Phát khóc vì áp lực giảm tải chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

GS.TS Phạm Hồng Tung chia sẻ trong quá trình lấy ý kiến cho chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, một số thành viên đã khóc vì áp lực phải hạ yêu cầu cần đạt đối với học sinh.

"Nói thật, chúng tôi rất đau đớn. Những thầy cô ở các bộ môn như Vật lý, Toán rơi nước mắt", GS.TS Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐH Quốc gia Hà Nội, thành viên ban phát triển chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, chia sẻ tại diễn đàn Educamp 2020 diễn ra sáng 14/11.

Tại đây, ông nói về những áp lực trong quá trình xây dựng chương trình, thiết kế yêu cầu cần đạt.

 GS Phạm Hồng Tung thừa nhận thành viên Ban phát triển chương trình giáo dục phổ thông tổng thể có chuyên môn về môn mình phụ trách nhưng không chuyên nghiệp về xây dựng chương trình. Ảnh: VietNamNet.

GS Phạm Hồng Tung thừa nhận thành viên Ban phát triển chương trình giáo dục phổ thông tổng thể có chuyên môn về môn mình phụ trách nhưng không chuyên nghiệp về xây dựng chương trình. Ảnh: VietNamNet.

Không chuyên nghiệp về phát triển chương trình

Ông Tung là một trong số những người xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Ông phụ trách xây dựng chương trình môn Lịch sử, đồng thời là tác giả SGK Lịch sử lớp 10.

Ông tâm sự từ lúc bắt tay vào xây dựng chương trình đến giờ, ông rất sợ những kỳ vọng, tâm huyết, điều mình làm không phù hợp thực tiễn, không đi được vào cuộc sống. Ông thừa nhận một số nỗi sợ đã thành sự thật.

Ban phát triển chương trình có 18 người, mỗi môn một người. 100% thành viên đều chuyên nghiệp ở chuyên môn cụ thể của mình nhưng không ai chuyên nghiệp về phát triển chương trình.

Trong khi đó, ở nước ngoài, công việc phát triển chương trình giáo dục, chương trình dạy học, chương trình từng môn học đều do đội ngũ chuyên nghiệp phụ trách. Họ dành cả đời để tập trung công việc này.

Kiến thức Lịch sử hay Toán chỉ là hiểu biết nền, mang tính hỗ trợ. Họ là nhà khoa học giáo dục chuyên về phát triển chương trình.

"Tôi tự tin là nhà sử học chuyên nghiệp nhưng lại bán chuyên nghiệp trong phát triển chương trình. Chúng tôi nghiêm túc về sự không chuyên nghiệp của mình, luôn tìm hiểu ở nước ngoài, người đi trước làm thế nào, đồng thời tìm mọi cách kết nối với giáo viên, học sinh ở khắp nơi để xem vấn đề của giáo dục phổ thông hiện nay", ông Tung chia sẻ.

Ông nói thêm với tình hình hiện nay, cách này tạm chấp nhận được. Nhưng ông hy vọng tương lai có đội ngũ phát triển chương trình chuyên nghiệp.

TS Lê Thống Nhất, Chủ tịch HĐQT BigSchool và VinaSchools, cũng cho rằng việc để những người thuần túy chuyên môn làm công việc không phải lĩnh vực thành thạo của họ là sai lầm, nhược điểm.

Ông Nhất khẳng định nước ta có thừa nhà giáo dục giỏi để làm tốt chương trình nhưng khuyết điểm lớn là dùng người không đúng.

"Chương trình như vậy mà SGK cũng thế. Xã hội hóa, NXB Giáo dục Việt Nam VEPIC, cầm cân nảy mực trong chuyện chọn chủ biên. Chủ biên lại chọn tác giả theo ý mình, tình cảm xen lấn nhiều", TS Lê Thống Nhất đánh giá.

 TS Lê Thống Nhất cho rằng thực tế từ 2,5 tháng qua cho thấy chương trình, SGK mới có vấn đề. Ảnh: USSH.

TS Lê Thống Nhất cho rằng thực tế từ 2,5 tháng qua cho thấy chương trình, SGK mới có vấn đề. Ảnh: USSH.

Sức ép giảm tải chuẩn đầu ra

Tại buổi thảo luận, TS Lê Thống Nhất cũng nói về việc giảm tải chương trình. Khi nghe các nhà làm chương trình nói đổi mới lần này là thay đổi mục tiêu (chương trình hiện hành dạy học sinh biết gì, chương trình mới dạy học sinh làm được gì, xoáy vào phát triển phẩm chất, năng lực), ông rất mừng vì cho rằng đây là cơ hội để giảm bớt kiến thức. Tuy nhiên, thực tế, ở môn Toán, khối lượng kiến thức không giảm.

