Phát huy vai trò 'Tổ liên gia bảo vệ môi trường'
Thời gian qua, hoạt động của các 'Tổ liên gia bảo vệ môi trường' trên địa bàn thành phố Lạng Sơn đã từng bước thay đổi hành vi, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, cộng đồng trong công tác giữ gìn, bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp.
Gần 1 tháng nay, 28 thành viên của “Tổ liên gia bảo vệ môi trường” tổ 5, khối 6, phường Vĩnh Trại đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân ở khu dân cư thực hiện phân loại chất thải rắn theo đề án thí điểm mô hình thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn do Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai tại thành phố Lạng Sơn.
Bà Dương Thị Y Vân, Tổ trưởng "Tổ liên gia bảo vệ môi trường" tổ 5, khối 6, phường Vĩnh Trại chia sẻ: Trước đây, các gia đình chưa thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, các loại rác thải đều gom chung vào một thùng. Khi UBND phường triển khai thực hiện mô hình thí điểm phân loại rác tại nguồn, tôi đã chia sẻ tài liệu hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về lợi ích của việc phân loại chất thải rắn, kỹ thuật phân loại và quy định thu gom, vận chuyển chất thải rắn... cho các gia đình trong tổ liên gia để thực hiện, từ đó các thành viên trong tổ liên gia tuyên truyền, vận động người dân xung quanh thực hiện theo. Cùng đó, tôi và các thành viên trong "Tổ liên gia bảo vệ môi trường" cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân phân loại rác đúng quy định. Nhờ đó, sau gần 1 tháng triển khai, hiện nay cơ bản các hộ dân ở khu dân cư đã thực hiện tốt việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Còn tại thôn Đồi Chè, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn, 13 "Tổ liên gia bảo vệ môi trường" với trên 200 hộ dân tham gia đã duy trì đều đặn nếp sinh hoạt, mỗi tháng tổ chức 2 buổi tổng vệ sinh môi trường và tuyên truyền, vận động người dân thực hiện phân loại rác thải tại khu dân cư vào ngày thứ 7 hoặc Chủ nhật. Nhờ đó, ý thức của người dân trong thôn được nâng lên, đường làng, ngõ xóm sạch, đẹp, không còn ô nhiễm môi trường.
Bà Bùi Thị Nga, thôn Đồi Chè, xã Hoàng Đồng cho biết: Cứ vào 6 giờ sáng Chủ nhật tuần thứ 2 hằng tháng, các gia đình trong thôn đều ra quét đường làng, dọn dẹp vệ sinh, chăm sóc hoa tại khu dân cư, sân chơi thể thao, nhà văn hóa thôn. Bây giờ chúng tôi đã có ý thức hơn, không vứt rác bừa bãi ra đường, nhà nào cũng chủ động phân loại rác, thu gom rác có khả năng tái chế bỏ vào "Ngôi nhà xanh" đặt tại nhà văn hóa thôn.
Trên đây là 2 trong nhiều khu dân cư trên địa bàn thành phố đã phát huy tốt vai trò của "Tổ liên gia bảo vệ môi trường". Thực hiện Kết luận số 1147 ngày 13/10/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 98 ngày 15/4/2020 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố Lạng Sơn giai đoạn 2020 – 2025, cuối tháng 11/2023, Thành ủy Lạng Sơn đã chỉ đạo 8 phường, xã trên địa bàn thành phố triển khai mô hình dân vận khéo “Tổ liên gia bảo vệ môi trường”.
Theo đó, mỗi tổ liên gia có từ 10 – 40 hộ dân tham gia, hằng tháng các tổ ra quân ít nhất 2 buổi để dọn vệ sinh môi trường và tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường và phân loại rác thải tại gia đình.
Đến nay, thành phố Lạng Sơn có trên 300 “Tổ liên gia bảo vệ môi trường” với hơn 9.000 hộ dân tham gia. Bà Hoàng Thị Huyền, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Lạng Sơn cho biết: Các "Tổ liên gia bảo vệ môi trường" khi thành lập đều có quy chế hoạt động cụ thể, phù hợp với từng địa bàn khu dân cư. Mỗi tháng các tổ liên gia ở các xã, phường ra quân dọn vệ sinh môi trường đồng thời tuyên truyền, vận động người dân tích cực phân loại rác thải. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng và phát huy hiệu quả hoạt động của mô hình này trong việc tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ môi trường, đặc biệt là thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Có thể thấy, mô hình "Tổ liên gia bảo vệ môi trường" trên địa bàn thành phố Lạng Sơn đã tác động tích cực đến ý thức của cá nhân, gia đình và cộng đồng dân cư trong việc tự giác tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường. Mô hình bước đầu hình thành thói quen tốt, phát huy trách nhiệm giám sát và tự giám sát của nhân dân trong thực hiện các quy định bảo vệ môi trường tại cộng đồng dân cư trên địa bàn.
Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/phat-huy-vai-tro-to-lien-gia-bao-ve-moi-truong-5007968.html