Phát huy vai trò phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để xây dựng quê hương

Thời gian qua, bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các văn bản của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam và tổ chức thành viên, hằng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị ban hành kế hoạch giám sát, phản biện xã hội, qua đó kịp thời phát hiện và kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý sai phạm, đồng thời sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đào Mạnh Hùng làm việc với lãnh đạo xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa về những nội dung mà người dân kiến nghị liên quan đến dự án điện gió trên địa bàn - Ảnh: N.V

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đào Mạnh Hùng làm việc với lãnh đạo xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa về những nội dung mà người dân kiến nghị liên quan đến dự án điện gió trên địa bàn - Ảnh: N.V

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ trì, phối hợp với đoàn thể chính trị-xã hội cấp tỉnh phản biện đối với dự thảo luật, chủ trương, chính sách lớn của Trung ương và địa phương. Đoàn thể chính trị-xã hội thực hiện phản biện xã hội đối với dự thảo luật, pháp lệnh, văn bản quy phạm pháp luật và dự thảo nghị quyết, quy chế, quy định, đề án, chương trình phát triển KT-XH từ trung ương đến địa phương theo quy định cũng như đối với những dự thảo chủ trương, chính sách lớn của địa phương khi được yêu cầu phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân.

Đối với Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện lựa chọn nội dung giám sát, phản biện xã hội phù hợp trên cơ sở những vấn đề mà Nhân dân quan tâm, bức xúc, được cấp ủy cùng cấp phê duyệt cũng như phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp, ngành có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp Nhân dân tham gia chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trực tiếp giám sát và tham gia hoạt động giám sát thông qua ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng.

Để lấy ý kiến Nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Ủy ban MTTQ Việt Nam và tổ chức thành viên các cấp đã tổ chức 139 hội nghị, 131 cuộc họp dân, qua đó nhận được 525 ý kiến đóng góp, tập trung vào 63 nhóm vấn đề, ý kiến có giá trị. Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã nhận được ý kiến của Nhân dân liên quan đến 28 vấn đề của dự thảo quy hoạch. Sau hội nghị, ngày 31/5/2023, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổng hợp bằng báo cáo gửi các cấp, ngành liên quan xem xét xử lý.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để cử tri xã Húc Nghì, huyện Đakrông phản ánh, kiến nghị đến tỉnh và Quốc hội nhiều vấn đề về phát triển KT-XH của địa phương - Ảnh: N.V

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để cử tri xã Húc Nghì, huyện Đakrông phản ánh, kiến nghị đến tỉnh và Quốc hội nhiều vấn đề về phát triển KT-XH của địa phương - Ảnh: N.V

Cùng với đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Đoàn ĐBQH tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức tiếp xúc cử tri trước, sau kỳ họp Quốc hội khóa XV, HĐND tỉnh, nhiệm kỳ 2021-2026, qua đó tổng hợp hàng trăm ý kiến gửi đến trung ương và địa phương xem xét giải quyết về những vấn đề đang đặt ra trong phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng đã phối hợp triển khai lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với dự án đường tránh phía Đông thành phố Đông Hà tại 4 đơn vị cơ sở, qua đó tổng hợp 24 ý kiến, kiến nghị đến cơ quan, ban, ngành có liên quan...

Để nâng cao chất lượng giám sát và phản biện xã hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nghiên cứu và bảo vệ thành công đề tài khoa học cấp tỉnh “Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị trong giai đoạn hiện nay”.

Trong đó, đánh giá đúng thực trạng hoạt động giám sát, phản biện xã hội trước và sau khi có Quyết định số 217 ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội; Quyết định số 218 ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, qua đó đưa ra giải pháp thực hiện ngày càng tốt hơn hai quyết định này của Bộ Chính trị và nhiều chuyên đề, đề án khác. Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã tham gia hàng nghìn ý kiến có chất lượng về các dự thảo chương trình, kế hoạch, đề án, nghị quyết phát triển KT-XH, đảm bảo AN-QP trên địa bàn tỉnh.

Người dân tích cực giám sát xây dựng đường giao thông - Ảnh: T.N

Người dân tích cực giám sát xây dựng đường giao thông - Ảnh: T.N

Đánh giá kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 2019- 2024 về công tác phản biện xã hội, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đào Mạnh Hùng khẳng định, chất lượng hoạt động phản biện xã hội của MTTQ trong tỉnh từng bước được nâng cao, tập trung phản biện dự thảo văn kiện đại hội đảng các cấp, nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND, đề án, chương trình phát triển KT-XH của tỉnh. Ý kiến của Mặt trận trong các hội nghị phản biện, góp ý dự thảo văn bản được cơ quan soạn thảo, các cấp, ngành tiếp thu, có văn bản tổng hợp và chỉnh lý, bổ sung, qua đó góp phần nâng cao chất lượng chương trình, đề án, quy hoạch, chính sách của tỉnh.

Cùng với đó, công tác phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh ngày càng cụ thể, đồng bộ, thực chất; nội dung phản biện xã hội được thực hiện đảm bảo quy trình quy định, thiết thực, phù hợp.

Bên cạnh việc triển khai đầy đủ, đảm bảo nội dung, yêu cầu của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội cấp tỉnh còn chủ động tham mưu, đề xuất, chủ trì phối hợp tổ chức giám sát, kiểm tra, phản biện góp ý những lĩnh vực, vấn đề mới nảy sinh, mang tính trọng tâm, trọng điểm, nổi cộm được dư luận và Nhân dân quan tâm.

Trong thời gian tới, hằng năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh tổ chức phản biện xã hội ít nhất 2-3 vấn đề lớn liên quan đến toàn xã hội; tổ chức chính trị-xã hội phản biện xã hội ít nhất 1-2 vấn đề; Ủy ban MTTQ cấp huyện ít nhất 2 vấn đề, cấp xã ít nhất 1 vấn đề xã hội quan tâm trên địa bàn.

Nguyễn Vinh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/phat-huy-vai-tro-phan-bien-xa-hoi-cua-mat-tran-to-quoc-viet-nam-de-xay-dung-que-huong-187425.htm