Phát huy vai trò, vị thế của Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế
Sau chuyến thăm chính thức Vương quốc Maroc và Cộng hòa Senegal, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 6 (WCSP 6) tại Trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sĩ); tiến hành các hoạt động song phương tại Thụy Sĩ theo lời mời của Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) Tulia Ackson, Tổng Thư ký IPU Martin Chungong.
Đây là dịp để Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực và có trách nhiệm với hoạt động chung của IPU và Liên hợp quốc; thúc đẩy hợp tác nghị viện Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế, phát huy vai trò, vị thế của Việt Nam và Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế.
IPU - Liên minh vì hòa bình, hợp tác giữa các dân tộc
Liên minh Nghị viện Thế giới (Inter Parliamentary Union - IPU) là một tổ chức quốc tế tập hợp đại diện của Nghị viện các quốc gia có chủ quyền. Hiện IPU có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ.
Với 181 Quốc hội/Nghị viện thành viên và 15 thành viên liên kết, Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) là trung tâm của hoạt động ngoại giao Nghị viện khắp thế giới, hoạt động vì hòa bình, hợp tác giữa các dân tộc và Nghị viện các nước, có vai trò ngày càng quan trọng trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay.
Mục tiêu chính của IPU gồm: thúc đẩy giao lưu, hợp tác và trao đổi kinh nghiệm giữa các nghị viện và nghị sỹ từ tất cả các nước; tham vấn các vấn đề về lợi ích quốc tế và bày tỏ quan điểm về từng vấn đề với mục tiêu đề xuất hành động đối với các nghị viện và các thành viên; đóng góp vào việc bảo vệ và nâng cao nhân quyền trên toàn thế giới, một yếu tố thiết yếu cho nền dân chủ nghị viện và sự phát triển; Đóng góp cho việc nâng cao nhận thức và tăng cường hiệu quả hoạt động của các thể chế đại nghị.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) Tulia Ackson chiều 6/4/2025 trong khuôn khổ chuyến tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 150 (IPU-150) tại thủ đô Tashkent, Uzbekistan. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
IPU hợp tác chặt chẽ với các cơ chế của Liên hợp quốc, liên minh nghị viện khu vực, tổ chức quốc tế, tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ, điển hình là hoạt động điều trần thường niên về các vấn đề của Liên hợp quốc thu hút sự tham dự của hầu hết các nghị viện thành viên.
IPU hoạt động trên cơ sở Điều lệ chung và các Quy chế về hoạt động của Hội đồng điều hành, Ban Chấp hành, Đại hội đồng, các Ủy ban thường trực và Quy định về tài chính.
IPU tập trung vào các lĩnh vực hoạt động chính gồm: tăng cường nền dân chủ đại diện; thúc đẩy hòa bình và an ninh toàn cầu; Đẩy mạnh phát triển bền vững.
Mỗi năm IPU có hai kỳ họp Đại hội đồng, triệu tập hơn 1.500 đại biểu Quốc hội và các đối tác trong nghị viện các nước thành viên, mang lại sự đa dạng cho chương trình nghị sự toàn cầu, bao gồm công việc của Liên hợp quốc và việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Qua 136 năm hình thành và phát triển, có thể thấy IPU đã không ngừng lớn mạnh, trở thành tổ chức hợp tác liên nghị viện toàn cầu lớn nhất, là diễn đàn đối thoại quan trọng của nghị sỹ toàn cầu để trao đổi và đề xuất các giải pháp về hòa bình, an ninh, hợp tác, phát triển giữa nghị viện các nước.
Thông qua hợp tác với các tổ chức Liên nghị viện khu vực, các tổ chức quốc tế, tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ, IPU ngày càng đóng góp quan trọng trong các lĩnh vực của đời sống quốc tế, từ các vấn đề chính trị, an ninh, đến văn hóa, khoa học, giáo dục.
WCSP - cơ chế hoạt động đặc biệt của IPU
IPU còn có cơ chế hoạt động đặc biệt, diễn ra 5 năm một lần, đó là Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới (World Conference of Speakers of Parliament - WCSP). Mục tiêu của Hội nghị là củng cố năng lực quản trị toàn cầu của nghị viện, đồng thời thông qua gặp gỡ thượng đỉnh nghị viện này, các nhà lập pháp toàn thế giới đóng góp tiếng nói chung vào các chương trình nghị sự của Liên hợp quốc trong xử lý những vấn đề toàn cầu.
Cơ cấu Hội nghị thường bao gồm phiên thảo luận toàn thể, các cuộc thảo luận nhóm, trao đổi bàn tròn và trình bày các báo cáo quan trọng. Trước mỗi kỳ Hội nghị sẽ diễn ra cuộc họp của các nữ Chủ tịch Quốc hội thế giới và kết thúc Hội nghị bằng việc thông qua một Tuyên bố chung do nhóm đại diện của các Chủ tịch Quốc hội soạn thảo.
