Phạt nặng hành vi buôn bán hàng xách tay
Bán hàng xách tay sẽ bị coi là bán hàng nhập lậu và sẽ phải đối mặt với mức phạt tiền lên đến hàng trăm triệu đồng nếu hàng hóa đó không có hóa đơn chứng từ.
Rất nhiều người đang ưa chuộng hàng xách tay. Điều này cũng dễ hiểu khi họ tin rằng: đây là hàng chuẩn do tiếp viên hàng không hoặc người thân của các chủ shop ở nước ngoài gửi về. Giá rẻ hơn hàng nhập khẩu chính hãng do không chịu thuế. Tuy nhiên, cơ quan chức năng nhận định: hiện nay, phần lớn hàng xách tay là từ các đường dây, đầu nậu chuyên đánh hàng trốn thuế với số lượng lớn về Việt Nam tiêu thụ, tiêu dùng những mặt hàng này cũng chính là tiếp tay cho bán hàng trốn thuế.
Từ ngày 15/10 tới đây, theo Nghị định 98 của Chính phủ, hành vi kinh doanh, bán hàng xách tay sẽ bị coi là bán hàng nhập lậu và sẽ phải đối mặt với mức phạt tiền lên đến hàng trăm triệu đồng nếu hàng hóa đó không có hóa đơn chứng từ.
Hàng xách tay tràn lan thị trường
Gõ nhanh cụm từ "hàng xách tay" + tên một sản phẩm thực phẩm chức năng sẽ có hàng trăm kết quả, hàng trăm website bán hàng với tên miền "xách tay" được hiện ra với giá cả khác nhau.
Tra ngược lại tên sản phẩm này trong danh sách các nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam, đã có hẳn 1 đơn vị nhập khẩu chính ngạch từ gần 10 năm nay. Đại diện đơn vị này cho biết, đã phải làm việc với hãng mẹ tại Đức về thị trường các sản phẩm hàng lậu, hàng xách tay bởi hiện sản phẩm nhập khẩu chính ngạch này đang có giá cao hơn gần 100.000 đồng so với các sản phẩm hàng "xách tay" không rõ nguồn. Đơn vị này cũng biết, hàng xách tay, hàng lậu đang ảnh hưởng rất lớn đến đơn vị nhập khẩu… nhưng biết mà không thể làm gì được!
Và nếu mua online đã dễ dàng, mua trực tiếp còn dễ dàng hơn nhiều. Không chỉ tại Hà Nội, trên đường Hàm Nghi, quận 1 hay đường Nguyễn Thông, quận 3, TP.HCM cũng tràn lan các mặt hàng xách tay, từ rượu, bánh kẹo, thực phẩm, sữa bột đến các sản phẩm làm đẹp, thực phẩm chức năng hay mặt hàng thời trang.
Xử phạt đến 200 triệu đồng đối với người buôn bán hàng xách tay
Nếu như trước đây việc bán mặt hàng này được hiểu là 1 nghề tay trái, tức là làm thêm để gia tăng thu nhập, đến nay với sự chấp nhận của rất đông người tiêu dùng, bán hàng xách tay đã chuyển từ nghề tay trái sang nghề tay phải, trở thành một trào lưu của một bộ phận người dân kinh doanh.... Nghị định 98 của Chính phủ chính thức có hiệu lực từ ngày 15/10 tới đây đưa ra các mức xử phạt hành chính tương đối cụ thể trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nhưng liệu mức phạt này đã đủ mạnh để ngăn chặn hàng xách tay hiện vẫn ào ào vào thị trường Việt Nam?
Nghị định 98/2020 là nghị định thay thế, sửa đổi Nghị định 185/2013, trong đó đáng chú ý chính là việc tăng mức xử phạt với những hành vi này được nâng lên theo hướng tăng nặng, từ mức phạt thấp nhất 200.000 đồng lên 500.000 đồng, mức cao nhất lên tới 100 triệu đồng. Ngoài ra hàng hóa vi phạm được coi là hàng lậu và bị tịch thu, trong đó, nêu rõ càng loại hàng xách tay được xác định là hàng lậu với các điểm sau:
- Thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu.
- Không có giấy phép nhập khẩu hoặc hàng hóa nhập khẩu theo điều kiện mà không đáp ứng điều kiện.
- Không đi qua cửa khẩu, không làm thủ tục hải quan theo quy định hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa.
- Không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
- Không có tem dán vào hàng hóa hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng.
TS. Nguyễn Hồng Quân, chuyên gia Quản trị kinh doanh, Đại học Ngoại thương Hà Nội, cho biết: "Khi mà chúng ta đã tham gia các Hiệp định thương mại tự do mà thị trường của chúng ta vẫn tồn tại các mặt hàng lậu, hàng không chính thống, không rõ nguồn gốc xuất xứ như thế này, các đối tác và các nước chúng ta ký kết hiệp định thương mại sẽ là bức tranh xấu về thị trường Việt Nam và việc tiếp tục đầu tư sẽ là khó khăn".
Chương trình Vấn đề hôm nay phát sóng ngày 12/10 với khách mời là ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường đã trao đổi chi tiết hơn về vấn đề này.