Phát huy vai trò nông dân giỏi, doanh nhân nông thôn

Với mục tiêu nâng cao chất lượng phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh (SXKD) giỏi, Hội Nông dân tỉnh An Giang sẽ tăng cường hỗ trợ hội viên, nông dân thực hiện các mô hình sản xuất hiệu quả và phát triển đội ngũ doanh nhân nông thôn cả về chất lượng và số lượng.

Tuyên dương nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi và doanh nhân nông thôn

Theo Hội Nông dân tỉnh, An Giang hiện có hơn 82.300 nông dân SXKD giỏi và 116 tập thể SXKD giỏi. Tổng doanh thu nông dân SXKD giỏi cấp tỉnh trên 11.525 tỷ đồng, hộ nông dân SXKD giỏi cấp tỉnh có thu nhập thấp nhất trên 150 triệu đồng/hộ/năm, hộ có thu nhập cao nhất hơn 26,2 tỷ đồng/hộ/năm, qua đó đã góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người trong tỉnh.

So với năm 2018, số lượng nông dân SXKD giỏi cả tỉnh đã giảm về số lượng do các cấp hội tiến hành củng cố, nâng cao tiêu chí xét chọn để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập kinh tế nông hộ trên cùng đơn vị diện tích theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Từ đó, tạo ra giá trị sản phẩm nông nghiệp lớn, góp phần vào quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn An Giang.

Hiện nay, toàn tỉnh An Giang có 192 mô hình tiêu biểu, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng của địa phương. Đặc biệt, nhiều nông dân đã mạnh dạn áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, giảm chi phí đầu tư và tăng thu nhập từ mô hình của mình.

Những sản phẩm được thị trường đánh giá cao, trở thành đặc sản tiêu biểu của tỉnh, như: tung lò mò, nếp Phú Tân, đường thốt nốt, khô các loại, xoài thơm, nhãn xuồng, xoài 3 màu, dâu tằm… đã dần chinh phục được người tiêu dùng khắp nơi.

Tuy có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả nhưng việc nông dân quen làm ăn nhỏ lẻ sẽ không thể đáp ứng được những yêu cầu của thị trường hiện nay. Do đó, Hội Nông dân tỉnh An Giang đang quan tâm, phát triển các mô hình kinh tế hợp tác, vận động nông dân tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm trên cùng đơn vị diện tích, tạo điều kiện cho việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp tại các địa phương.

Thời gian qua, việc nông dân tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp không còn xa lạ. Năm 2019, nhiều doanh nghiệp bắt tay với nông dân theo kiểu “Cánh đồng lớn”, như: Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương, Công ty Cổ phần Gentraco, chi nhánh Công ty Cổ phần Lương thực Bình Định tại An Giang... Trong đó, những mô hình liên kết mang tính bền vững, tạo được niềm tin với nông dân như: Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex), Công ty Angimex-Kitoku.

Với kết quả đó, Hội Nông dân tỉnh An Giang đang tập trung hỗ trợ mô hình liên kết tiêu thụ nông sản giữa tổ hợp tác, hợp tác xã với doanh nghiệp. Đây là xu hướng hợp lý, đảm bảo tốt quyền và lợi ích của nông dân trong cơ chế cạnh tranh thị trường gay gắt như hiện nay.

Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn trong việc đảm bảo tính pháp lý trong thực hiện liên kết tiêu thụ nông sản theo chuỗi. Tuy nhiên, vẫn còn ít doanh nghiệp có thể gắn bó lâu dài với nông dân thông qua mô hình kinh tế hợp tác vì nhiều nguyên nhân, cả khách quan lẫn chủ quan.

Để tạo điều kiện cho nông dân mở rộng sản xuất, trở thành những cá nhân SXKD giỏi, Hội Nông dân tỉnh xác định tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của hội, tăng cường tư vấn dịch vụ, hỗ trợ và dạy nghề cho nông dân, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên.

Ngoài ra, các cấp hội cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nông dân đăng ký, xét chọn nông dân giỏi hàng năm. Đặc biệt, cần tiếp tục quan tâm cơ cấu ngành nghề, đặc biệt trong việc vận động nông dân làm kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, sản xuất đa canh, nông dân làm du lịch… để đa dạng hóa ngành nghề trong lĩnh vực nông nghiệp. Qua đó, tạo được nền tảng vững chắc, giúp nông dân bớt lệ thuộc vào cây lúa và bắt kịp xu hướng phát triển của thị trường hiện nay.

THANH TIẾN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/phat-huy-vai-tro-nong-dan-gioi-doanh-nhan-nong-thon-a263640.html