Phát huy vai trò và vị thế của phụ nữ trong thời đại mới

Với lực lượng đông đảo, phụ nữ Ninh Bình đã có những đóng góp quan trọng, toàn diện trên mọi lĩnh vực, khẳng định vai trò, vị thế của mình trong xã hội. Nhân kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế phụ nữ (8/3/1910-8/3/2024), phóng viên Báo Ninh Bình có cuộc phỏng vấn đồng chí Đào Thị Hòa, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh về những nội dung liên quan đến phát huy vai trò của phụ nữ trong thời đại mới. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

Một tiểu phẩm về bảo vệ môi trường tại lễ phát động thi đua thực hiện chủ đề công tác năm 2024 do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức. Ảnh: Đức Lam

Một tiểu phẩm về bảo vệ môi trường tại lễ phát động thi đua thực hiện chủ đề công tác năm 2024 do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức. Ảnh: Đức Lam

Phóng viên (PV): Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, xin chúc đồng chí cùng các chị em sức khỏe và hạnh phúc. Xin đồng chí chia sẻ về vai trò của phụ nữ trong sự phát triển chung của tỉnh thời gian qua?

Đ/c Đào Thị Hòa: Trải qua dòng chảy thời gian, vai trò của người phụ inữ ngày càng được khẳng định. Hòa chung cùng dòng chảy lịch sưâỷ́, phụ nữ Ninh Bình đã và đang ngày càng khẳng định vai trò, vị trí của mình trong sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Phụ nữ đã trở thành lực lượng quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, chiếm tỷ lệ đông đảo trong ngành y tế, giáo dục, dịch vụ du lịch của tỉnh. Trên lĩnh vực văn hóa xã hội, phụ nữ góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Nhiều điển hình phụ nữ đã phát huy thế mạnh địa phương, tài nguyên bản địa, sáng tạo làm kinh tế giỏi, vươn lên thoát nghèo, nuôi dạy con, xây dựng gia đình hạnh phúc, tích cực tham gia hoạt động nhân đạo, từ thiện.

Phụ nữ Ninh Bình ngày càng ý thức được trách nhiệm và quyền công dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo kế hoạch, chương trình, đề án phát triển kinh tế-xã hội; tham gia đối thoại với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp; có ý thức trách nhiệm cao trong thực thi công vụ, nêu cao đạo đức, văn hóa công sở, tận tụy phục vụ Nhân dân, thực hiện cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, nền hành chính hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của tỉnh trong tình hình mới.

Hiện phụ nữ trên địa bàn tỉnh giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ cán bộ nữ trong quy hoạch ngày càng tăng, nhiệm kỳ 2020-2025, tỷ lệ cán bộ nữ quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đạt 20%, quy hoạch Ban Thường vụ Tỉnh ủy đạt 21,4%. Ninh Bình là một trong các tỉnh có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đứng trong tốp đầu cả nước (đạt 50%). Tổng số cán bộ nữ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý là 52 người. Nữ Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ cấp huyện là 84 người, trong đó có 14 người là Ủy viên Ban Thường vụ. Các chị đã khẳng định được bản lĩnh, tự tin, năng động sáng tạo có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của cơ quan, đơn vị.

PV: Phụ nữ Ninh Bình không chỉ đảm việc nhà mà còn ghi dấu ấn ở nhiều lĩnh vực của phong trào phụ nữ. Xin đồng chí cho biết vai trò của các cấp Hội trong việc đồng hành với hội viên?

Đ/c Đào Thị Hòa: Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn phong trào phụ nữ và hoạt động của Hội, nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp phụ nữ, phù hợp với yêu cầu thực tế của tỉnh nhà, Hội LHPN tỉnh đã cụ thể hóa thành phong trào thi đua "Xây dựng người phụ nữ Ninh Bình thời đại mới" với các nội dung: "Có tri thức; có đạo đức; có sức khỏe; có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước; có lối sống thân thiện, hiền hòa, thanh lịch, mến khách" mang đậm đặc trưng của con người vùng đất Cố đô Hoa Lư.

Các cấp Hội trong tỉnh đã phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, ý thức làm chủ, khơi dậy khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ; triển khai, tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ thực hiện các tiêu chí phụ nữ Ninh Bình, hướng tới từng bước xây dựng hình ảnh, phẩm chất Phụ nữ Ninh Bình đáp ứng yêu cầu thời đại mới. Cùng với đó, trong nhiều năm qua, các cấp Hội LHPN tỉnh đã bám sát quan điểm chỉ đạo của Đảng, của Hội cấp trên, cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh thành các chương trình hành động, những hoạt động cụ thể, phù hợp với đặc điểm vùng miền và nguyện vọng của phụ nữ.

