Phát huy vai trò Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật

Theo Bộ Tư pháp, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 100% đơn vị cấp huyện đã thành lập Hội đồng do chủ tịch UBND hoặc phó chủ tịch UBND cùng cấp làm Chủ tịch Hội đồng.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu, ngay từ đầu năm 2022, các thành viên của Hội đồng cần tổ chức quán triệt và triển khai ngay thực hiện Quy chế hoạt động của Hội đồng, nhất là trách nhiệm của từng thành viên của Hội đồng và mối quan hệ với các bộ, cơ quan, địa phương. Ảnh: VGP/Hải Minh

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hội đồng là xây dựng, thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh, thành phố; đề xuất ban hành văn bản về cơ chế, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng chương trình, đề án, kế hoạch về phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông chính sách pháp luật trên địa bàn.

Kết quả hoạt động của Hội đồng đã phát huy vai trò của mình, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về tầm quan trọng của công tác tuyên truyền; tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến pháp luật; bảo đảm quyền được thông tin pháp luật, nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, tăng cường quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

P.V (theo HNM)

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/chinh-tri/195507/phat-huy-vai-tro-hoi-dong-phoi-hop-pho-bien-giao-duc-phap-luat