Phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu

Một điểm nhấn quan trọng trong công tác xây dựng Đảng về đạo đức của nhiệm kỳ Đại hội XII là phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên (CB, ĐV), nhất là người đứng đầu.

Quyết tâm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành nhiều chỉ thị, quy định về trách nhiệm nêu gương của CB, ĐV, nhất là người đứng đầu; đồng thời, ban hành quy định cụ thể về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, kể cả cán bộ đã nghỉ hưu. Qua đó kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, nêu cao tinh thần trách nhiệm của CB, ĐV.

Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân thăm hỏi người dân bị thiệt hại do bão số 9 ở phường Phổ Thạnh (TX. Đức Phổ).

Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII đã đánh giá: “Việc thực hiện trách nhiệm nêu gương và chuẩn mực đạo đức của CB, ĐV có tiến bộ. Nhìn chung, đội ngũ CB, ĐV đã đề cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống; gương mẫu đi đầu, tận tụy với công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tuy vậy, công tác xây dựng Đảng về đạo đức vẫn còn có những hạn chế: Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của một bộ phận CB, ĐV chưa thường xuyên, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; vẫn còn tình trạng nói không đi đôi với làm; không tuân thủ nguyên tắc của Đảng, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cá nhân chủ nghĩa, cơ hội, thực dụng, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ, chưa nêu cao ý thức và trách nhiệm trước nhân dân. Thực hiện quy định về trách nhiệm nêu gương của CB, ĐV chưa trở thành nền nếp, hiệu quả chưa cao. Một số cán bộ vi phạm đến mức phải kỷ luật, xử lý hình sự, trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương".

Cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra, giám sát hàng chục vạn tổ chức đảng và hàng triệu đảng viên, thi hành kỷ luật hơn 1.000 tổ chức đảng và gần 90.000 đảng viên; trong đó, có cả cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, các tướng lĩnh. Điều này khẳng định quyết tâm chính trị cao của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và bản lĩnh của ngành kiểm tra trong việc chỉnh đốn, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Có trên 110 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật, cả đương chức và nguyên chức; hơn 20 ủy viên Trung ương cả đương chức và nguyên chức phải xử lý kỷ luật, trong đó có 4 Ủy viên Bộ Chính trị (cả nguyên chức và đương chức); gần 30 sĩ quan cấp tướng trong quân đội, công an bị kỷ luật.

Chú trọng cả “Đức - Tài - Tâm”

Nguyên Bí thư Huyện ủy Sơn Tịnh Nguyễn Đình Oanh cho biết: Nêu gương là một nguyên tắc thực hành đạo đức theo Tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc nêu gương của CB, ĐV, nhất là của người đứng đầu. Chính vì vậy, vai trò của người đứng đầu có tính quyết định cho phong trào, cho sự nghiệp và cho vận mệnh của quốc gia, dân tộc. Ba chữ “Đức - Tài - Tâm” vô cùng quan trọng đối với người đứng đầu. Việc xử lý kỷ luật nghiêm những đảng viên vi phạm, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", cả cán bộ đương chức và nghỉ hưu đã giúp mỗi CB, ĐV tự soi, tự sửa, tự điều chỉnh hành vi, tích cực rèn luyện đạo đức, lối sống, tác phong công tác... Tôi tin tưởng Đại hội XIII của Đảng sẽ lựa chọn được những thủ lĩnh có đủ yếu tố “Đức - Tài - Tâm” để lãnh đạo đất nước phát triển vững mạnh.

Qua nhiệm kỳ Đại hội XII cho thấy, tính công khai, minh bạch, dân chủ trong Đảng ngày càng được phát huy. Đề cao trách nhiệm nêu gương với những quy định cụ thể, dễ nhớ, dễ làm và dễ kiểm tra, giám sát và nhận được sự đồng tình của CB, ĐV và nhân dân. Đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cần được làm ngay ở tất cả các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị. Đây là giải pháp mang lại hiệu quả, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Bài, ảnh: THANH THUẬN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2023/202101/phat-huy-vai-tro-neu-guong-cua-nguoi-dung-dau-3040584/