Phạt kịch khung vẫn chưa đủ!

Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng đang được nghiên cứu, sửa đổi theo hướng tăng mức tiền phạt kịch khung đối với một số hành vi vi phạm.

Trong đó có hành vi liên quan đến việc chủ đầu tư không công khai cho người mua nhà thông tin về việc thế chấp dự án bất động sản. Thời gian qua, vi phạm của chủ đầu tư dự án bất động sản không phải hiếm gặp. Với những trường hợp này, phần thiệt thòi chủ yếu đẩy về phía người mua nhà, đặc biệt tại các dự án mà chủ đầu tư đã thế chấp để vay vốn.

Chủ đầu tư cố tình che giấu thông tin dẫn đến việc người dân khi mua nhà tại các dự án này dù đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính và những trách nhiệm liên quan nhưng không được nhận đầy đủ quyền lợi. Rủi ro lớn là người mua nhà không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (còn gọi là sổ đỏ, sổ hồng) bởi vì dự án đang bị thế chấp.

 Ảnh minh họa: vneconomy.vn

Ảnh minh họa: vneconomy.vn

Thậm chí, có trường hợp, đến khi tổ chức tín dụng phát mại tài sản tại dự án để thu hồi nợ, người dân mới biết thông tin. Theo quy định tại Nghị định số 16/2022/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, hành vi gian dối thông tin của chủ đầu tư dự án bất động sản bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 120 triệu đồng.

Tại dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 16/2022/NĐ-CP, Bộ Xây dựng kiến nghị trình Chính phủ điều chỉnh tăng mức phạt tiền đối với hành vi này từ 120 triệu đồng lên 1 tỷ đồng. Đây là mức phạt tối đa trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản do Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định.

Mặc dù mức xử phạt nâng lên kịch khung nhưng có ý kiến lo ngại, mức phạt này chưa đủ sức răn đe bởi vẫn còn thấp so với lợi ích chủ đầu tư thu được. Nghiêm trọng hơn, nhiều chủ đầu tư cố ý làm trái quy định của pháp luật, sẵn sàng chấp nhận nộp phạt để tiếp tục hành vi che đậy thông tin nhằm trục lợi. Người mua nhà không dễ đòi lại quyền lợi chính đáng cho mình, có trường hợp phát sinh khiếu nại, tranh chấp kéo dài.

Để ngăn chặn những trường hợp tương tự có thể xảy ra trong thời gian tới, bên cạnh nâng mức phạt tiền, việc quy định các hình thức xử phạt bổ sung là rất cần thiết. Trong đó, cần quan tâm trước hết đến bảo vệ quyền lợi chính đáng của người mua nhà. Có thể yêu cầu chủ đầu tư trả lại tiền đã thu của khách hàng và những chi phí phát sinh khác.

Trường hợp việc trả lại tiền không đồng thuận giữa hai bên, chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ của mình, bao gồm việc công bố đầy đủ thông tin và làm thủ tục để người mua nhà được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định. Ngoài ra, cần đình chỉ hoạt động kinh doanh bất động sản, mạnh tay xử lý hình sự với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân làm ăn gian dối. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ thể liên quan trong giao dịch bất động sản là nền tảng góp phần xây dựng môi trường kinh doanh công khai, minh bạch, bình đẳng, thượng tôn pháp luật.

ĐỖ MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/phat-kich-khung-van-chua-du-792467