Kể từ khi được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2000, đến nay, WCSP đã tổ chức được 5 kỳ Hội nghị, bao gồm:
Hội nghị lần thứ nhất, từ ngày 30/8 đến 1/9/2000, tại New York, Hoa Kỳ, với bản tuyên bố lịch sử "Tầm nhìn Nghị viện về hợp tác quốc tế trước thềm thiên niên kỷ thứ ba."
Hội nghị lần thứ tư, từ ngày 31/8 đến 2/9/2015, tại trụ sở Liên hợp quốc, New York, Hoa Kỳ.
Hội nghị lần thứ ba, năm 2010, tại Geneva, Thụy Sĩ, với chủ đề chung "Nghị viện trong một thế giới khủng hoảng, trách nhiệm đối với nền dân chủ toàn cầu vì những mục tiêu tươi sáng."
Hội nghị lần thứ 5, vào ngày 19 và 20/8/2020, là phiên họp diễn ra dưới hình thức trực tuyến, do Liên minh Nghị viện thế giới và Quốc hội Áo tổ chức trong bối cảnh đại dịch COVID-19, với chủ đề "Sự lãnh đạo của Nghị viện vì chủ nghĩa đa phương hiệu quả hơn, mang lại hòa bình và phát triển bền vững cho người dân và Trái Đất." Sau đó, vào tháng 9/2021, phiên họp trực tiếp của Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội Thế giới lần thứ 5 đã diễn ra tại Vienna, Áo.
Tiếp nối thành công của các kỳ hội nghị trên, Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 6 sẽ diễn ra tại Thụy Sĩ từ ngày 29 đến 31/7/2025. Hội nghị tập trung vào chủ đề “Một thế giới đang hỗn loạn: Hợp tác nghị viện và chủ nghĩa đa phương vì hòa bình, công bằng và thịnh vượng cho mọi người dân,” phản ánh mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế về bối cảnh tình hình thế giới đang diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay; đồng thời mong muốn phát huy vai trò quan trọng của ngoại giao nghị viện đa phương trong thúc đẩy hòa bình, hợp tác và phát triển vì lợi ích của người dân trên toàn thế giới, đặc biệt trong hoạch định và giám sát thực thi chính sách, pháp luật.
Hội nghị WCSP 6 có sự tham gia của nghị viện gần 120 nước, trong đó có khoảng 100 Chủ tịch Nghị viện và Quốc hội các nước tham dự.
Hội nghị WCSP 6 có sự tham gia của nghị viện gần 120 nước, trong đó có khoảng 100 Chủ tịch Nghị viện và Quốc hội các nước tham dự. Điều này thể hiện tầm quan trọng, sự quan tâm của nghị viện các nước đối với tình hình thế giới cũng như nhu cầu cần phải hợp tác, cùng nhau giải quyết những khó khăn, thách thức của thế giới hiện nay.
Hội nghị tập trung vào các nội dung chính gồm: thúc đẩy chủ nghĩa đa phương hiệu quả và bao trùm; Hòa bình, an ninh và giải trừ quân bị; Vai trò của Nghị viện các nước trong triển khai Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; Văn kiện vì Tương lai và Văn kiện Số toàn cầu của Liên hợp quốc; quyền con người, bình đẳng giới, bao trùm xã hội và vai trò của thanh niên; đưa ra các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu đang nổi lên như biến đổi khí hậu, khủng hoảng sinh thái…; tăng cường vai trò của nghị viện trong quản trị toàn cầu, các công nghệ mới và trí tuệ nhân tạo.
Đóng góp tích cực của Việt Nam tại IPU
Việt Nam là thành viên chính thức của IPU vào tháng 4/1979. Từ đó đến nay, Việt Nam luôn là thành viên tham gia tích cực và có trách nhiệm tại các diễn đàn của IPU, nhiều lần giữ các vị trí lãnh đạo trong các cơ chế của IPU.
Những đóng góp này có tác động lan tỏa, được bạn bè quốc tế và khu vực đánh giá cao. Thông qua diễn đàn IPU, quan hệ song phương của Quốc hội Việt Nam với Nghị viện các nước được thiết lập và tăng cường.
Việc tham dự các hoạt động của IPU luôn là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương của Quốc hội Việt Nam nhằm thúc đẩy và bảo vệ các lợi ích của quốc gia, tham khảo quan điểm quốc tế và thể hiện quan điểm quốc gia về các mối quan tâm chung trên toàn cầu; đồng thời, tiến hành các hoạt động song phương bên lề với các đối tác mà Việt Nam ít có điều kiện triển khai hoạt động song phương chính thức.
Các hoạt động này đã góp phần thông tin quảng bá về Việt Nam tới đông đảo bạn bè quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đây cũng là nơi Việt Nam có thể tiếp cận với nhiều vấn đề, nội dung, kinh nghiệm hoạt động và thực tiễn tốt của các nghị viện trên thế giới để đóng góp cho việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp Tổng Thư ký IPU Martin Chungong chiều 6/4/2025 (giờ địa phương) trong khuôn khổ tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 150 (IPU-150) tại thủ đô Tashkent, Uzbekistan. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Dấu ấn nổi bật của Việt Nam trong IPU phải kể đến là việc Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công Đại hội đồng IPU-132 (năm 2015) và Hội nghị Nghị sỹ trẻ toàn cầu lần thứ 9 tại Hà Nội (năm 2023).
