Phát huy vai trò Hội Nông dân trong phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo

Qua hơn 5 năm triển khai Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phối hợp giữa các ngành, UBND các cấp với các cấp Hội Nông dân trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN-TC) của nông dân đã góp phần giữ vững ANCT - TTATXH trên địa bàn tỉnh.

Đội tuyên truyền huyện Cao Phong xây dựng tiểu phẩm tham dự Hội thi hòa giải viên giỏi tỉnh lần thứ V năm 2019.

Đội tuyên truyền huyện Cao Phong xây dựng tiểu phẩm tham dự Hội thi hòa giải viên giỏi tỉnh lần thứ V năm 2019.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, các ngành liên quan đã phối hợp với các cấp Hội Nông dân trong tỉnh làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho hội viên, nông dân. Kết quả, trong năm 2019, các cấp Hội tuyên truyền, phổ biến chủ trương, nghị quyết của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các văn bản của Hội cấp trên cho hội viên nông dân được 7.933 buổi, kết hợp lồng ghép với sinh hoạt tại các thôn, bản để phổ biến cho 348.070 lượt hội viên tham gia. Hội Nông dân các huyện, thành phố phối hợp tuyên truyền được 521 buổi cho 34.756 lượt người, tổ chức 32 lớp tập huấn cho 1.475 lượt người về phòng, chống tội phạm, ma túy, mua bán người, phòng chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, tội phạm trộm cắp tài sản, Luật Hôn nhân - gia đình, Luật Đất đai và giáo dục nhiệm vụ QP-AN, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Giao thông đường bộ. Hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đa dạng, phong phú, như: tổ chức các hội nghị, tập huấn, các buổi nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt chi, tổ hội, câu lạc bộ; các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật, thi hòa giải viên giỏi; xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước của làng, bản, tổ dân phố; biên soạn, xuất bản các tài liệu, tờ rơi, bản tin... Các đơn vị, địa phương tích cực phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng, cập nhật các nội dung mới, kinh nghiệm, cách làm hay để tuyên truyền, giới thiệu, biểu dương các điển hình trong công tác hòa giải, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân ở cơ sở để nhân rộng mô hình.

Hội Nông dân tỉnh duy trì việc tiếp dân hàng tháng tại trụ sở Hội, tổ chức các đoàn công tác tham gia sinh hoạt tại chi hội nông dân tìm hiểu, nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của nông dân để kịp thời phản ánh với Đảng, chính quyền các cấp về tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đề xuất phối hợp giải quyết, xử lý các đơn thư khiếu nại, vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn ở cơ sở. Trong năm qua, các cấp Hội Nông dân đã tổ chức tiếp 743 lượt người, giải quyết 626 vụ khiếu nại, tố cáo, hòa giải thành 219 vụ.

Các địa phương quan tâm chỉ đạo, duy trì hoạt động của các tổ hòa giải. Năm 2019, toàn tỉnh có 1.525 tổ hòa giải với 10.133 hòa giải viên, là những người có uy tín, kinh nghiệm, khả năng vận động, thuyết phục, tương đối am hiểu pháp luật trong cộng đồng dân cư, đại diện Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân. Các tổ hòa giải đã tham gia hòa giải 100% việc phát sinh tỷ lệ hòa giải thành đạt 83%.

Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo 81 tỉnh cho biết: Công tác tuyên truyền, PBGDPL, công tác phối hợp giữa UBND, các ngành liên quan và các cấp Hội Nông dân trong việc tiếp công dân, giải quyết KN-TC của nông dân được triển khai tích cực, có hiệu quả thiết thực. Thông qua các buổi tiếp dân, giải quyết KN-TC của nông dân, các ngành liên quan đã tích cực tuyên truyền, PBGDPL, hướng dẫn, giải thích cho nông dân hiểu các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến nội dung KN-TC của nông dân để vận động, hòa giải các tranh chấp, mâu thuẫn, góp phần hạn chế các khiếu kiện, khiếu nại của nông dân.

Đinh Thắng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/217/139273/phat-huy-vai-tro-hoi-nong-dan-tr111ng-phoi-hop-giai-quyet-khieu-nai,-to-cao.htm