Với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, các cấp Hội LHPN không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hóa hình thức tập hợp nhằm thu hút ngày càng nhiều hội viên tham gia sinh hoạt, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các cấp Hội triển khai đó là hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế bằng các hoạt động cụ thể, như: Tuyên truyền, vận động phụ nữ phát huy tính chủ động, sáng tạo trong phát triển sản xuất, kinh doanh; vận động hội viên sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, mở rộng kinh tế hộ, kinh tế tập thể, sản xuất nông nghiệp an toàn, hữu cơ, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, giá trị, hiệu quả kinh tế, sức cạnh tranh cao, tích cực tham gia chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) trên cơ sở các sản phẩm chủ lực, truyền thống, thế mạnh của các địa phương…. Hỗ trợ thành lập, nâng cao chất lượng hoạt động của hợp tác xã/tổ hợp tác do phụ nữ quản lý; hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm.

Thực hiện các hoạt động giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ thoát nghèo bền vững; đặc biệt là đối tượng nghèo thuộc nhóm dễ bị tổn thương, dân tộc thiểu số, người khuyết tật, phụ nữ và trẻ em. Tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện điều kiện sống; tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận tín dụng, nâng cao chất lượng nguồn vốn vay. Cùng với đó là tăng cường liên kết để hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện; hỗ trợ hội viên phụ nữ bảo tồn, khôi phục các sản phẩm, làng nghề truyền thống phục vụ du lịch...

Riêng năm 2023, các cấp Hội tích cực khai thác các nguồn vốn, hỗ trợ trên 50 nghìn phụ nữ vay để phát triển kinh tế; tư vấn, hỗ trợ thành lập 4 HTX, 6 Tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý; quan tâm vận động phụ nữ phát triển các sản phẩm đặc hữu của địa phương, hỗ trợ kinh phí thực hiện ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, kết nối tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ thực hiện quy trình công nhận 16 sản phẩm OCOP 3 sao; phối hợp dạy nghề, giới thiệu việc làm cho phụ nữ; hỗ trợ các điều kiện giúp phụ nữ nghèo, cận nghèo, khó khăn nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Phụ nữ xã Ninh Thắng (Hoa Lư) tham gia hoạt động "đổi rác lấy quà" do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức. Ảnh: Đức Lam

PV: Với vai trò là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích của chị em phụ nữ, Hội LHPN tỉnh sẽ có những giải pháp gì để hội viên, phụ nữ ngày càng bản lĩnh, tự tin và tỏa sáng trong thời gian tới, thưa đồng chí?

Đ/c Đào Thị Hòa: Trong giai đoạn hiện nay, vai trò của Hội LHPN ngày càng được đề cao, trách nhiệm của Hội càng lớn, vị thế của tổ chức Hội ngày càng được khẳng định. Hội đã làm tốt vai trò nòng cốt trong công tác tham mưu và thực hiện các giải pháp để nâng cao nhận thức cho hội viên phụ nữ về bình đẳng giới, nêu cao tinh thần tự chủ, đoàn kết, vượt khó vươn lên để không ngừng tiến bộ, đóng góp càng nhiều cho gia đình và xã hội.

Trong thời gian tới, để giúp hội viên, phụ nữ ngày càng bản lĩnh, tự tin, tỏa sáng, Hội LHPN tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội thực hiện tốt phong trào thi đua "Xây dựng người phụ nữ Ninh Bình thời đại mới". Đồng thời tổ chức phát động thi đua thực hiện chủ đề công tác năm của Tỉnh ủy "Giữ vững kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo, hiệu quả thực chất" và chủ đề của Trung ương Hội "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội" với nội dung: Tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ lựa chọn nội dung, phần việc cụ thể, phù hợp, thiết thực và sát với yêu cầu nhiệm vụ; chủ động thực hiện đảm bảo tính sáng tạo, hiệu quả thực chất, có khả năng nhân rộng.

Động viên phụ nữ tích cực phấn đấu, rèn luyện các tiêu chí người phụ nữ Ninh Bình thời đại mới; mạnh dạn ứng dụng CNTT khi tham gia hoạt động Hội và trong đời sống, qua đó nâng cao khả năng tiếp nhận, xử lý thông tin qua mạng một cách chủ động, có chọn lọc; ứng dụng CNTT để cập nhật kiến thức, kỹ năng phát triển kinh tế gia đình, chăm sóc, giáo dục con, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là các hành vi lừa đảo trên không gian mạng…

Cùng với đó, các cấp Hội tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp phụ nữ phát huy mạnh mẽ tinh thần nỗ lực vươn lên, khát vọng cống hiến tài năng, trí tuệ vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, Hội vận động phụ nữ phát huy tinh thần vượt khó, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ nại, khuyến khích ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ; khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; thúc đẩy hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, trong đó, tập trung ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ phụ nữ tham gia thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, Hội sẽ huy động các nguồn lực để đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp, đặc biệt là đào tạo, bồi dưỡng về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để đáp ứng yêu cầu người phụ nữ Việt Nam thời đại mới.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Hồng Giang (thực hiện)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/phat-huy-vai-tro-va-vi-the-cua-phu-nu-trong-thoi-dai-moi/d20240308075541484.htm