Phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, duy trì hòa bình, ổn định
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 53 và các Hội nghị liên quan được tổ chức trực tuyến từ 9-12/9/2020 đã thành công tốt đẹp với sự tham dự, đóng góp tích cực của tất cả các Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên ASEAN và đối tác, Tổng Thư ký ASEAN và các khách mời.
Xem xét, thông qua 42 văn kiện
Thông tin tại buổi họp báo quốc tế về kết quả Hội nghị AMM 53 và các hội nghị liên quan chiều tối ngày 12/9/2020, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, tại các Hội nghị, các Bộ trưởng đã xem xét và thông qua số lượng kỷ lục 42 văn kiện, trong đó có Thông cáo chung của AMM53, Kế hoạch hành động Hà Nội II của Diễn đàn Khu vực (ARF).
Các nước cũng nhất trí với nhiều đề xuất của Việt Nam, trong đó Việt Nam tại hội nghị lần này đã đưa ra 10 sáng kiến và đã được thông qua đó là Tuyên bố Hà Nội kỷ niệm 15 năm thành lập các nước Đông Á (EAS), tổ chức họp Nhóm chuyên gia EAS về Covid-19, ra Tuyên bố lãnh đạo ASEAN +3 về tăng trường hợp tác kinh tế ASEAN+3 về kinh tế và ổn định tài chính…
“Thành công của 19 Hội nghị cấp Bộ trưởng và các Phiên họp vừa qua trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp cho thấy sự đoàn kết, thống nhất và quyết tâm mạnh mẽ của các nước ASEAN, đồng thời thể hiện sự linh hoạt, chủ động và tích cực của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong các Hội nghị, các Bộ trưởng ASEAN tiếp tục khẳng định quyết tâm và cam kết mạnh mẽ thực hiện đầy đủ, hiệu quả các mục tiêu và ưu tiên hợp tác trên tinh thần “Gắn kết và Chủ động thích ứng” của năm 2020. Đồng thời, nhất trí tiếp tục nỗ lực triển khai đúng tiến độ các Kế hoạch tổng thể thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 trên cơ sở kết quả kiểm tra giữa kỳ trên cả ba trụ cột; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ và hiệu quả các quy định của Hiến chương ASEAN, thông qua đánh giá kịp thời về kết quả triển khai Hiến chương thời gian vừa qua; ủng hộ nỗ lực thảo luận xây dựng định hướng phát triển của ASEAN trong giai đoạn mới sau khi hoàn thành Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
Các Bộ trưởng cũng dành quan tâm cao đến việc nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN và các cơ chế, diễn đàn do ASEAN dẫn dắt trong bối cảnh môi trường toàn cầu và khu vực thay đổi nhanh chóng, phức tạp; thống nhất thúc đẩy vai trò của ASEAN trong hợp tác tiểu vùng, gắn kết phát triển tiểu vùng với tiến trình phát triển chung của ASEAN.
Về đại dịch Covid-19, Phó Thủ tướng cho biết, các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì đoàn kết, thống nhất, cách tiếp cận tổng thể của cả Cộng đồng ASEAN trong kiểm soát lây nhiễm và giảm thiểu tác động của dịch bệnh trong khi giữ vững đà hợp tác liên kết, xây dựng Cộng đồng ASEAN và triển khai hiệu quả các sáng kiến quan trọng của khu vực về ứng phó với đại dịch.
Các Bộ trưởng hoan nghênh những đóng góp ban đầu đáng khích lệ của các nước cho Quỹ ASEAN ứng phó với Covid-19, nhất trí sửa các quy định của Quỹ để tạo thuận lợi cho các nước đối tác đóng góp cho Quỹ; sớm thành lập và đưa vào vận hành Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp của khu vực.
ASEAN không muốn bị kẹt trong cạnh tranh nước lớn
Về quan hệ đối ngoại, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, các Bộ trưởng đã trao đổi về các biện pháp tăng cường quan hệ đối tác của ASEAN vì hòa bình và phát triển bền vững. Các Đối tác tiếp tục coi trọng ASEAN, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong định hình cấu trúc khu vực rộng mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ.
Các Bộ trưởng ASEAN và các Đối tác tái khẳng định cam kết ủng hộ hợp tác đa phương và khuôn khổ quan hệ giữa các quốc gia dựa trên nền tảng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Đồng thời, ASEAN cũng nhất trí trao quy chế Đối tác phát triển cho Pháp và Italia, chấp thuận Colombia và Cuba tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC). Các Bộ trưởng cũng đề ra các biện pháp tăng cường sự đóng góp của ASEAN trên các vấn đề toàn cầu, qua đó nâng cao vai trò và tiếng nói của ASEAN trong khu vực và trên thế giới.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về ứng xử của ASEAN trong bối cảnh các nước lớn cọ xát và cạnh tranh chiến lược, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, cạnh tranh chiến lược là một thực tế đang diễn ra và điều này đã được trao đổi tại nhiều hội nghị và diễn đàn trên thế giới.
ASEAN có các cơ chế như EAS và ARF - là những diễn đàn để trao đổi về các vấn đề chiến lược và những vấn đề trong quan hệ giữa các nước liên quan đến khu vực. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn vì thế cũng là một phần chương trình nghị sự của các cuộc họp.
Nhân dịp kỷ niệm 53 năm thành lập ASEAN, các Ngoại trưởng ASEAN đã ra tuyên bố về duy trì hòa bình, ổn định ở Đông Nam Á, thể hiện rõ quan điểm của các nước ASEAN là mong muốn xây dựng Đông Nam Á trở thành một khu vực ổn định, hòa bình, thịnh vượng, mong muốn tất cả các nước trên thế giới và khu vực đóng góp vai trò tích cực, hỗ trợ việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.
“Điều đó cũng thể hiện vai trò trung tâm của ASEAN mà ASEAN mong muốn xây dựng. Đương nhiên, các nước trong ASEAN không muốn bị kẹt trong những cạnh tranh giữa các nước mà tác động đến hòa bình và ổn định của khu vực” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Về vấn đề Biển Đông, Phó Thủ tướng khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng và lợi ích của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích chung của tất cả các quốc gia, được các nước đối tác tiếp tục ủng hộ.
Các Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được thực hiện đầy đủ và hiệu quả, đồng thời kêu gọi sớm hoàn tất xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế.