Phát huy vai trò hội phụ nữ trong tín dụng chính sách ở Ninh Thuận
Hội Phụ nữ các cấp ở Ninh Thuận đã thực hiện tốt các hoạt động phối hợp thực hiện ủy thác, tuân thủ chặt chẽ các quy trình cho vay... nhằm giúp hội viên phụ nữ nghèo và các đối tượng chính sách khác ngày càng được tiếp cận nguồn vốn nhanh, tiện lợi, đạt hiệu quả.
Tại Ninh Thuận cũng như các địa phương khác trong cả nước, việc thực hiện phương thức cho vay ủy thác qua 4 tổ chức chính trị - xã hội gồm: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên, đã góp phần quản lý, phát huy được hiệu quả của vốn tín dụng chính sách.
Trong đó, hội đoàn thể các cấp tham gia nhận ủy thác tập trung thực hiện tuyên truyền, vận động, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội, các chương trình tín dụng đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách khác; phổ biến, hướng dẫn quy trình hồ sơ, thủ tục vay vốn…; Đồng thời, thực hiện công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác của hội đoàn thể cấp dưới; vận động thành lập và quản lý, giám sát toàn diện hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn; kiểm tra, giám sát, việc sử dụng vốn của hộ vay đúng mục đích, hiệu qua của nguồn vốn…
Theo đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Ninh Thuận, để thực hiện tốt công tác ủy thác cho vay, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã chỉ đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ các huyện, thành thực hiện tốt công tác tuyên truyền các chương trình tín dụng chính sách xã hội, đến các đối tượng thụ hưởng và phối hợp triển khai cho vay đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra hằng năm; các cấp hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và chính quyền các địa phương bình xét đối tượng vay vốn đảm bảo đúng quy định, công khai, dân chủ; hướng dẫn người vay sử dụng vốn có hiệu quả; lồng ghép các chương trình, dự án của hội với nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.
Song song đó, các cấp hội còn tổ chức tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau thoát nghèo bền vững; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, quá hạn; thường xuyên thực hiện củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn...
Đặc biệt, nhằm giúp hội viên hội phụ nữ hiểu rõ và thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tổ chức Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư. Để cuộc thi thu hút đông đảo chị em phụ nữ tham gia, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội phụ nữ tuyên truyền rộng rãi trong hội viên, phụ nữ và nhân dân để chị em nhiệt tình hưởng ứng. Thông qua cuộc thi đã giúp cho cán bộ, hội viên phụ nữ nâng cao nhận thức, hiểu rõ hơn về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội và đã lan tỏa sâu rộng đến cán bộ, hội viên và nhân dân nhiệt tình tham gia. Kết quả, qua 4 tuần thi đã có hơn 15.021 lượt người tham gia…
Với nhiều nỗ lực, hội Phụ nữ các cấp ở Ninh Thuận đã thực hiện tốt các hoạt động của công tác phối hợp thực hiện ủy thác, tuân thủ chặt chẽ các quy trình cho vay... nhằm giúp hội viên phụ nữ nghèo và các đối tượng chính sách khác ngày càng được tiếp cận nguồn vốn nhanh, tiện lợi, đạt hiệu quả. Kết quả, đến ngày 30/6/2024, tổng số dư nợ do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh quản lý đạt 1.505 tỷ đồng với 32.995 thành viên còn dư nợ, chiếm 40,44% tổng dư nợ ủy thác trên toàn địa bàn, tăng 859 tỷ đồng so với năm 2014; số dư tiền gửi của tổ viên thông qua tổ tổ tiết kiệm và vay vốn đạt 79,7 tỷ đồng.
Gia đình bà Pi Năng Thị Xuyến, ở thôn Do, xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn, trước đây thuộc diện hộ nghèo của xã. Gia đình chỉ có ít ỏi đất khai hoang để canh tác trồng hoa màu, thu nhập bấp bênh, không đủ chi tiêu cuộc sống hàng ngày. Hai vợ chồng phải đi làm thuê đủ thứ để mưu sinh, song cái nghèo, cái đói vẫn đeo bám.
