Phát huy vai trò người thầy trong đổi mới giáo dục
Để đáp ứng yêu cầu giáo dục trong thời đại mới, mỗi thầy cô giáo phải không ngừng trau dồi phẩm chất đạo đức, tri thức để xứng tầm với niềm tin yêu, tôn trọng của xã hội. Muốn làm được được điều đó, đội ngũ giáo viên không chỉ cần đủ số lượng mà còn phải được đào tạo, bồi dưỡng, tự học và sáng tạo, đáp ứng yêu cầu đổi mới của giáo dục-đào tạo (GD-ĐT) trong điều kiện hiện nay.
Cô giáo Vũ Thị Lý, giáo viên môn Sinh học, Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy là người được tôn vinh giáo viên tiêu biểu toàn quốc năm 2023. Cô Lý cho biết: Đối với giáo viên, việc đổi mới, sáng tạo trong dạy học là việc rất quan trọng. Với tôi, muốn đổi mới, sáng tạo trong dạy học, giáo viên phải có tinh thần tự học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, là tấm gương tự học cho học sinh noi theo. Để học sinh chiếm lĩnh được tri thức, có 3 yếu tố quan trọng, đó là niềm đam mê của học sinh, năng lực cá nhân và phương pháp dạy học.
Với quan niệm giáo viên không chỉ là người truyền kiến thức, mang kiến thức đến cho học sinh mà giáo viên còn là người hướng dẫn để học sinh có các hoạt động tự học tập, chủ động, mang kiến thức về cho bản thân, cô giáo Vũ Thị Lý đã tích cực áp dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, soạn những bài giảng có nội dung chính xác, khoa học, phù hợp với đối tượng học sinh, có phương pháp hướng dẫn học sinh hợp lý nhất.
Trong năm học 2022-2023, đội tuyển HSG quốc gia của tỉnh do cô Lý làm chủ nhiệm đã có 4/6 học sinh tham gia đoạt giải, trong đó có 1 giải nhất, 1 giải nhì và có 2 học sinh tham gia đội tuyển Olympic Sinh học quốc tế.
Xác định tầm quan trọng của người thầy trong quá trình đổi mới giáo dục, bám sát quan điểm lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường là nền tảng, thầy cô là động lực, gia đình là trụ cột, công tác đào tạo, bồi dưỡng được ngành GD-ĐT tập trung chỉ đạo, triển khai với nhiều hình thức. Đến nay, toàn ngành có gần 16 nghìn cán bộ, giáo viên, nhân viên; tỷ lệ nhà giáo có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên là 96,9%, trong đó trên chuẩn là 37,3%, có 3 tiến sĩ, trên 700 thạc sĩ... Nhìn chung, các giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ.
Cô trò Trường THCS Đinh Tiên Hoàng (Hoa Lư) trong tiết học có sự đổi mới phương pháp dạy và học.
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Phương, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Đinh Tiên Hoàng (huyện Hoa Lư) cho biết: Thực hiện mục tiêu giáo dục, đào tạo hướng tới phát triển con người toàn diện cả phẩm chất và năng lực, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế, để trở thành "công dân toàn cầu", Trường THCS Đinh Tiên Hoàng đã chỉ đạo giáo viên chuyển đổi mạnh mẽ phương pháp giảng dạy, từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; từ chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý dạy và học ứng dụng công nghệ thông tin, các hoạt động ngoại khóa, nghiên cứu khoa học; giáo dục của nhà trường kết hợp với giáo dục của gia đình và giáo dục từ xã hội.
Đặc biệt, khuyến khích sự đổi mới, sáng tạo trong dạy học của giáo viên, phát huy tinh thần tự học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, là tấm gương tự học cho học sinh noi theo. Do đó, hơn 30 năm xây dựng và phát triển, Trường THCS Đinh Tiên Hoàng là đơn vị tốp đầu khối THCS, là địa chỉ tin cậy của cấp ủy, chính quyền địa phương, của ngành GD-ĐT huyện Hoa Lư. Năm học 2022-2023, Trường THCS Đinh Tiên Hoàng được UBND huyện Hoa Lư tặng cờ nhất về phong trào bồi dưỡng HSG.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Đình Khanh, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh cho biết: Một trong những chương trình trọng tâm, luôn được Hội quan tâm vận động là nhà giáo về hưu đóng góp kinh nghiệm, trí tuệ của nhà giáo, góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
Các cấp Hội Cựu giáo chức phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn cùng cấp xây dựng cơ chế "4 cùng", gồm: Cùng tham gia đánh giá phát hiện tình hình; cùng tham gia góp ý, xây dựng chương trình hoạt động của ngành; cùng triển khai một số công việc có chọn lọc và cùng phối hợp chăm sóc đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã nghỉ hưu.
Bên cạnh đó, hội viên cựu giáo chức còn phát huy vai trò tích cực trong việc đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Nhiều cựu giáo chức đã tích cực tham gia giảng dạy tại các Trung tâm học tập cộng đồng, tham gia vào công tác biên soạn tài liệu hoặc tham gia học tập các chuyên đề tại các Trung tâm học tập cộng đồng; một số hội viên cựu giáo chức trực tiếp tham gia bồi dưỡng kèm các cháu học sinh khá giỏi hoặc yếu, kém.
Hiện toàn Hội có 44 hội viên cựu giáo chức là Phó giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng; 104 hội viên cựu giáo chức tham gia dạy tại các Trung tâm học tập cộng đồng…
Sinh hoạt chuyên môn nâng cao chất lượng giảng dạy tại Trường THCS Đinh Tiên Hoàng (Hoa Lư).
Từ việc chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, quản lý cả về số lượng và chất lượng đã từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, triển khai có hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông mới năm 2018, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nâng cao chất lượng mũi nhọn; xây dựng môi trường giáo dục kỷ cương, văn hóa, nhân văn.
Tỉnh Ninh Bình nhiều năm liên tục đứng trong tốp 5 tỉnh dẫn đầu cả nước về điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT. Số lượng, chất lượng giải HSG quốc gia được nâng lên. Tham gia các cuộc thi, sân chơi trí tuệ, Ninh Bình có nhiều học sinh đạt thành tích cao. Sở GD-ĐT nằm trong tốp 5 đơn vị dẫn đầu của tỉnh về chỉ số CCHC; năm 2022 chỉ số chuyển đổi số xếp thứ nhất trong các sở, ngành của tỉnh...