Phát huy vai trò ngành ngân hàng trong xây dựng nông thôn mới
Ngày 28/11, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự và phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành ngân hàng lần thứ VIII (2020-2025).
Phát biểu khai mạc Đại hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011-2020, toàn ngành ngân hàng có 51 đơn vị đăng ký hỗ trợ xây dựng nông thôn mới tại 45 tỉnh, 34 huyện và 152 xã với số tiền, vật chất là hơn 5.729 tỷ đồng.
Đến 31/3/2020, dư nợ cho vay trên địa bàn các xã trên toàn quốc đạt 1.216.713 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với thời điểm kết thúc giai đoạn 1, với hơn 9,5 triệu khách hàng.
Bên cạnh đó, đối với phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, ngành ngân hàng đã và đang đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam triển khai nhiều giải pháp như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh đối với doanh nghiệp.
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao những đóng góp của ngành ngân hàng trong việc đưa kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016-2020 đạt được nhiều kết quả tích cực.
Đặc biệt, trong triển khai phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, ngành ngân hàng đã có nhiều thành tích, góp phần tạo nên hệ thống chính sách đồng bộ cho Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Với phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, toàn ngành đã nỗ lực, đóng góp, hỗ trợ cho cuộc sống của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Đối với phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, ngành ngân hàng đã và đang đồng hành cùng doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp, như: đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh đối với doanh nghiệp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng quan trọng và then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ sau khi kết thúc dịch, do vậy, nhiệm vụ của ngành ngân hàng còn rất nặng nề; đòi hỏi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành phải ra sức thi đua, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy giao phó.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn, ngành tiếp tục nghiên cứu, học tập và vận dụng sáng tạo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước; thực hiện tốt Chỉ thị số 34 của Bộ Chính trị về đổi mới toàn diện công tác thi đua, khen thưởng; quán triệt sâu sắc, tăng cường triển khai, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức đúng đắn về công tác thi đua, khen thưởng.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo ngành ngân hàng cần có sự kết hợp đồng bộ giữa các phong trào thi đua thường xuyên với phong trào thi đua theo chuyên đề nhằm hỗ trợ thúc đẩy quá trình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ; nội dung thi đua cần tiếp tục bám sát với yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm của ngành, đặc biệt gắn với mục tiêu phát triển “an toàn - hiệu quả - bền vững”, đồng thời không ngừng sáng tạo để cung cấp thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tiện lợi, hiện đại.
Tại Đại hội, các tập thể, cá nhân ngành ngân hàng đạt nhiều thành tích xuất sắc trong giai đoạn 2015 - 2020 đã được trao các danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước.
Tại Đại hội, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã phát động phong trào thi đua trong toàn ngành với chủ đề “Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành ngân hàng phát huy truyền thống 70 năm, đoàn kết, sáng tạo, thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ ngành ngân hàng giai đoạn 2020 - 2025”.