Phát huy vai trò Quỹ bảo hiểm y tế
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, năm 2024, cả nước có 186,2 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nội trú và ngoại trú (tăng 12,211 triệu lượt người so với cùng kỳ năm 2023), với số tiền đề nghị thanh toán là 142.985 tỷ đồng (tăng 18.685 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023).
Chi phí vướng mắc tồn đọng được giải quyết
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, trong năm 2024, công tác thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) của ngành được triển khai hiệu quả; vừa kiểm soát chặt chẽ, tối ưu hóa hiệu quả sử dụng Quỹ BHYT trong điều kiện các nguồn lực có hạn; vừa đảm bảo chi đúng, chi đủ, kịp thời các hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân. Theo đó, năm 2024, cả nước có 186,2 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT nội trú và ngoại trú với số tiền đề nghị thanh toán là 142.985 tỷ đồng.
Đặc biệt, BHXH Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách BHYT, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia. Qua đó, phần lớn chi phí vướng mắc tồn đọng từ năm 2023 trở về trước đã được thanh, quyết toán cho các cơ sở khám chữa bệnh BHYT, giúp các cơ sở khám chữa bệnh có kinh phí đảm bảo công tác khám chữa bệnh và quyền lợi cho người tham gia BHYT theo quy định pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và sự hài lòng của người dân.
BHXH Việt Nam cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn BHXH các tỉnh tăng cường thực hiện quyết liệt các biện pháp, giải pháp để kiểm soát chặt chẽ chi phí khám chữa bệnh BHYT đảm bảo đúng quy định, tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời, thường xuyên phân tích, đánh giá việc gia tăng chi phí khám chữa bệnh BHYT hàng tháng, kịp thời cảnh báo các cơ sở khám chữa bệnh BHYT có chi phí bình quân tăng cao so với các cơ sở cùng hạng, cùng tuyến, cùng chuyên khoa.
Từ đó, yêu cầu BHXH các tỉnh phối hợp Sở Y tế và các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thực hiện điều chỉnh phù hợp theo quy định của Nghị định số 75/2023/NĐ-CP; tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc hàng tháng đến BHXH cấp huyện để đánh giá, kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT, và tăng cường công tác giám định BHYT.
Đề xuất khám chữa bệnh BHYT ngày cuối tuần
Minh chứng từ thực tế cho thấy, chính sách BHYT có ý nghĩa thiết thực, góp phần quan trọng trong công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tham gia BHYT không chỉ là quyền lợi của mỗi người dân mà còn là thể hiện trách nhiệm tuân thủ pháp luật và tinh thần tương thân tương ái để chia sẻ với những người không may gặp rủi ro về sức khỏe.
Hiện nay, quỹ BHYT thực hiện chi trả chi phí điều trị cho tất cả các bệnh hiểm nghèo như nhóm bệnh về: tim mạch, ung thư, bệnh hiếm… Đây là các nhóm bệnh sẽ phải điều trị dài ngày hoặc suốt đời, có chi phí điều trị lớn. Đã có rất nhiều trường hợp người dân tham gia BHYT đi khám chữa bệnh được sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn, được quỹ BHYT chi trả lên tới hàng tỷ đồng. Nhờ đó, người bệnh vượt qua khó khăn về kinh tế để yên tâm tiếp tục điều trị bệnh. Với giá trị từ quỹ BHYT đem lại mới đây, Cử tri TP Cần Thơ đã có kiến nghị tới Bộ Y tế về việc khám chữa bệnh vào cả ngày thứ Bảy và Chủ nhật.
Về đề xuất này, Bộ Y tế thông tin tại khoản 2, Điều 2, Nghị định 96/2023/NĐ-CP quy định giờ làm việc hành chính của cơ sở khám chữa bệnh, là khoảng thời gian do cơ sở khám chữa bệnh xác định. Giờ làm việc được công bố công khai để giải quyết các công việc hành chính của cơ sở, bảo đảm phù hợp với quy định về thời giờ làm việc của pháp luật về lao động.
Bên cạnh đó, theo khoản 10, Điều 27, Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định thanh toán chi phí khám chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có tổ chức khám chữa bệnh BHYT vào ngày nghỉ, ngày lễ như sau: Người có thẻ BHYT đến khám bệnh, chữa bệnh được quỹ BHYT thanh toán trong phạm vi được hưởng và mức hưởng BHYT.
Cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm bảo đảm về nhân lực, điều kiện chuyên môn, công khai những khoản chi phí mà người bệnh phải chi trả ngoài phạm vi được hưởng và mức hưởng BHYT, và phải thông báo trước cho người bệnh. Đồng thời, thông báo bằng văn bản cho cơ quan BHXH để bổ sung vào hợp đồng khám chữa bệnh vào ngày lễ, ngày nghỉ để làm cơ sở thanh toán.
Theo Bộ Y tế, như vậy, khi khám bệnh vào ngày thứ Bảy, Chủ Nhật đối với các bệnh viện có tổ chức khám chữa bệnh BHYT vào ngày nghỉ, thì người có BHYT vẫn sẽ được chi trả trong phạm vi được hưởng và mức hưởng BHYT. Đối với các bệnh viện không tổ chức khám chữa bệnh vào thứ Bảy, Chủ Nhật thì được xác định là đúng tuyến khám chữa bệnh BHYT trong trường hợp cấp cứu tại Thông tư 40/2015 của Bộ Y tế.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/phat-huy-vai-tro-quy-bao-hiem-y-te-10298211.html