Phát huy vai trò, quyền tham gia của trẻ em
Sinh hoạt CLB QTGCTE ở Trường THCS Trần Quốc Toản (TP Tuy Hòa). Ảnh: KIM CHI
Luật Trẻ em năm 2016 có 25 điều quy định về quyền của trẻ em. Trong đó, quyền khai sinh, được chăm sóc sức khỏe, được bảo vệ phòng ngừa rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, quyền được tham gia học tập, quyền được phát triển... là các quyền cơ bản đã được tỉnh quan tâm thực hiện rất nghiêm túc bằng nhiều hoạt động thiết thực.
Với chức năng quản lý nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Sở LĐ-TB-XH đã tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh chỉ đạo các ngành thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và bảo đảm các quyền trẻ em trên địa bàn.
Hiệu quả từ mô hình câu lạc bộ
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát và diễn biến hết sức phức tạp, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và bảo đảm an toàn cho trẻ em; tăng cường các biện pháp phòng chống tai nạn thương tích trẻ em...
Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, cho biết: Sở cũng đã ban hành các văn bản về việc hướng dẫn xây dựng mô hình câu lạc bộ (CLB) Quyền tham gia của trẻ em (QTGCTE) tại 9 huyện, thị xã, thành phố và duy trì hoạt động 1 CLB Phóng viên nhỏ; hướng dẫn các đơn vị tổ chức diễn đàn trẻ em cấp huyện và tham gia diễn đàn trẻ em cấp tỉnh. Hàng năm hướng dẫn các đơn vị triển khai các hoạt động về chương trình QTGCTE, lồng ghép việc thực hiện chương trình với các hoạt động trẻ em khác...
CLB QTGCTE Trường THCS Trần Quốc Toản (phường 4, TP Tuy Hòa) là một trong những CLB thành lập sớm và duy trì hoạt động thường xuyên. Các thành viên ở độ tuổi từ 13-15, trao đổi rất sôi nổi, thẳng thắn khi sinh hoạt CLB.
Em Ngô Ngọc Phương Anh, lớp 8, thành viên CLB, chia sẻ: “Mỗi lần sinh hoạt, CLB sẽ chọn chủ đề khác nhau để các bạn thảo luận. Các bạn rất háo hức tham gia sinh hoạt để nêu ý kiến, đặt vấn đề trong buổi thảo luận. Qua sinh hoạt CLB, chúng em có thêm trải nghiệm và hiểu biết về các vấn đề trẻ em như phòng chống tai nạn thương tích, xâm hại tình dục, bạo lực, bình đẳng giới...”.
Theo bà Trần Thị Thanh Phương, chuyên viên Sở LĐ-TB-XH, trẻ em tham gia các CLB đều được tham vấn ý kiến, bày tỏ quan điểm của mình về những chính sách, chủ trương, kế hoạch, quyết định, những vấn đề về trẻ em tại nhà trường và trong cộng đồng. Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, các CLB hoạt động rất sôi nổi, các em có sân chơi bổ ích, mạnh dạn nêu lên những vấn đề trong xã hội mà mình quan tâm. Các quyết định có liên quan đến trẻ em trong nhà trường được tham vấn ý kiến các em qua các hình thức như: bày tỏ ý kiến nguyện vọng trực tiếp với giáo viên, thông qua sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ toàn trường, qua hòm thư “Điều em muốn nói” hoặc thông qua phụ huynh...
Chú trọng công tác truyền thông
Thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, nhằm phát huy và thực hiện tốt quyền của trẻ em, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch hành động và chính sách hỗ trợ vì trẻ em, lồng ghép vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện tốt chương trình vì trẻ em. Trong đó, quan tâm triển khai chương trình theo hướng thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh nhằm nâng cao nhận thức, cung cấp kiến thức, kỹ năng thực hiện QTGCTE cho các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em.
Theo bà Phạm Thị Minh Hiền, hàng năm, Sở LĐ-TB-XH thường xuyên lồng ghép tổ chức truyền thông, tuyên truyền Luật Trẻ em, Quyết định 152 của UBND tỉnh về phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình thúc đẩy QTGCTE các vấn đề trẻ em tỉnh. Tập trung truyền thông, tuyên truyền trong các đợt cao điểm: Tháng hành động vì trẻ em, Tết Trung thu. Tăng cường các hình thức tuyên truyền trực quan như: băng rôn, pano, áp phích... nhằm thay đổi nhận thức và vận động sự tham gia của toàn xã hội ủng hộ việc thực hiện QTGCTE.
Bên cạnh đó, để thúc đẩy QTGCTE, các trường THCS cũng đẩy mạnh công tác truyền thông trong nhà trường, trẻ em được tiếp cận thông tin chủ yếu thông qua hoạt động giảng dạy (môn đạo đức, giáo dục công dân, giáo dục kỹ năng sống). Ngoài ra, trẻ em còn được tiếp cận thông tin qua các buổi sinh hoạt lớp, chào cờ, hoạt động ngoại khóa, các buổi nói chuyện chuyên đề...
“Thời gian tới, các cấp, ngành sẽ xây dựng các tài liệu định hướng truyền thông, sản phẩm truyền thông về QTGCTE trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Phối hợp với các ban ngành, địa phương, tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, giáo dục về QTGCTE thường xuyên, liên tục hàng năm vào các đợt cao điểm như: Tháng hành động vì trẻ em, sinh hoạt hè; các ngày lễ, tết, quốc tế thiếu nhi, trung thu… Phối hợp truyền thông tại cộng đồng (nhà văn hóa thôn, khu phố, trường học, các điểm tư vấn…) với các hình thức phù hợp về thực hiện QTGCTE”, bà Hiền cho biết thêm.
Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, các CLB hoạt động rất sôi nổi, giúp các em có sân chơi bổ ích, mạnh dạn nêu lên những vấn đề trong xã hội mà mình quan tâm. Các quyết định có liên quan đến trẻ em trong nhà trường được tham vấn ý kiến các em qua các hình thức như: bày tỏ ý kiến nguyện vọng trực tiếp với giáo viên, thông qua sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ toàn trường, qua hòm thư “Điều em muốn nói” hoặc thông qua phụ huynh...