Từ công tác tuyên truyền của Hội Phụ nữ xã Ma Nới, năm 2015 bà Pi Năng Thị Xuyến mạnh dạn vay 10 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo để về mua 1 con bò nuôi. Với sự cần cù, chịu khó cùng với áp dụng kiến thức có được từ các lớp tập huấn do địa phương tổ chức, sau 4 năm sử dụng nguồn vốn vay, đàn bò của gia đình phát triển tốt. Đến năm 2019, gia đình tiếp tục đề nghị vay vốn từ chương trình bảo vệ và phát triển rừng theo quy định tại Nghị định số 75/2015/NĐ-CP mức vay 50 triệu đồng. Số tiền này tiếp tục đầu tư cho chăn nuôi bò sinh sản, tăng quy mô đàn gia súc. Sau một thời gian chăm sóc, hiện nay đàn bò của gia đình đã có 15 con, nhà cửa cũng đã được sửa sang khang trang, cuộc sống của gia đình cũng vì thế mà khá giả lên rất nhiều.
Bà Pi Năng Thị Xuyến tâm sự, gia đình tôi có được như ngày hôm nay, chúng tôi rất biết ơn sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, Hội Phụ nữ và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ninh Sơn đã quan tâm tạo điều kiện để gia đình được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Hơn hết, niềm vui lớn nhất hiện tại của gia đình tôi là thấy các con được chăm sóc tốt hơn, được học hành, cuộc sống cũng tốt hơn trước đây.
Để tín dụng ưu đãi thực sự phát huy hiệu quả, cùng với Ngân hàng Chính sách xã hội, các cấp hội phụ nữ ở Ninh Thuận đã phát huy tốt vai trò của các tổ tiết kiệm và vay vốn, xem đây là những “cánh tay nối dài” để phát huy hiệu của nguồn vốn trong thực tế.
Bà Ngô Thị Thúy Hoa, Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn tại thôn La Chữ, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước cho biết, hàng năm, căn cứ thông báo phân bổ vốn tín dụng ưu đãi từ UBND xã đến các thôn, tạo điều kiện cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn kịp thời, bản thân tôi đã tích cực phối hợp với Trưởng thôn, hội phụ nữ tổ chức tuyên truyền, giới thiệu đối tượng, bình xét công khai và hoàn chỉnh hồ sơ vay vốn nhanh nhất để giải ngân kịp thời, đáp ứng nhu cầu vốn để phục vụ sản xuất, kinh doanh, phục vụ nhu cầu về an sinh xã hội... cho các đối tượng thụ hưởng. Nhờ vay vốn tín dụng chính sách, đã giúp cho nhiều chị em phụ nữ của thôn La Chữ có đời sống kinh tế phát triển đi lên, thoát nghèo bền vững, điển hình như gia đình chị Tô Thị Tâm, Hồ Thị Thoa, Trà Thị Hạnh...
Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như, công tác tuyên truyền, vận động ở một số cơ sở hội phụ nữ chưa được sâu rộng, dẫn đến một bộ phận hội viên phụ nữ và người dân chưa hiểu rõ mục tiêu, nội dung của từng chương trình vay vốn nên có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa chú trọng đến phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, giảm nghèo, bền vững. Mặt khác, năng lực, trách nhiệm của một số cán bộ hội còn hạn chế, chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động tín dụng chính sách xã hôi; một số nhiệm vụ đề ra chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời...
Để tiếp tục phát huy vai trò hội phụ nữ trong tín dụng chính sách ở Ninh Thuận, cũng theo đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Ninh Thuận, đồng thời chỉ đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trong quản lý, nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội; chủ động, sáng tạo, đổi mới trong cách làm; thực hiện hiệu quả các nội dung nhận ủy thác cho vay; thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tiết kiệm vay vốn tại cơ sở. Trong đó, chú trọng hướng dẫn sử dụng vốn tín dụng chính sách chặt chẽ và có hiệu quả; đặc biệt quan tâm quy trình bình xét cho vay vốn, đôn đốc người vay sử dụng vốn đúng mục đích, thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo quy định.
Kết hợp cho vay vốn với thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới của địa phương, đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp - giai đoạn 2017-2025”, tăng cường đào tạo nghề - giới thiệu việc làm cho phụ nữ, chuyển giao khoa học - kỹ thuật hướng dẫn kinh nghiệm làm ăn, bồi dưỡng kiến thức quản lý kinh tế hộ, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; định hướng sản xuất, cây trồng, vật nuôi giúp người nghèo và đối tượng chính sách khác sử dụng vốn vay hiệu quả, thoát nghèo bền vững; trong đó chú trọng đối tượng phụ nữ thuộc diện hộ nghèo, phụ nữ nông thôn, vùng sâu vùng xa còn khó khăn.