộc sống đang diễn ra nhiều biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của không ít cán bộ, đảng viên, đã và đang tạo ra một “môi trường ô nhiễm” với những vụ đại án, vi phạm kỷ luật, pháp luật nghiêm trọng của cán bộ các cấp. Trong khi đó, cơ chế kiểm soát và giám sát người cán bộ, đảng viên, trước hết là một công dân, của luật pháp chưa đạt yêu cầu nghiêm ngặt. Báo chí tuy đã có những đóng góp tích cực, quan trọng nhưng chưa tỏ rõ được vai trò bám sát thực tiễn, đi sâu nghiên cứu và phát hiện. Đương nhiên, diễn biến này có trách nhiệm chung của toàn xã hội, của các chuyên ngành của Đảng và Nhà nước. Song báo chí và những người làm báo của chúng ta cũng luôn phải suy ngẫm, tìm kiếm các giải pháp phù hợp để thực hiện tốt nhiệm vụ mình được giao.

Để làm tốt hơn nữa vai trò của mình, báo chí và những người làm báo cần ghi nhớ những lời dạy của Bác: Cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa, chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động. Và Người luôn tin tưởng: người làm báo Việt Nam là những chiến sĩ tiên phong hết lòng vì nước, vì dân.

Trung tướng Lưu Phước Lượng

Nguyên Phó trưởng ban Ban chỉ đạo Tây Nam bộ

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/phat-huy-vai-tro-dau-tranh-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-cua-bao-chi-post745579.html