Hay như sau 2,5 tháng triển khai chương trình, SGK lớp 1, riêng môn Tiếng Việt, số giờ học tăng lên dẫn đến số âm, vần cần học trong một buổi nhiều gấp đôi. Học sinh không nhớ nổi, phụ huynh bực mình.

"Ngày xưa, học sinh học thoải mái. Hiện nay, hết giờ học, các em ăn cơm xong, cả nhà ngồi lại kèm bài. Thực tế đó cho thấy chương trình, SGK có vấn đề", ông Nhất nói.

GS.TS Phạm Hồng Tung thừa nhận giảm tải cũng là vấn đề mà Ban phát triển chương trình gặp phải khi thiết kế chuẩn đầu ra. Trong quá trình thiết kế yêu cầu cần đạt của chương trình, Ban phát triển chương trình giáo dục phổ thông tổng thể luôn so sánh với các nước phát triển và nước có điều kiện gần giống Việt Nam.

Ngày xưa, học sinh học thoải mái. Hiện nay, hết giờ học, các em ăn cơm xong, cả nhà ngồi lại kèm bài. Thực tế đó cho thấy chương trình, SGK có vấn đề.

TS Lê Thống Nhất

Yêu cầu đặt ra đã ở mức tối thiểu. Tuy nhiên, khi đưa ra lấy ý kiến chuyên gia, xã hội, rất nhiều người gây sức ép để giảm tải, hạ thấp chuẩn đầu ra. Điều này khiến ban đau đớn, một số người bật khóc.

"Các thầy nói vạt như thế là đến tận xương rồi, không thể thêm được nữa. Nước ta đang tụt lại rất xa, có thu hẹp khoảng cách trong tương lai được hay không phụ thuộc tuyệt đối vào chất lượng đội ngũ nhân lực. Chúng ta muốn đi nhanh, đi giỏi, đi bền như người ta mà lại muốn học ít hơn người ta là không được", GS Phạm Hồng Tung chia sẻ.

Ông nói thêm một đồng nghiệp của mình tại Viện Khoa học Giáo dục góp ý giáo dục nước ta "đi kiễng", nếu còn giảm yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông, bao giờ chúng ta mới đến đích.

Tuy nhiên, ông Tung cho rằng với yêu cầu như hiện tại, nếu tăng thêm lại quá tải. Các trường ở vùng thuận lợi như Hà Nội, TP.HCM, Nam Định tiếp thu được song vùng sâu, xa lại gặp khó khăn.

Nói về việc thực hiện chương trình mới, GS.TS Phạm Hồng Tung còn đề cập tầm quan trọng của thay đổi tư duy từ những điều nhỏ nhất.

"Chương trình đóng vai trò có tính pháp lệnh hay không? SGK là học liệu, còn đóng vai trò pháp lệnh như trước hay không? Vai trò của người thầy thế nào và chương trình nhà trường ra sao?", ông nêu.

Theo ông Tung, chương trình môn học giáo dục phổ thông dành cho toàn quốc nhưng mỗi trường cần có chương trình nhà trường. Trong quá trình tư vấn ở một số nơi, ông thấy một số trường ngoài công lập đặt vấn đề có chương trình nhà trường để phù hợp đối tượng học sinh của mình.

Nhưng ở trường công lập, phần lớn trường ở ngoài Hà Nội và TP.HCM, ông chưa từng nghe đến chương trình nhà trường. Ông đánh giá giáo dục nước ta vẫn giữ tư duy cách đây 50 năm, bảo sao cứ nhất loạt làm như vậy. Nếu thế, chúng ta không bao giờ tiến được phía trước.

"Tôi thấy những bước đi ban đầu còn chập chững, chắc chắn sẽ vấp ngã đôi lần nhưng chúng ta tự tin bước về phía trước và phải có cách để đi tiếp nữa", ông Tung nói.

Mong sớm có sách lớp 2 và lớp 6 để dạy thử nghiệm Các trường mong mỏi sớm có sách lớp 2 và lớp 6 theo chương trình mới để được tiếp cận và dạy thử nghiệm trước khi triển khai đại trà.

Nguyễn Sương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phat-khoc-vi-ap-luc-giam-tai-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-tong-the-post1153038.html