Phát kiến vô lăng độc đáo 'Neo Steer' hỗ trợ người khuyết tật lái ô tô

Dường như thời đại điện hóa và những công nghệ điện tử tiên tiến đang mở ra vô vàn phát kiến mới, cách tân triệt để những thiết kế cố hữu của ô tô truyền thống.

Phần sàn xe hoàn toàn thoáng khi các chức năng điều khiển ga, phanh... đều đã tích hợp lên vô lăng.

Phần sàn xe hoàn toàn thoáng khi các chức năng điều khiển ga, phanh... đều đã tích hợp lên vô lăng.

Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho người khuyết tật khi thiết kế các mẫu xe mới.

Mazda đã bán các biến thể “xe tự lực” của MX-30, CX-5 và thậm chí cả MX-5 Miata với đòn bẩy gắn bên cạnh bảng điều khiển trung tâm để thay thế bàn đạp. Những chiếc xe này cũng có thể được đặt hàng với vô lăng đặc biệt có núm xoay tích hợp, cho phép tài xế lái xe bằng một tay.

Trong khi đó, Toyota từ lâu luôn có các dòng minivan hay MPV với cửa siêu rộng và cơ chế thềm hỗ trợ xe lăn lên xuống, thậm chí thay vào vị trí ghế lái.

Trong Triển lãm Di động Nhật Bản (Japan Mobility Show) 2023, một phát kiến mới gây chú ý là hệ thống vô lăng “Neo Steer”. Lấy cảm hứng từ tay lái xe máy, thiết kế mới tích hợp toàn bộ cơ chế điều khiển ga và phanh lên vô lăng, đồng nghĩa người điều khiển xe không còn phải dùng tới chân để kiểm soát tốc độ. Toàn bộ nút điều khiển chức năng thường xuyên dùng khi lái xe như xi nhan, cần gạt nước… cũng đều đặt trên vô lăng.

“Neo Steer” cho phép người khuyết tật hoặc có vấn đề sức khỏe tay, chân có thể di chuyển ô tô mà không bị bất cứ hạn chế nào.

“Neo Steer” cho phép người khuyết tật hoặc có vấn đề sức khỏe tay, chân có thể di chuyển ô tô mà không bị bất cứ hạn chế nào.

Vô lăng “Neo Steer” này cũng không quay nhiều như vô lăng kiểu truyền thống, mà chỉ di chuyển tối đa 200 độ. Góc quay này tuy hẹp nhưng đủ để điều khiển ô tô chuyển hướng như bình thường nhờ hệ thống điều khiển lái điện tử (steer-by-wire), tương tự như giải pháp trên xe điện Lexus RZ. Với góc quay hẹp, người bị chấn thương không thể di chuyển tay thoải mái vẫn có thể lái xe một cách dễ dàng.

Dù về ý tưởng khá hoàn hảo, nhưng thiết kế hiện tại của “Neo Steer” vẫn còn một số bất cập. Điều này thể hiện rõ qua trải nghiệm cầm lái trên xe thực tế tại một trung tâm nghiên cứu công nghệ ở Shimoyama (Nhật Bản).

Đơn cử, việc đặt lẫy ga chỉ ở cạnh phải vô lăng đồng nghĩa người dùng tuy có thể tăng tốc xe chỉ bằng ngón cái, nhưng khó duy trì tốc độ này khi họ cần điều chỉnh gì đó trên hệ thống thông tin giải trí.

Ngoài ra, cơ chế lái tương đối nhạy đồng nghĩa mọi phản xạ khi gặp tình huống bất ngờ đều tiềm ẩn rủi ro cao hơn. Tuy nhiên, thao tác kiểm soát tốc độ và chân ga qua lẫy lại rất "thật tay" và dễ dàng đến bất ngờ.

Một khách tham quan thích thú dùng thử Neo Steer trên hệ thống giả lập tại JMS 2023.

Một khách tham quan thích thú dùng thử Neo Steer trên hệ thống giả lập tại JMS 2023.

Dù thế nào, không thể phủ nhận rằng, bên cạnh việc hỗ trợ người khuyết tật, “Neo Steer” còn có nhiều tiềm năng to lớn đối với tương lai thiết kế ô tô, khi cho phép tạo ra không gian nội thất thoáng đạt hơn, nhờ việc loại bỏ các cần điều khiển tay cồng kềnh.

Sự nhỏ gọn và tính hội tụ “tất cả trong một” cũng đồng nghĩa vô lăng “Neo Steer” - toàn bộ hệ thống điều khiển của xe - có thể ẩn đi dễ dàng nếu chiếc ô tô chuyển vào trạng thái tự hành.

Theo hanoimoi.vn

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202311/phat-kien-vo-lang-doc-dao-neo-steer-ho-tro-nguoi-khuyet-tat-lai-o-to-f720d0b/