Phạt nặng các đối tượng dùng xe cứu hộ 'thông chốt' kiểm soát y tế, đưa người vào Hà Nội

Tài xế ô tô và xe cứu hộ 'thông chốt' kiểm soát y tế, đưa người vào Hà Nội bị xử phạt về hành vi không chấp hành, không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, sau khi Báo Sức khỏe & Đời sống (Bộ Y tế) đăng tải bài viết: Dùng xe cứu hộ "thông chốt" kiểm soát y tế, đưa người vào Hà Nội, Cục CSGT đã chỉ đạo Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông TP Hà Nội xác minh, làm rõ.

Cụ thể, sáng 7/8, ông Lê Văn Đồng (SN 1959, trú tại thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) và ông Hoàng Văn Thọ (SN 1965, trú tại huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) điều khiển ô tô 7 chỗ mang BKS 38A-372.69 chở theo 5 người (gồm 4 nam và 1 nữ) từ Hà Tĩnh để đi Lạng Sơn và Thái Nguyên.

Luật Giao thông đường bộ quy định, xe cứu hộ chỉ được kéo theo một xe ô tô hoặc xe máy khi xe này không tự chạy được. Trường hợp xe được kéo phải có người điều khiển thì chỉ được thêm 1 người lái xe. Ngoài ra, trên xe được kéo theo không chở thêm bất kỳ người nào khác.

Khi đến Km191, gần cuối cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ để đi qua chốt kiểm soát y tế vào Hà Nội, chiếc xe này báo "chết máy" và được xe cứu hộ mang BKS 29H-03804 do tài xế Nguyễn Nam Hợi (SN 1983, trú tại huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) đến đón.

Sau khi đưa xe BKS 38A-372.69 lên sàn, xe cứu hộ lần lượt đón 7 người lên xe và ngồi trong chiếc ô tô được cho là đang "bị hỏng".

Xe cứu hộ chở theo ô tô 7 chỗ kèm theo gần 10 người để “thông chốt” kiểm soát Pháp Vân – Cầu Giẽ sáng 7/8. Ảnh: Cao Tuân

Trong quá trình di chuyển, tài xế xe cứu hộ lợi dụng "luồng xanh" để "thông chốt" kiểm soát dịch bệnh - gồm các lực lượng CSGT, TTGT, quân đội và y tế đang làm nhiệm vụ tại Trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Thời điểm này, do tình hình dịch bệnh phức tạp, khó lường; số ca mắc trong cộng đồng vẫn cao, nhiều ca không có biểu hiện dịch tễ nên Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17 của Chủ tịch UBND thành phố. Chính vì thế, phương tiện ô tô 7 chỗ BKS 38A-372.69 được xác định thuộc diện ra đường trong trường hợp không cần thiết.

Trong khi đó, qua tra cứu trên hệ thống "thẻ nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên luồng xanh" của Tổng cục Đường bộ Việt Nam: Xe cứu hộ mang BKS 29H-03804 đăng ký để "vận chuyển hàng hóa phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh".

Được biết, 5 người khách trên xe ô tô đi từ Campuchia về tỉnh Tây Ninh. Ngày 3/8 sau khi đã hoàn thành cách ly y tế 14 ngày tại tỉnh Tây Ninh, nhóm người này đã di chuyển đến Hà Tĩnh rồi thuê xe đi qua TP Hà Nội để về địa bàn Thái Nguyên và Lạng Sơn.

Tình trạng “thông chốt” kiểm soát y tế, đưa người vào Hà Nội tiềm ẩn nguy cơ phát tán và lây lan dịch bệnh. Ảnh: Cao Tuân

Sau quá trình xác minh, Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 3, Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, Cục Cảnh sát giao thông và Đội Cảnh sát giao thông số 14, Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với những người liên quan trong vụ việc.

Theo đó, Đội 3 - Cục Cảnh sát giao thông đã tiến hành lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Văn Hợi (người điều khiển xe ô tô cứu hộ biển số 29H-038.04) với hành vi: Dừng xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định, mức phạt từ 6 triệu đến 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng và hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, mức phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng. Tổng mức phạt chung từ 11 triệu đến 18 triệu đồng; tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng.

Về phía, Đội 14 - Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với ông Lê Văn Đông và ông Hoàng Văn Thọ điều khiển xe ô tô 7 chỗ biển số 38A-372.69 về hành vi: Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế (điều khiển xe ra đường trong trường hợp không cần thiết theo Chỉ thị số 17 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội), mức phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng.

Phương tiện cứu hộ BKS 29H-03804 hoạt động tại Hà Nội tối 11/8. Ảnh: Cao Tuân

Cục CSGT khẳng định đang tiếp tục xác minh vụ việc nêu trên. Nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm sẽ chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định.

Nhận định hành vi lợi dụng xe cứu hộ "thông chốt" kiểm soát y tế, đưa người vào Hà Nội rất phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ phát tán và lây lan dịch bệnh, Ủy ban ATGT Quốc gia đã đề nghị cơ quan công an điều tra, xử lý nghiêm.

Trong quá trình ghi nhận thực tế cũng những tài liệu thu thập của phóng viên cho thấy phương tiện cứu hộ nói trên (thuộc Công ty cứu hộ giao thông Yến Thành có trụ sở tại 54 Lê Quang Đạo, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội - số đường dây nóng: 0929.107.107) không chỉ một lần thực hiện "thông chốt" kiểm soát y tế, đưa người vào Hà Nội.

Báo Sức khỏe & Đời sống của Bộ Y tế sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//phat-nang-cac-doi-tuong-dung-xe-cuu-ho-thong-chot-kiem-soat-y-te-dua-nguoi-vao-ha-noi-169210813004916056.htm