Phát huy vai trò người có uy tín ở Vị Xuyên

BHG - Là “cánh tay” nối dài đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân; gương mẫu thực hiện các phong trào thi đua... NGƯỜI CÓ UY TÍN trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Vị Xuyên đang góp sức cùng các cấp, ngành ở địa phương phát triển KT - XH, gìn giữ QP - AN và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Người có uy tín xã Trung Thành tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ hủ tục, phát triển kinh tế.

Người có uy tín xã Trung Thành tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ hủ tục, phát triển kinh tế.

Ông Lộc Văn Đáo, thôn Hòa Bắc, xã Thuận Hòa là đảng viên, người có uy tín trong cộng đồng. Hàng tháng, thông qua các cuộc sinh hoạt chi bộ và các phương tiện truyền thông, ông nắm bắt kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước và tích cực truyên truyền, vận động nhân dân thực hiện; đặc biệt là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế. Gia đình ông đi đầu trong thôn phát triển chăn nuôi gà, lợn, trồng rừng, mỗi năm cho thu nhập hàng chục triệu đồng. Ông Đáo chia sẻ: “Mình nắm bắt được chủ trương, chính sách, kiến thức thì phải truyền đạt lại cho người dân cùng hiểu và thực hiện; mình làm kinh tế tốt thì phải hướng dẫn người dân cùng làm”. Với tinh thần chăm chỉ, sáng tạo và giàu kinh nghiệm trong cuộc sống, mong muốn cống hiến nhiều hơn cho xã hội, người có uy tín trên địa bàn huyện luôn tích cực, gương mẫu thực hiện và vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải tạo vườn tạp, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng các trang trại, gia trại, mô hình kinh tế mới hiệu quả, giúp đỡ, hỗ trợ người dân về cây, con giống, kỹ thuật để cùng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Hiện nay, Vị Xuyên đang quyết liệt triển khai 3 Chương trình MTQG gồm: Chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng Nông thôn mới (NTM) và phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS, miền núi. Cùng với các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, người có uy tín tại cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện; tích cực tham gia các phong trào thi đua, trong đó tiêu biểu là phong trào thi đua xây dựng NTM. Người có uy tín đã vận động bà con nhân dân hiến hàng nghìn m2 đất làm đường giao thông, nhà văn hóa thôn, đóng góp hàng tỷ đồng, hàng trăm nghìn ngày công xây dựng NTM. Ông Nguyễn Văn Hiện, thôn Thanh Sơn, xã Thanh Thủy là một điển hình. Năm nay dù đã ngoài 60 tuổi, ông vẫn tích cực tham gia vào các hoạt động của thôn, tự nguyện hiến trên 120 m2 đất làm đường bê tông liên thôn và nâng cấp, mở rộng sân thể thao đa năng của xã. Ông Hiện chia sẻ: “Không chỉ tuyên truyền suông, mà mình làm, bà con thấy được lợi ích thì bà con sẽ làm theo. Khi được nhân dân đồng thuận, chung tay thì mọi việc của thôn đều trở nên dễ dàng hơn”. Nhờ sự chung tay của người có uy tín, 3 chương trình MTQG trên địa bàn Vị Xuyên đã đạt nhiều kết quả tích cực: Tổng số vốn giải ngân 3 Chương trình giai đoạn 2022 - 2023 được trên 123 tỷ đồng, triển khai thi công 95 công trình, 8/8 nhiệm vụ quy hoạch; phê duyệt 41 dự án hỗ trợ sản xuất cộng đồng; tổ chức 18 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho 488 học viên; mở 9 lớp xóa mù chữ cho 200 học viên. Từ đầu năm đến nay đã phát động ra quân làm đường bê tông được 23 đợt với hơn 5.180 lượt người tham gia; phân bổ 4.200 tấn xi măng làm 29,7 km đường bê tông các loại; huy động nhân dân đóng góp trên 9.500 ngày công, hiến trên 1.900 m2 đất; tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 giảm 4,82%/năm.

Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 09 của BTV Tỉnh ủy và Nghị quyết số 27 của BCH Đảng bộ tỉnh về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, huyện Vị Xuyên tổ chức 86 hội nghị mạn đàm với trên 4.670 lượt người có uy tín, nghệ nhân dân gian, thầy mo, thầy cúng tham gia để nhận diện hủ tục và bàn giải pháp xóa bỏ. Nội dung Nghị quyết 27 được đưa vào quy ước, hương ước thôn; qua đó phát huy vai trò người có uy tín trong tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng với nhiều kết quả nổi bật: Một số hủ tục trong việc cưới được xóa bỏ như: Thách cưới cao, ăn uống dài ngày, ép hôn, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Đám tang tổ chức không quá 48 tiếng, một số nghi lễ được giảm bớt; 100% thôn, tổ dân phố thành lập ban lễ tang. Các lễ hội được tổ chức lành mạnh, vui vẻ, tiết kiệm; văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát triển. 100% cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và nhân dân ký cam kết thực hiện; nhiều mô hình tiêu biểu được nhân rộng.

Cùng với đó, người có uy tín đóng góp không nhỏ giúp lực lượng chức năng và chính quyền triển khai hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phát hiện tố giác tội phạm, tham gia hòa giải, giải quyết một số vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự ở cơ sở, nêu cao tinh thần cảnh giác, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động truyền đạo trái phép và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Huyện Vị Xuyên có 261 thôn, tổ dân phố, 19 dân tộc cùng sinh sống, dân số trên 115 nghìn người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 80%, các dân tộc: Tày, Dao, Mông, Nùng chiếm tỷ lệ cao. Toàn huyện có 227 người có uy tín trong đồng bào DTTS. Họ là già làng, trưởng bản, trưởng các dòng họ, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, thầy mo, thầy tạo, người sản xuất, kinh doanh giỏi... được nhân dân yêu mến, tín nhiệm. Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên Đặng Thị Phượng cho biết: “Với uy tín của mình, người có uy tín có vai trò, vị trí rất quan trọng trong đời sống xã hội, đóng góp tích cực vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT - XH, giữ vững QP-AN ở địa phương. Những người có uy tín không chỉ tuyên truyền, vận động người thân, dòng họ và nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, mà chính họ là những tấm gương sáng của bản làng, là “chất keo” kết dính khối đại đoàn kết toàn dân tộc và giúp củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, góp phần xây dựng Vị Xuyên phát triển bền vững”.

Bài, ảnh: BIỆN LUÂN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202308/phat-huy-vai-tro-nguoi-co-uy-tin-o-vi-xuyen-9092c28/