Đại hội đồng IPU lần thứ 132 tại Hà Nội (tháng 3/2015) được tổ chức trong bối cảnh Liên hợp quốc đưa ra sáng kiến xây dựng chương trình phát triển bền vững và Quốc hội Việt Nam đã tham gia rất tích cực với nhiều đóng góp nổi bật.
Tại IPU-132, các nghị viện đã ra Tuyên bố Hà Nội "Các Mục tiêu Phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động." Tuyên bố này đã được truyền tải tới Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc tổ chức vào tháng 9/2015 và đây là đóng góp rất quan trọng để Liên hợp quốc xây dựng, ban hành Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Tháng 9/2023, Việt Nam tiếp tục tổ chức thành công Hội nghị nghị sỹ trẻ toàn cầu lần thứ 9 tại thủ đô Hà Nội, thu hút sự tham dự của hơn 300 nghị sỹ trẻ. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Hội nghị về “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”. Đây là Tuyên bố đầu tiên của Hội nghị nghị sỹ trẻ toàn cầu sau 9 kỳ tổ chức.

Sáng 6/4/2025 (giờ địa phương), tại Thủ đô Tashkent, Uzbekistan, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Phiên thảo luận chung Đại hội đồng lần thứ 150 của Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU-150). (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Là một thành viên tích cực của Liên minh Nghị viện Thế giới, ngoài việc đăng cai tổ chức các hội nghị của IPU, Quốc hội Việt Nam cũng thường xuyên cử Đoàn cấp cao do Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội tham dự các kỳ Hội nghị của Đại hội đồng IPU; Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới (WCSP) kể từ năm 2000 tới nay.
Đáng chú ý, Việt Nam đã tham dự các kỳ họp của Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới (WCSP) ở cấp Chủ tịch Quốc hội vào các năm 2000, 2005, 2015, 2020-2021, và 2025; tham gia cấp Phó Chủ tịch Quốc hội vào năm 2010.
Nhìn chung, tại các lần tham dự Hội nghị, Trưởng đoàn Quốc hội Việt Nam luôn có các phát biểu quan trọng tại phiên toàn thể và các phiên chuyên đề, chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm xây dựng chính sách của Việt Nam, khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với chủ nghĩa đa phương, vai trò trung tâm của Liên hợp quốc và hợp tác nghị viện toàn cầu vì hòa bình, phát triển bền vững và thịnh vượng chung, đồng thời có nhiều hoạt động tiếp xúc, gặp gỡ, làm việc với Lãnh đạo IPU, Liên hợp quốc và nghị viện các nước.
Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 6 tiếp tục là một sự kiện quan trọng của ngoại giao nghị viện.
Theo Thứ trưởng Bộ ngoại giao Đặng Hoàng Giang, chuyến công tác tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 6 của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam nhằm triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả của Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới, cũng như Kết luận số 125-KL/TW của Ban Bí thư về tăng cường thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.
Đồng thời, việc tham dự hội nghị góp phần khẳng định mạnh mẽ những chủ trương, chính sách, nỗ lực lớn của đất nước trong phát triển kinh tế, xã hội, đề cao chủ nghĩa đa phương, tạo động lực cho việc thể hiện vai trò thành viên có trách nhiệm, đóng góp tích cực, thực chất của Việt Nam đối với các hoạt động của IPU và Liên hợp quốc, thúc đẩy quan hệ, hợp tác nghị viện với các nước, các tổ chức quốc tế, phát huy vai trò, vị thế của Việt Nam và Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế.
Bên cạnh việc tham gia trực tiếp vào giải quyết các vấn đề quốc tế lớn, đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam còn mang đến Hội nghị lần này những kinh nghiệm, những câu chuyện thành công của Việt Nam để lan tỏa, chia sẻ với các nước, các tổ chức quốc tế về củng cố, giữ vững hòa bình, ổn định, phát triển đất nước, tăng cường quan hệ đối ngoại, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, thượng tôn luật pháp quốc tế, thúc đẩy đoàn kết, hợp tác quốc tế, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho mọi người dân, mọi quốc gia, khu vực và trên toàn thế giới.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội Đôn Tuấn Phong cho biết dự kiến tại hội nghị WCSP 6 lần này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ có bài phát biểu tại Phiên toàn thể, truyền tải thông điệp về đường lối, chính sách của Việt Nam, nhất là đường lối hợp tác vì hòa bình và phát triển bền vững trên toàn thế giới.
Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội đề xuất những biện pháp, kêu gọi nghị viện các nước và Liên minh Nghị viện thế giới chung tay, chung sức, đề cao luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, giải quyết những thách thức về môi trường để cùng nhau phát triển bền vững.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn còn tiến hành các cuộc gặp song phương với Chủ tịch và Tổng Thư ký của Liên minh Nghị viện Thế giới và Chủ tịch Nghị viện, Chủ tịch Quốc hội của nhiều nước..., qua đó thúc đẩy quan hệ song phương trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có hợp tác nghị viện./.
